Ít ai biết được một góc nhỏ khiêm nhường trên đường Nguyễn Trọng Tuyển quận Phú Nhuận TP.HCM lại có một “thánh đường” hội họa. Ở đó lưu giữ những tác phẩm vô giá của những danh họa hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… và những họa sĩ trẻ đương đại, cùng các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Nguyễn Hải, Lê Công Thành… Chủ nhân của nó không ai khác là Trần Hậu Tuấn. Sau cánh cửa gỗ nâu trầm mặc, cùng với những chiêm nghiệm và thời gian, anh đã khiến cho những bức tranh gần lại, như đang sống, đang thở…
Thường con đường của nhà sưu tập tranh là đi tìm những tác phẩm giá trị, nhưng với Trần Hậu Tuấn thì ngược lại, đó là kết quả của những mối thâm tình, của niềm tin và sự chia sẻ. Hiếm thấy một nhà sưu tập nào yêu người nghệ sĩ như anh, yêu từng nỗi khốn khó, buồn vui, nâng niu từng mảnh giấy, nét bút đầy ưu tư, nhớ nhung gìn giữ từng kỷ niệm… Như thể đối với anh, bí ẩn đằng sau mỗi bức tranh mới là phần chìm của tảng băng, của những nỗi niềm đã khiến cho cái đẹp thoát thai, của một số phận. Phải chăng vì thế mà “hết ngày dài, lại đêm thâu” anh vẫn cặm cụi nghĩ suy, viết lách về những bức tranh đang gìn giữ. Ngoài đời, nhìn anh có vẻ hơi lạnh lùng, xa vắng, hàm râu quai nón ấn tượng và đôi mắt đen sâu thẳm quạnh quẽ. Nhưng thật lạ, mỗi dòng anh viết lại thật tình cảm, ấm áp và giản dị, đi thẳng vào bản chất của nghệ thuật, gọi tên nó một cách tinh tế.
____
Ngoài việc sưu tập tranh, anh còn biên soạn và viết rất nhiều sách nghệ thuật có giá trị. Anh tâm đắc nhất với cuốn sách nào? Tại sao?
Với tôi, Viết dưới ánh đèn dầu là cuốn sách tâm đắc nhất. Qua sự giúp đỡ của họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái), Nhà xuất bản Mỹ thuật, chúng tôi đã hoàn thành cuốn sách nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái (1/9/1920 – 1/9/2000). Sự thành công của cuốn sách bởi nội dung là những trang nhật ký của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Những gì họa sĩ viết ra không nhằm dạy ai về nghệ thuật, song đều toát lên những trăn trở về nghệ thuật và tự nhắc mình tu dưỡng nên người, nhất là làm người nghệ sĩ trong cuộc sống hàng ngày (Cuốn sách được tái bản lần 2 vào tháng 6 năm 2003 mang tên “Tâm tư nghệ thuật”).
____
Dường như khởi đầu đến với nghệ thuật anh chịu ảnh hưởng khá lớn bởi họa sĩ Bùi Xuân Phái từ cách nghĩ, cách sống và cách tiếp cận?
Sau khi họa sĩ qua đời (24/6/1988), nhiều người cho rằng họ là người thân và chịu ảnh hưởng lớn từ ông. Điều này cho thấy họa sĩ được nhiều người yêu quý và coi như một tấm gương sáng về nhân cách nghệ sĩ để học tập. Tôi cũng là một người trong số họ.
Tôi thấy các nhà sưu tập Việt Nam còn thiếu phẩm chất của một doanh nhân, nghĩa là chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về thị trường.
____
Thị trường chuyển nhượng tranh Việt Nam đã hình thành một cách chuyên nghiệp chưa, theo anh? Nếu chưa thì phải bắt đầu từ đâu?
