Nằm trong một ngõ nhỏ xa lắc trên đường Nguyễn Tam Trinh, khu Mai Động, Hà Nội, Trung tâm văn hóa doanh nhân xem ra bề thế hơn tôi tưởng. Một tòa nhà khang trang vừa là nơi gặp gỡ của doanh nhân, vừa là công ty kinh doanh… Nhà văn Lê Lựu tiếp chúng tôi tại bàn làm việc và cũng là nơi ở của mình. Nói là “nơi ở” cho sang vậy chứ thực ra chỉ là một chiếc chiếu, một cái mùng ngay sau cánh tủ của kệ sách. Ông ăn mặc giản dị, có phần xuề xòa, lối trò chuyện thân tình thẳng thắn và rất có duyên.
Nói đến Lê Lựu là nói đến làng, những ngôi làng nhỏ không yên bình. Những tác phẩm của ông đều mang đậm phong vị miền quê Bắc bộ. Khi bộ phim Thời xa vắng đang được trình chiếu trên màn ảnh TP.HCM, thì cũng là lúc nhà văn đang lao tâm khổ tứ với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân mà ông sáng lập, chịu biết bao điều tiếng, kể cả sự chế nhạo, dè bỉu. Qua mấy năm ròng “nuốt nước mắt vào trong”, từ tay trắng, ông đã cùng doanh nhân làm được một điều gì đó. Ông đang rốt ráo chuẩn bị cho Hội thảo về Văn hóa doanh nhân và xoay trở đủ cách để nuôi sống anh em, nuôi sống tạp chí Văn hóa doanh nhân…
____
Lý do nào thôi thúc ông quyết tâm đến thế để thành lập Trung tâm văn hóa doanh nhân, trong điều kiện không kinh phí, không đội ngũ, không trụ sở?
Đặt vấn đề văn hóa doanh nhân đối với ta là một chuyện hết sức mới mẻ, bởi đội ngũ doanh nhân nhìn suốt cả một quá trình lịch sử còn rất mỏng, bị đứt quãng và chưa tạo được dấu ấn. Thời Pháp thuộc đã hình thành được một số thương gia và nhà sản xuất công nghiệp tuy có ý thức cạnh tranh và bảo tồn độc lập của mình trên hàng hóa như Bạch Thái Bưởi, Sơn Hà… nhưng bị chèn ép nhiều nên còn rất non yếu.
Suốt một thời gian dài chiến tranh, buộc phải bịt kín biên giới, bịt kín các vùng với nhau để giữ bí mật, nên thương mại và sản xuất dân dụng không thể nào tồn tại. Thương gia không có thời gian và điều kiện để buôn bán với nước ngoài và mất dần vai trò của mình. Khi hòa bình lập lại, thói quen không cần người công thương, thói quen bí mật, bịt kín, không được phép buôn bán ấy vẫn cứ tồn tại. Suốt một thời gian dài người ta ngăn sông cấm chợ, đẩy nền kinh tế đến chỗ kiệt quệ.
Do nhu cầu của đời sống, mười lăm năm gần đây trong xã hội mới xuất hiện doanh nhân, nhưng những doanh nhân đích thực có đầu óc kinh doanh bề thế thì ít, mà giới buôn bán thì nhiều. Họ buôn đủ thứ, không ít trong số này “bốc” lên từ buôn đất, có người chụp giật, lừa đảo, trốn lậu thuế… gây ấn tượng xấu về thương nhân.
Từ đó tôi đã suy nghĩ nhiều, một đội ngũ đông đảo bảy, tám vạn doanh nghiệp như thế, mỗi doanh nghiệp có chừng mười lăm người từ giám đốc, kỹ sư và hàng trăm, hàng ngàn công nhân, nếu cứ kinh doanh theo kiểu không có văn hóa thì không thể đủ tư cách, trình độ, bản lĩnh để tham gia hội nhập.
