“Không phải tiến tới tương lai mà đi đến quá khứ” (Brenda và Robert Vale)
Bạn tôi tên Vọt ở làng Mòi (Phú Xuyên, Hà Nội) về hưu “làm người tử tế” trồng rau, hoa, nuôi gà, lợn (heo)… trên non 2 sào đất thổ cư, thổ canh. Vợ Vọt cơm nước, trông con cho vợ chồng thằng con “làm trên phố sáng đi tối về”. Trong bán kính cách trung tâm chừng 25km, gia cảnh ấy thường gặp tại các làng ven Hà Nội hay Sài Gòn, với “lao động nông nghiệp – phi nông nghiệp chung mái nhà, sát cánh bên mâm cơm”.
Ai ngồi bên mâm cơm?
Hệ thống hành chính xứ ta có thể lại bối rối khi xếp “mô hình nhà Vọt thuộc nông thôn hay đô thị? Là nông thôn vì họ vẫn thu hoa lợi trực tiếp từ đất, vẫn sống trong các mối quan hệ dòng họ, làng xóm…; là đô thị vì con trai, con dâu ăn lương “phi nông nghiệp”, vợ chồng Vọt có tý lương hưu…?
Xếp vào đâu là việc quan trên, ta chỉ biết họ được ăn “toàn đồ quê” rau, cá, gà, heo… nhà nuôi trồng hoặc hàng xóm. Phải đề cao mâm cơm do khá an toàn (ông Vọt biết rõ quá trình nuôi trồng những thứ hàng ngày cho vào mồm) và đặc biệt là tươi và rẻ, bởi các thực phẩm đều lấy từ đất đai quanh nhà.
Còn hơn cả đặc biệt, “mô hình nhà Vọt” kháng cự tốt trong đại dịch Covid-19 khi toàn gia ở nhà, con trai con dâu làm online, thằng cháu cũng online học. Tốt vì những gia đình nửa quê, nửa tỉnh có không gian đủ nắng gió trời, giảm độc lực con SARS-CoV-2, đủ để họ vận động ra mồ hôi, đủ đất đai để sinh thức ăn… Trong khi chúng ta sống như “tù giam lỏng”, đi chợ theo phiếu 3 ngày/ lần, thậm chí ngồi nhà chờ cứu đói. Nói dại, ngộ nhỡ cả thành phố lockdown đến hết Tết con hổ, thì nhà Vọt có hầm biogas, dàn pin mặt trời trên mái nhà “cóc sợ bố con thằng nào” .
Theo cụ Alvin Toffler (nhà tương lai học Mỹ 1928-2016, cuốn Làn sóng thứ ba) sống dựa vào tự nhiên, tự sản xuất tự tiêu thụ, định cư gắn liền với đất canh tác, gia đình nhiều thế hệ… là thuộc về “làn sóng thứ nhất” trong ba làn sóng văn minh nhân loại (nông nghiệp, công nghiệp, hậu công nghiệp). Vậy nhà Vọt tụt hậu, trở về thời kỳ “tiền công nghiệp” trong lúc toàn thành phố hăm hở tiến lên thời 4.0 ư?
Thưa, đừng chụp mũ nhau nhanh thế, vì cũng Alvin Toffler bảo: năng lượng là tiền đề, chỉ dấu của mọi nền văn minh. Thời nông nghiệp sử dụng năng lượng thiên nhiên (nắng, gió, mưa…); thời công nghiệp xài năng lượng không tái tạo (dầu mỏ, than đá…); thời hậu công nghiệp kẻ nào sử dụng được nhiều năng lượng thiên nhiên (tái tạo) hơn thì văn minh hơn.
Vậy để công bằng với “mô hình nhà Vọt” cần một câu chuyện nữa: năng lượng.
Đo văn minh bằng gì?