Hiện doanh nhân “thế hệ thứ nhất” (được công nhận từ thời kỳ mở cửa) mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất, rất ít doanh nhân đầu tư thực sự vào lĩnh vực văn hóa. Nếu có thì mới chỉ dừng ở mức tài trợ. Lý do theo tôi vì họ quá bận rộn để đuổi kịp các tiến trình phát triển chuyên môn, ít thời gian quan tâm đến nghệ thuật. Do đó chưa thể thấy hết được cái lợi của văn hóa nghệ thuật. Hội họa muốn có được thị trường nội địa trước hết phải nhờ doanh nhân và các nhà sưu tập. Thị trường hội họa vừa là “đầu tư an toàn”, vừa là “đầu tư may rủi cao”. Các sưu tập cá nhân là nơi lựa chọn tốt nhất cho thị trường nghệ thuật. Khi các doanh nhân đã trở thành những nhà sưu tập, thì chính thời điểm này “thị trường nghệ thuật” mới bắt đầu có thật. Những tác phẩm nghệ thuật khi trở thành sở hữu cá nhân sẽ được khẳng định về giá trị kinh tế và thúc đẩy ngược lại cho văn hóa phát triển. Ngoài sự hưởng thụ cá nhân, việc sưu tập thực ra cũng nhằm phục vụ cho công chúng. Các nhà sưu tập và doanh nhân sẽ là nhân tố quan trọng hình thành nên thị trường nghệ thuật. Đây là tác nhân tích cực mang lại giá trị kinh tế cho văn hóa, khích lệ phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
____
Anh có suy nghĩ gì về các nhà doanh nghiệp Việt Nam?
Trong xã hội hiện đại, kinh tế và văn hóa luôn phát triển song hành. Doanh nhân, các nhà khoa học và người nghệ sĩ đều rất gần nhau ở sự lãng mạn tri thức, với những giấc mơ về tương lai luôn đi trước mọi người. Ở họ luôn có tính tiên nhiệm, từ đó người ta có thể phán đoán, nắm bắt xu hướng và nhu cầu của xã hội.
Qua báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, tôi hiểu thêm về các doanh nhân. Họ đã làm được nhiều điều lớn lao cho xã hội và có rất nhiều phẩm chất của nghệ sĩ. Khi văn hóa được quan tâm nhiều hơn, khoảng cách giữa các nghệ sĩ và doanh nhân sẽ không còn nữa. Biết bao điều lớn lao mà cả hai có thể cùng làm cho sự phát triển toàn xã hội. Yêu thích, quý mến thôi chưa đủ, nghệ thuật cần được chia sẻ, tin tưởng và đầu tư dài lâu, mới có thể tạo nên thị trường. Trong cuộc chạy “việt dã” này, doanh nhân và người nghệ sĩ đều cần có sức bền. Một “chiến thắng thực sự” là giải nhất thuộc về cả hai.
____
Vậy theo anh, những nhà sưu tập tranh hiện nay chưa thể gọi là doanh nhân văn hóa?
Thế hệ chúng tôi, những người chơi tranh đang hướng đến sự chuyên nghiệp, danh hiệu “nhà sưu tập” vẫn còn ở phía trước và còn phải lao động nhiều mới đạt được.
____
Hiện nay tại Singapore và một số nước trong khu vực có những cuộc bán đấu giá thường niên các bộ sưu tập tranh của hội họa Việt Nam và thế giới, vậy ai bán, ai mua trong những cuộc đấu giá ấy?
Rất ít người Việt Nam dám bỏ tiền mua tranh Việt Nam từ nước ngoài mang về, mà người mua đa số là các nhà sưu tập tranh đang ở nước ngoài. Là người trực tiếp dự và xem các catalogue giới thiệu thường kỳ, tôi nhận thấy những bức tranh giá trị của hội họa Việt Nam ở các bộ sưu tập tư nhân trong nước chưa bao giờ xuất hiện tại đây. Về mặt chuyên nghiệp, có điều gì đó không “thuận”, vì theo tôi những bức tranh được đấu giá phải là những bức đẹp nhất, đắt nhất. Người mua có thể chưa mua được (vì đắt), nhưng những tác phẩm có giá trị đã được giới thiệu. Cúp C1 phải là cúp của những đội bóng đoạt cúp vô địch quốc gia. Tôi thấy các nhà sưu tập Việt Nam còn thiếu phẩm chất của một doanh nhân, nghĩa là chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về thị trường.