____
Làm thế nào để một nhà văn như ông có thể chịu đựng được “búa rìu dư luận”, nhất là sự dè bỉu, nghi ngờ?
Khi ra đời Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, báo chí viết bài ủng hộ, nhưng hầu hết ban thường trực Phòng Thương mại đều phản đối, người ta bảo: “Cần hội nhập, chứ không cần văn hóa. Văn hóa đã có chỗ khác làm, không cần đến lượt mình”.
Có người còn bảo tôi là thằng ngông cuồng, cứ tưởng tượng ra những việc làm điên rồ, “giàu trí tưởng bở”, tôi bị coi như một thứ đùa cợt và gây cản trở, nên khi thành lập trung tâm, chúng tôi không được trang bị bất cứ thứ gì. Nhưng qua hơn hai năm, bây giờ Trung tâm đã hình thành và đã được các cấp lãnh đạo đánh giá là một sự kiện độc đáo, sáng tạo. Thực ra tôi cũng tự thấy là mình chưa làm được gì nhiều, nhưng tôi rất cảm ơn những lời khen, bởi nhờ đó mình tự tin hơn để tiếp tục làm…
Tôi đã tận mắt chứng kiến biết bao nhiêu trường hợp oan trái của doanh nghiệp, nếu không có ai đứng ra bảo vệ họ thì chừng nào chúng ta mới có được một đội ngũ doanh nhân hùng mạnh?
____
Công việc mới này chắc thú vị lắm đối với ông?
Không thú vị cũng phải làm, bởi nó tựa như mang cái nghiệp vào thân. Tôi coi văn hóa doanh nhân như một tác phẩm của mình, phải chiến đấu cho nó, chứ không phải chuyện đùa, bởi đây là cả một phong trào, một xu thế. Khi người ta giàu rồi mới thấy rất cần sang, rất cần văn hóa. Mình phải làm thế nào để xứng đáng với sự mong mỏi ấy của doanh nhân.
Hiện chúng tôi có hàng ngàn hội viên thuộc bốn thành phần: các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và nhà báo, doanh nhân, trong đó doanh nhân là ba trăm người. Doanh nhân rất hăng hái tham gia, dù mỗi người phải đóng hội phí một triệu đồng/năm, bởi ngoài những sinh hoạt văn hóa, họ được bảo vệ quyền lợi của mình mỗi khi gặp hoạn nạn, được trân trọng.
____
Ông có thể kể một vài trường hợp doanh nghiệp đã được Trung tâm bảo vệ quyền lợi của mình trong thời gian qua?
Chúng tôi có Ban quản lý quyền lợi hội viên với ba trung tâm gồm: Trung tâm báo chí, Trung tâm Luật, Trung tâm Khoa học. Trường hợp của Công ty tàu biển Hải Phòng chẳng hạn, lỗi của người khác nhưng vì là công ty tư nhân nên bị chèn ép, vu oan. Trung tâm đã đứng ra bảo vệ và giúp họ thắng kiện. Hay Công ty phun thuốc sâu ở Điện Bàn – Quảng Nam đã bị báo chí “kết tội” là làm thuốc sâu giả khiến quất Nhật Tân chết hàng loạt, khi chúng tôi nhờ xác định lại bằng khoa học, mới phát hiện ra họ bị oan, chỉ do người phun thuốc sâu pha không đúng nồng độ.
Chúng tôi đã can thiệp và nhờ báo chí làm rõ, minh oan cho doanh nghiệp này, cứu họ thoát khỏi tình trạng “sập tiệm”. Tôi đã tận mắt chứng kiến biết bao nhiêu trường hợp oan trái của doanh nghiệp vì chưa có luật mạnh, rõ ràng đã bị “chìm xuồng” một cách bất lực, nếu không có ai đứng ra bảo vệ họ thì chừng nào chúng ta mới có được một đội ngũ doanh nhân hùng mạnh?
