Trần Tiến không bao giờ muốn nhắc đến bệnh tật của mình. Không phải là ông giấu, nhưng suy nghĩ của ông về bệnh tật của cá nhân thật đáng để suy nghĩ: “Bệnh tật của mình là chuyện riêng của mình. Mình không nên phơi bày và cũng không ai có quyền bảo mình phải phơi bày những riêng tư ấy”.
Sự lạc quan của con – người – âm – nhạc cùng với tình yêu thương của gia đình, bè bạn đã giúp Trần Tiến đối diện và đứng vững trong cuộc chiến kéo dài ba tháng trời với tử thần. Học vi tính cùng với những học trò mồ côi của mình từ thập niên 90 thế kỷ trước nên đầu giường ông luôn có chiếc laptop. Trong khoảnh khắc sinh tử cận kề, ông đã vớ lấy chiếc máy tính, và ráng sức tự thu âm ca khúc Không gục ngã mà ông vừa viết xong. Bài hát đã giúp ông vượt qua cái chết.
Không phải tự nhiên mà ca khúc Không gục ngã được các bác sĩ nói nửa đùa nửa thật, rằng đó là “Bệnh nhân ca” trong các bệnh viện, bởi giai điệu lạc quan trong chất rock ngập tràn: “Đứng dậy! Hãy vượt lên chính mình. Vó ngựa còn phi. Đứng dậy! Hãy vượt lên số phận. Trái tim còn yêu…”.
Cuộc đời thử thách bạn, có nhiều khi muốn bạn gục ngã. Đứng trước nó, bạn chỉ còn một lựa chọn. Hoặc buông xuôi, hoặc đứng dậy. Con người là một sinh vật rất yếu đuối, thế nên tạo hóa mới cho thêm tư duy và khôn ngoan, để biết lựa chọn cách sống cho chính mình.
Khi những cơn đau khủng khiếp kéo dài quá lâu, cùng với cô đơn và nỗi tuyệt vọng, thường người ta gục ngã và chấp nhận để tử thần mang đi.
Nhưng vào cái đêm hôm đó, giây phút gần chạm vào cái chết dường như cũng là giây phút Trần Tiến quyết liệt mình phải trở lại với sự sống: “Đứng dậy! Đứng dậy thôi. Bao nhiêu năm qua, ta không gục ngã. Đứng dậy, hãy vượt qua. Bao nhiêu năm ta không sống đớn hèn…”.
Những ngày ở bệnh viện, chứng kiến sự quá tải, bệnh nhân quá nhiều, họ phải ngủ dưới đất lạnh, tựa lưng vào tường, chịu những cơn đau xé ruột gan; nhiều người nghèo, không đủ tiền mua thuốc, không người thân, đến được bệnh viện nhờ hàng xóm; Trần Tiến đã nhìn họ và tự hát thầm: “Bay lên, bay lên. Đau đớn riêng ta không hơn ai. Giữa chốn nhân gian đầy khốn cùng…”.
Nhớ đâu đó trong những thông tin về Trần Tiến cho biết ông có một cái “mẹo” sống là bay lên trên, ngắm xác thân mình. Khi đau sẽ quên đau, kệ nó, cái xác mình đau thôi mà, mình đây không hèn, không bao giờ rên la cho người khác thương cảm. Cái xác chỉ là một hình hài từ cát bụi, hay từ một giọt mưa ra mà thôi. “Ta sinh ra như cơn mưa, rồi tan trong hư vô. Đời ai cũng tan như giọt mưa…”.
Những ngày nằm viện, Trần Tiến quen một người bạn, thường được chích thuốc trước ông. Người bạn này cũng là lính. Ông ngồi xe lăn do một chị hàng xóm đẩy đi. Một ngày, Trần Tiến không thấy ông nữa, và chị hàng xóm bảo ông đã mất. Chị nói: “Tội nghiệp anh ấy không còn người thân, tôi chỉ là hàng xóm nhưng đành ký biên bản giùm để đưa vào nhà xác”.