Trước hết tạm cùng nhau đồng ý rằng năng lượng là quan trọng nhất vì nó duy trì sự sống muôn loài từ động, thực vật, đến “con ô tô” cũng “xăng đổ mồm” (năng lượng) mới chịu chạy. Năng lượng có loại vô hạn như nắng, gió…, hữu hạn như dầu mỏ, than…
Cho nên tôi mạn phép nghĩ theo cụ Alvin Toffler khen, chê văn minh hay kém văn minh phải xem cách sử dụng năng lượng của họ.Vì ai có công nghệ tiên tiến mới thu được năng lượng thiên nhiên (kiểu như người dày công tu tập mới mở được luân xa tiếp nhận tiên thiên khí). Còn kẻ sống nhân văn hơn vì hắn không xài, không bán cho kỳ hết loại năng lượng hữu hạn (thủ phạm gây ô nhiễm) mà biết giữ tài nguyên đất nước dành cho con cháu mai sau. Còn nếu làm ngược lại chỉ sớm dắt nhau đến chỗ diệt vong, kém văn minh, thậm chí man rợ.
Quan điểm thì đúng rồi, nhưng để cân, đong, đo, đếm, dùng đại lượng nào đó đánh giá một cách chính xác nhất có thể, về mức tiêu thụ năng lượng ở mỗi cộng đồng và khả năng cung cấp năng lượng trên từng khu vực thì phải cần đến các nghiên cứu thực nghiệm của hai vợ chồng nhà khoa học Brenda và Robert Vale (Anh, cuốn Time to Eat the Dog? – 2009) .
Chúng ta đều biết trung bình một người (nữ/nam trưởng thành) tiêu thụ lượng thức ăn chứa từ 2.000 – 3.000 kcal/ngày, nhưng ít người biết để tạo ra lượng thức ăn đó phải mất nhiều năng lượng khác. Ví dụ Tết này vui mồm có bữa bạn xơi 3 lạng thịt của con lợn nào đó, do người nào đó nuôi qua sáu tháng, được ai đó chở bằng xe tải về kho lạnh giữ hai ngày, đưa ra siêu thị để cô nhân viên bán cho bạn, vợ bạn nổi lửa luộc hay chiên dâng lên bạn… Tức là có ít nhất các loại năng lượng khác nhau từ nuôi con lợn 100kg, giết mổ nó, năng lượng đóng gói, vận chuyển, phân phối, cấp đông đến làm chín… cho bữa bạn chén 3 lạng thịt mông sấn.
Tổng các loại năng lượng trên gọi là “năng lượng ẩn chứa” thường nhiều gấp khoảng 3 – 5 lần số kcal sinh ra từ 3 lạng thịt. Như cách người ta đã tính được phải đốt 3 đơn vị năng lượng than đá cơ bản trong nhà máy nhiệt điện mới tạo ra được 1 đơn vị năng lượng điện cho bạn dùng.
Các loại hoạt động cần tiêu thụ năng lượng của con người đứng đầu là thức ăn; 6 nhóm tiếp theo gồm: giao thông, công trình kiến trúc, đồ đạc, làm việc, thể thao giải trí, thực hành tín ngưỡng. Những hoạt động đó vốn được đo bằng các đại lượng khác nhau (kcal, Joule, kWh…) qua các thí nghiệm, thao thác tính toán chúng có thể quy đổi cho nhau để xác định mức tiêu thụ tương ứng. Chẳng hạn bạn ăn 2.300kcal/ngày hay 9,63MJ là tương đương với năng lượng cần thiết để đun sôi khoảng 40 lít nước, hoặc chỉ số tiêu thụ năng lượng thức ăn trung bình của bạn là 4,2GJ/ người/năm, quy ra điện bằng khoảng 1.170kWh/năm, quy ra xăng bằng khoảng 120 lít…
Nhưng muốn có thức ăn bạn phải có đất nuôi trồng ra lương thực- thực phẩm. Hoặc lỡ đến 2030 hết sạch dầu mỏ (Cơ quan năng lượng thế giới dự báo) phải có đất trồng ngô làm nguyên liệu chế ethanol để bạn chạy xe hơi sau 2030? Và mảnh đất đã trồng ngô thì không thể đồng thời làm sân golf. Ý tôi là con người có thể sinh sôi khỏe đến vô hạn và có vô vàn nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nhưng năng lượng nào (thì hỡi ôi) cũng chỉ có thể lấy từ diện tích hữu hạn quý giá của đất. Đất là “hằng số”!