____
Để gầy dựng lại văn hóa doanh nhân, theo ông cần nhất phải làm gì? Hiện giới doanh nhân cũng đang “bão hòa” với các danh hiệu, các giải thưởng, làm thế nào để xác định được tiêu chí trao giải “Doanh nhân văn hóa”?
Không phải là gầy dựng lại, mà xây dựng mới hoàn toàn. Những nhà tư sản Hà Nội, Sài Gòn cũ bản thân họ đã lịch lãm, thì tác phong làm ăn buôn bán tự thân đã văn hóa rồi. Nhưng tác phong ấy chỉ manh nha trong một số người, còn văn hóa chung cho giới doanh nhân thì chưa. Muốn xây dựng trước hết phải xác định tiêu chí, chuẩn mực của một doanh nhân, bằng những sáng tác văn học nghệ thuật, phim ảnh, báo chí… tôn vinh doanh nhân, khẳng định vai trò doanh nhân trong xã hội.
Tối 13-7 vừa qua, tại Cung hữu nghị Việt-Xô, chúng tôi đã kết hợp với Tổng Công đoàn trao 30 biểu tượng vàng cho các doanh nhân đạt tiêu chuẩn văn hóa với 6 tiêu chí mà mình tạm đặt ra: (1) Công nhân viên có đời sống cao, (2) Làm ra được nhiều của cải cho xã hội, (3) Đóng thuế cho Nhà nước cao và không trốn lậu thuế, (4) Không có những hành động vô văn hóa với công nhân, (5) Nhãn hiệu và thương hiệu được công nhận là đơn vị mạnh, (6) Không vi phạm luật pháp. Chúng tôi trao cúp vàng cho những con người chất lượng, mà những giá trị thuộc về văn hóa, con người thì khá trừu tượng, cứ mạnh dạn làm, từ đó sẽ gầy dựng thành phong trào.
Chúng tôi đang phối hợp cùng Hội Lịch sử và Viện Văn hóa của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Goeth của Đức và một số viện văn hóa của Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… cùng các doanh nghiệp lớn, các nhà khoa học trong và ngoài nước… tổ chức hội thảo Văn hóa doanh nhân vào khoảng tháng 9-2005, tập hợp nhiều tham luận để xác định tiêu chí của doanh nhân mình, đúc kết thành lý luận.
Cạnh tranh khó nhất là đem trí tuệ cạnh tranh với thời gian.
____
Theo ông, sự cống hiến và thành đạt của một doanh nhân được đánh giá cao nhất là gì?
Là sự cống hiến của họ cho văn hóa, là đạo làm giàu, đạo làm người. Khi những điều đó không có, họ chỉ là những tên tỉ phú độc ác, gian manh, ti tiện, khó mà tồn tại. Cạnh tranh khó nhất là đem trí tuệ cạnh tranh với thời gian.
____
Vì sao ở chặng cuối của cuộc đời, khi mà quỹ thời gian và sức lực còn rất hạn hẹp và vô cùng quý giá, ông lại nhảy sang “chơi” với doanh nhân?
Trời cho mỗi người một chút tài, nhưng nếu thiếu lòng can đảm thì cái tài ấy cũng vô ích. Là nhà văn mà có những điều mình nung nấu lại không viết ra được, còn viết đúng ý mình thì nhiều khi lại bị phê phán. Nhiều tác phẩm nhà văn phải khổ công tìm tòi nhưng khi in ra độc giả lại thờ ơ, lạnh nhạt.