Câu chuyện về chị hàng xóm của một bệnh nhân thiếu may mắn đã đưa chúng tôi đến tâm sự sâu kín của người nhạc sĩ tài ba và mạnh mẽ: “Người lính ấy ngày xưa vượt thắng cái chết vì bên anh còn bạn bè, đồng đội, gia đình và Tổ quốc để yêu. Ngày trở về, bạn bè người mất ngoài chiến trường, người mất vì tuổi già, bố mẹ người thân đâu còn, lương hưu người lính không đủ mua một hộp thuốc. Chính tuổi già, cô đơn, bệnh tật và nghèo đói đã đánh gục anh ấy. Anh không có lựa chọn nào khác khi không còn lý do để sống. Không còn tình yêu, người ta sống để làm gì, dẫu chỉ để được ôm một con thú hoang”. Câu cuối của bài hát Trần Tiến viết như để răn mình: “Người ta sống cho một tình yêu. Đứng dậy! Hãy vượt lên chính mình. Vó ngựa còn phi. Đứng dậy! Hãy vượt qua số phận. Trái tim còn yêu”.
Chính nhờ tinh thần không gục ngã và một trái tim còn yêu, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu âm nhạc Màu cỏ úa đã tự phối, tự thu version thứ nhất của ca khúc bằng chiếc laptop trên giường bệnh. Rồi một tuần sau, ông tiếp tục viết thêm lời hai của Không gục ngã. Để từ đó, cảm xúc trước âm nhạc của ông, nhạc sĩ Thanh Phương đã có một phần phối hard rock mạnh mẽ dành cho rocker Phạm Anh Khoa.
Trong dịp đầu năm nay, Người Đô Thị đến Vũng Tàu – quê hương mới của nhạc sĩ Trần Tiến để thăm ông với tư cách những người bạn, người em, người yêu mến âm nhạc và đã được ông tin cậy cho phép công bố lần đầu tiên trên báo chí hai phiên bản ghi âm đặc biệt này, như một cách để lan tỏa rộng hơn những thông điệp sống đầy dũng lực: “Đứng dậy! Hãy vượt lên chính mình. Vó ngựa còn phi. Đứng dậy! Hãy vượt lên số phận. Trái tim còn yêu…”.
Phiên bản thứ nhất của Không gục ngã do nhạc sĩ Trần Tiến tự thu âm bằng laptop trong khoảnh khắc sinh tử cận kề
Phiên bản thứ hai của Không gục ngã, nhạc sĩ Trần Tiến hát cùng rocker Phạm Anh Khoa, được phối hard rock mạnh mẽ bởi nhạc sĩ Thanh Phương
Không gục ngã
Trần Tiến
Đứng dậy! Đứng dậy thôi
Bao nhiêu năm qua ta không gục ngã
Đứng dậy! Hãy vượt qua
Bao nhiêu năm ta không sống đớn hèn
Bao nhiêu năm qua, giữa chốn bom rơi ta xông pha, cái chết bên ta tựa lông hồng
Bao nhiêu năm gian nan, cô đơn, buồn chán vây quanh ta, cùng bao đắng cay không hề lui
Sao hôm nay cơn đau thân xác đưa ta đi nơi đâu
Cái chết như chơi một ván cờ
Ta sinh ra như cơn mưa bay, rồi tan trong hư vô
Đời ai cũng tan như giọt mưa
Đứng dậy! Hãy vượt lên chính mình
Vó ngựa còn phi
Đứng dậy! Hãy vượt lên số phận
Trái tim còn yêu
Đứng dậy!
Bão rồi tan, mây lại bay trên cao đầy nắng
Đứng dậy! Thắp niềm tin
Bay lên, bay lên trên xác thân mình
Bao nhiêu năm qua, giữa chốn bom rơi ta xông pha, cái chết bên ta tựa lông hồng
Bao nhiêu năm gian nan, cô đơn, buồn chán vây quanh ta, cùng bao đắng cay không hề lui
Bay lên, bay lên. Đau đớn riêng ta không hơn ai
Giữa chốn nhân gian đầy khốn cùng
Đi ta đi thôi, bao nhiêu người thân đang trông mong
Người ta sống cho một tình yêu
Đứng dậy! Hãy vượt lên chính mình
Vó ngựa còn phi
Đứng dậy! Hãy vượt lên số phận
Trái tim còn yêu…
– Ảnh: Trung Dũng