Ước gì trong những cuộc tổ chức quyên góp từ thiện sắp tới, thay cho những “sim điện thoại” hay “gốc cây trầm hương” là một bức tranh có giá trị.
____
Tác phẩm của các danh họa Việt Nam đậm xúc cảm và tâm hồn dân tộc, nhưng điều đó hầu như thiếu vắng trong các tác phẩm của ngày hôm nay. Phải chăng các họa sĩ trẻ hiện đang nặng về hội họa “thời trang”?
Câu hỏi của bạn chính là câu trả lời rồi.
____
Điều kiện môi trường khí hậu ở đây có bảo đảm cho đời sống của một bức tranh được an toàn?
Chẳng có phương pháp bảo quản tranh an toàn nào bằng sự yêu thương và “gặp gỡ” chúng hàng ngày.
____
Trong các hoạt động xã hội, từ thiện của doanh nhân gần đây, điều gì làm anh suy nghĩ?
Tôi xúc động khi thấy hiện nay các doanh nhân làm từ thiện rất nhiều. Thực tế thì các nhà sưu tập Việt Nam hình như chưa bao giờ làm điều này (cười). Tôi ước gì trong những cuộc tổ chức quyên góp từ thiện sắp tới, thay cho những “sim điện thoại” hay “gốc cây trầm hương” là một bức tranh có giá trị. Đây là cơ hội để giá trị nghệ thuật được tôn vinh, cũng là cơ hội cho nghệ sĩ đóng góp trách nhiệm của mình với xã hội.
____
Chuyện buôn bán tranh của anh lúc này ra sao? Có bao giờ anh rơi vào tình trạng ngồi trước một “giếng nước” đầy mà khát đến cháy cổ?
Với tôi, lúc này là lúc khó khăn nhất. Khó khăn không phải chỉ vì thị trường đang chựng lại, không có người mua, mà bằng kinh nghiệm, tôi nhận ra rằng ở thời điểm này, những người dám mua sẽ có được những bức tranh giá trị từ những người cần bán. Tôi đang ngồi trên miệng giếng mà khát cháy cổ đấy (cười), cứ múc được thùng nào lại đổ xuống giếng hết, để nhìn cho sướng mà chẳng dám uống. Phải mua bằng sự quyết đoán, say mê, chứ không thể là bài toán trong kinh doanh. Nhưng tôi cứ tin và nghĩ rằng đầu tư nghệ thuật là lỗ giả, lãi thật. Thặng dư trong nghệ thuật là nhìn nhiều lần trên nó. Bạn bè đôi lúc “sốt ruột” cho tôi, nhưng đâu biết rằng chỉ cần ngồi nhận hơi mát từ giếng lên đã hết khát.
____
Người tài hoa, có khiếu hài hước như anh hẳn rất nhiều người… mê? Anh thường nói gì để người khác hết buồn?
Khi gặp một người buồn, tôi thường không nói gì, chỉ lắng nghe những gì họ cần nói và họ sẽ mỉm cười khi mọi phiền muộn đã được nói ra. Thầy tôi dạy: “Biết lắng nghe người khác, cố gắng tha thứ, biết làm cho mình bé đi tức là mình đã lớn lên nhiều…”.
____
Bao giờ thì những bảo tàng tranh tư nhân như Đức Minh, như Trần Hậu Tuấn mới mở cửa đón khách để mọi người có thể chiêm ngưỡng?