Người đầu tiên đề xuất phương pháp dùng đất tính năng lượng – gọi footprint “dấu chân sinh thái” là hai nhà khoa học Canada Wackernagel và Rees, thể hiện nó bằng global hectare (héc ta toàn cầu – gha). Nôm na họ chia diện tích đất đai và biển cả có hiệu quả sinh học (sinh được thức ăn) cho số người cần ăn (dân số thế giới trước 2009) thì mỗi người có quyền có 1,89 gha. Người Mỹ tiêu dùng nhiều nhất footprint lên tới 9,5gha, nếu nhân loại ai cũng “ăn mặn” như dân Mỹ thì phải cần đến 5 quả đất.
Tất nhiên độ mầu mỡ đất khác nhau sẽ cho năng suất sinh học/năng lượng khác nhau, tác động khác nhau đến sức sinh sản/ mật độ dân số tại mỗi khu vực. Nên các nhà khoa học đánh giá: “Giữ độ mầu của đất bền vững qua 40 thế kỷ bằng phương pháp canh tác truyền thống là một đóng góp xuất sắc của nền văn minh phương Đông. Nhưng nay sản xuất phân bón công nghiệp đã vứt bỏ nó, rồi sẽ tới lúc các nguồn cung Ni tơ, Phốt pho, Ka li… cạn kiệt, (e hèm) con người có thể phải quay lại “cái nhà xí ủ phân” của mình?”.
Theo bước chân… lợn
Cuộc bàn thảo về quy mô đô thị/ quy mô dân số, khoảng cách đô thị/nông thôn… xưa tới mức có người viết sách về nó đã dời dương thế (Lewis Mumford 1895- 1990), hay Học thuyết mới về đô thị (New urbanism) cũng ra đời cách ngày nay ngót nửa thế kỷ với nguyên tắc số một “việc làm tại chỗ ở – cách nhau 10 phút đi bộ” để tiết kiệm năng lượng.
Đến năm 1990 dùng công nghệ, Brenda – Robert Vale xây “nhà zero hóa đơn” và “thức ăn cũng tại chỗ ở” với loại nhà “nửa làng nửa phố” miễn có đủ đất bao quanh để tiếp cận 3 thành phần của quá trình sản suất thức ăn: đất, dưỡng chất và nước. Nguyên lý này được lượng hóa lập thành các bộ chỉ số, áp dụng để tính “sức mang của đất” trên quy mô lãnh thổ, vùng… đã tạo nên những cấu trúc đô thị mới, bền vững ở nhiều nước trên thế giới (trừ ta).
Ông Vọt đang ở loại nhà đó, vừa gọi tôi: “Tết này phần ông dăm cân thịt đụng với hàng xóm nha”. Còn bảo lợn nhà ông hơn đứt lợn siêu thị là thứ lợn “nuôi nhốt công nghiệp tiêm phòng cả chục loại thuốc, sạch nhưng đề kháng kém lắm, không thuốc chết liền. Lợn ý người khỏe ăn mãi cũng thành yếu”.
Tôi không biết có lý lẽ nào ăn con khỏe thì mình khỏe ra hoặc ngược lại, nhưng lan man nghĩ so với ngày không xưa lắm, người ta còn dong lợn ra chợ tỉnh mổ để thịt tươi nóng bốc khói mới bán được cho khách, thì bọn chân ngắn chẳng thể “cuốc bộ” đường dài chắc phải ở gần “pháp trường”. Vậy khoảng cách đô thị-nông thôn tính theo mức tiêu thụ năng lượng hợp lý, có thể đếm bằng bước chân lợn ư?
Ừ, chẳng có gì là không thể khi sang thời hậu công nghiệp, thời ta bị hết con virus này đến con virus khác hành hạ. Chúng buộc con người xác lập lại mọi khái niệm/ định nghĩa cho chặng đường đi tiếp.
Đô thị cũng thế, nếu “tổ hợp trí khôn ” của 5 ông /bà khoa học gia, ta sẽ có từ triết lý tiến hóa đến những công cụ đo lường mức độ văn minh theo năng lượng. Dùng nó đánh giá “mô hình nhà Vọt, làng Mòi” văn minh đến đâu, để lựa chọn quy mô sinh sôi mỗi thành phố bằng thực hành khoa học thật chứ không phải nhoách cái lại đem bán hàng trăm ha đất quê giá rẻ cho mấy ông bà lập “dự án đô thị” xây nhà phố bán giá cao.
Chơi thế không văn minh đâu!
- Xem thêm: Cách hành xử văn minh