Quá trình sưu tập cần rất nhiều thời gian rút kinh nghiệm, bổ sung để trưng bày, giới thiệu được một bộ sưu tập có tính hệ thống phục vụ công chúng. Tôi vẫn làm công việc đó từng ngày và rất cần sự giúp đỡ, đóng góp của bạn bè. Cuộc sống thực tiễn còn quá nhiều vất vả, lo toan… ước gì “giếng nước” của mình làm giảm được phần nào cơn khát những người ghé qua.
____
Anh nghĩ gì khi có khá nhiều doanh nhân thành đạt hiện nay bắt đầu học cầm cọ khi đã luống tuổi?
Học là cách làm chúng ta được trẻ lại, được sống lại những năm tháng tuổi thơ một cách tự nhiên. Bracusy, nhà điêu khắc vĩ đại chẳng đã từng nói: “Khi chúng ta không còn là trẻ con, nghĩa là chúng ta đã chết rồi”. Những doanh nhân thành đạt đều đang làm thầy, khi lại được làm học trò, được tiếp thu những điều mới mẻ thì đó là hạnh phúc.
Thẩm mỹ về hội họa là một cảm xúc tự nguyện, hàng ngày, không cần tính hệ thống, nhưng để trở thành một nhu cầu thì trước hết phải tiếp cận, để được say mê.
Chìm đắm trong thế giới tĩnh lặng này, có bao giờ anh thấy mình tách khỏi nhịp sống hàng ngày đầy bụi bặm? Vị thiền sư trong tranh anh vẽ dường như ẩn giấu một tâm hồn thơ trẻ, một “văn hóa làng” rất bí ẩn, nên thơ?
Với tôi, mỗi bức tranh là một kỷ niệm, khi ngắm nhìn nó thì tôi lại nhớ đến bạn bè, nhớ đến những lần gặp gỡ. Tôi trò chuyện với vài bức tranh, đã thấy hết một ngày.
Tôi cũng mới tập vẽ vì thấy có nhu cầu. Do là nghiệp dư nên tôi không có khả năng diễn đạt chính xác cái mà mình nhìn thấy. Đôi khi cũng là cái may trong nghệ thuật. Tôi nghĩ thành phố mình cũng như một thị trấn nhỏ, văn hóa làng là cái mà chúng ta “cảm” thấy, cái đã qua, cái còn lại trong mình của ông bà, bố mẹ từ ngàn xưa. Mình chính là cái mầm xanh trên cây của cha mẹ. Hiện tại luôn nằm trong lòng quá khứ, cái “ở lại” cũng là tự nhiên thôi. Một quá khứ đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đầy yêu thương, nhân ái, cần biết giữ nó lại cho mình như một sự biết ơn và tự hào.
Tôi đang ngồi trên miệng giếng mà khát cháy cổ đấy, cứ múc được thùng nào lại đổ xuống giếng hết, để nhìn cho sướng mà chẳng dám uống.
____
Nổi tiếng trong giới sưu tập, anh còn nổi tiếng là người… trốn báo chí, anh ngại ngùng gì khi tiếp cận với báo chí?
Có gì đâu mà ngại, quan trọng là những điều bạn hỏi và cái mà tôi trả lời có phải là điều bạn đọc cần hay không. Nếu cả hai bên đều ý thức được điều đó, nếu đóng góp được thì có gì phải sợ. Cũng như tôi đã từng đọc báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần và đã “sướng” âm ỷ với bài phỏng vấn nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, câu trả lời của anh Giám đốc võng xếp Duy Lợi… và tôi rất nhớ chi tiết ông Nguyễn Thành Chơn (giám đốc Khách sạn Sài Gòn) hôm nay vẫn đi chiếc honda của mẹ để lại. Không biết họ thành công thế nào, chỉ đọc được những tâm sự chân thành từ chính họ, khiến tôi yêu mến và kính trọng họ. Tôi không có nhiều bạn, chính họ đã là những người “bạn tri kỷ” mà tôi chưa một lần gặp gỡ. Qua báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, tôi muốn gửi đến họ lời cảm ơn vì những gì họ đã dành cho cuộc đời, bằng sự dũng cảm, hy sinh, luôn vượt lên phía trước, dám sống vì mọi người. Đó là lời cảm ơn rất thực lòng.
____
Say mê truyền bá môn võ cổ truyền Vĩnh Xuân cả trong và ngoài nước, có một sự trái ngược nào đó giữa võ, viết và vẽ, giữa một người mạnh mẽ, khôn ngoan, nhưng lại rất đa cảm trong từng trang viết?
Võ học ra đời trước cả chữ viết, ngôn ngữ, y học, âm nhạc… Sự rèn luyện võ thuật giúp con người hiểu biết về cơ thể mình, về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Ở thế kỷ XXI, trước các vũ khí hiện đại, tiên tiến, việc sử dụng võ thuật trong chiến đấu không còn giá trị, nhưng võ thuật vẫn mãi đem lại sức khỏe về thể chất và minh mẫn về trí tuệ, giúp con người đủ khả năng điều khiển, làm chủ các phương tiện hiện đại. Võ là sức khỏe, là sự hiểu biết về con người và văn hóa. Bạn có thể rất giỏi về công nghệ, nhưng lại không biết tí gì về cơ thể của mình thì thật là buồn cười. Sự tập luyện hàng ngày sẽ giúp cho mình thăng bằng nội tại. Sức khỏe hưng phấn thì cảm xúc mới mạnh mẽ, kể cả “cho” và “nhận”. Việc rèn luyện võ thuật dài lâu giúp tôi học được nhiều điều trong nghệ thuật.
____
Đối với anh, viết có phải là một hạnh phúc?
Viết đối với tôi là kết thúc một sự suy nghĩ. Phải đặt “con chữ” lên tờ giấy và lấy nó ra khỏi đầu, để có chỗ cho cái mới tràn vào, tiếp nối như một sự luân hồi. Viết là một cách học rất sâu, đặc biệt giúp ta tìm hiểu kỹ trong mọi lĩnh vực. Viết cũng là một thói quen, nhưng tôi thích đọc hơn. Tôi đọc nhiều và thay đổi đề tài tùy từng giai đoạn. Khi đọc cái gì thấy hay, thấy “sướng” tôi thường mua tặng bạn bè, không biết họ có đọc không nhưng tôi thấy yên tâm. Gần đây tôi hay đọc văn học hiện đại Trung Quốc, bởi những khốn khó của họ rất gần với chúng ta, nhưng họ đã vượt qua để đạt được những thành tựu lớn về văn hóa, xã hội. Tôi muốn tìm thấy từ đó những lối ra cho công việc của mình.
____
Anh có định để lại sự nghiệp của mình cho con gái?
Điều này cũng khó… Bố mẹ tôi là bác sĩ, không hề chuẩn bị cho tôi thành nhà sưu tập. Tôi biết ơn bố mẹ đã cho tôi tấm gương về lòng nhân ái với cuộc sống. Sự nghiệp sưu tập của tôi chỉ cần ai đó có một tấm lòng, sự say mê, sẽ có thể tiếp nối công việc, đâu nhất thiết phải là con mình. Nhưng nếu là con mình thì hạnh phúc nhất. Tôi đang viết dở cuốn sách về bộ sưu tập của mình như một bức thư dài gửi con, kể lại những câu chuyện trong quá trình sưu tập của mình và những mong ước. Tôi nghĩ, điều mà những doanh nhân và nghệ sĩ đích thực để lại cho đời không chỉ là nhà máy, tiền bạc, của cải, hay những tác phẩm giá trị mà chính là những đứa con có ích cho xã hội.
____
Đối với anh, điều gì là quý giá nhất?
Niềm tin. Có ai đó đã nói “chỉ có tình yêu là có thật”, nhưng với tôi: “Chỉ có niềm tin là thật”.