Mà tôi thì không thể “viết thuê”, “viết hộ”, cũng không đủ kiên trì viết ra để đấy, vì viết ra để đấy thì 1.000 năm sau cũng không ai đọc cả, bởi làm như thế là đã đánh mất cái bản lĩnh chân chính, cái tài trời cho mình rồi… Hay có lẽ là tôi đã già rồi và hơi hèn nữa nên khó viết. Mà thế nào là hay mới được chứ? Cái hay, cái đúng một thời đã trở thành không hay và bị lãng quên…
Chơi với doanh nhân, tôi thấy dễ thở hơn nhiều, họ coi tôi như bạn, vì nghĩ cho cùng mình chỉ làm cho họ, chẳng lừa dối ai, nên có lẽ làm họ yên tâm. Lắm lúc nằm ứa nước mắt vì tủi nhục, nghĩ sao mình khổ thân, đang là thằng nhà văn tự do, muốn viết gì thì viết, muốn đi đâu thì đi, muốn bạn bè trai gái gì thì kệ… Có khi thèm bỏ hẳn đi đâu vài tháng để viết một mạch, sống cho thật “đầy”, rồi lại trở về làm tiếp… nhưng công việc này mình bày ra, phải lăn lộn tự làm, tự nuôi nhau, không có cách nào khác cả.
____
Từ hồi chơi với doanh nhân, ông có học được điều gì không?
Tôi đã từng đi buôn rất nhiều lần, nhưng đều thất bại. Lần đầu tiên khi ở chiến trường Campuchia về, tôi và anh Nguyễn Trí Huân bàn nhau gom góp hết tiền, mỗi đứa mua hai tút thuốc lá Jet về bán kiếm lời. Đêm hôm đó phập phồng không sao ngủ được vì… lo! Mấy anh lính biết được quyết chí “trêu” hai ông nhà văn này một mẻ, thế là họ xì xào với nhau cố tình cho chúng tôi nghe được: “Qua cửa khẩu kỳ này, ai mang dù một điếu thuốc thôi cũng bị tước quân hàm đấy”.
Chúng tôi nghe vậy hoảng quá, tìm mọi cách xin ra khỏi trại, bán tống bán tháo đi lỗ mất một nửa tiền vốn. Ai ngờ ra cửa khẩu, thấy người ta mang cả thúng chẳng sao! Một lần khác cả đoàn nhà văn Việt Nam được mời sang Nga cũng vậy, đây là khách VIP nên không phải khám xét gì cả khi qua hải quan, nhưng chẳng hiểu mặt mũi tôi cứ hớt hơ hớt hải, thấy “gian gian” như thế nào ấy nên đã bị hải quan nghi ngờ, chọn ra để “khám điển hình”. Cũng may mình chẳng vi phạm điều gì (cười). Tôi chỉ là người làm văn hóa, chứ không thể là doanh nhân.
____
Ông được coi là người hiểu về nông dân đến chân tơ kẽ tóc, vì vậy có người đã từng chế diễu: “Ông Lê Lựu thì hiểu gì về văn hóa doanh nhân mà làm”. Ông có buồn không?
Tôi cũng chẳng buồn gì, hiểu họ cũng dễ thôi mà. Tôi đã từng rất hiểu người lính, vì suy cho cùng cái gốc của người lính, của doanh nhân mình cũng từ người nông dân mà ra. Ưu và nhược của người nông dân cũng chính là ưu và nhược của người doanh nhân, và của cả cơ chế này. Quản lý doanh nhân theo kiểu “văn minh lúa nước”, mềm mại đó, nhưng cũng “uốn éo” đủ kiểu đó, cộng với cơ sở luật pháp không rõ ràng, lại càng tạo ra sự “lách” chuyên nghiệp.
Còn lâu chúng ta mới có luật thực sự, cứ yêu thương lắm rồi lại cắn nhau đau. Ngược lại có những quyết định “như không”, chết người như không. Doanh nhân mình mạnh ở sự cần cù, nhẫn nại, để làm cho được điều gì đó, nhiều người cũng lăn lộn từ một bao thuốc lá mà lên… Tôi với Trần Đăng Khoa từng ví von có bốn loại người làm ra tiền: người “húc” ra tiền, người “nghĩ” ra tiền, người “nhìn” ra tiền, người “chơi” ra tiền… mà cái “chơi” ra tiền này mạnh lắm, nếu không khai thác được điều này thì không ra việc.
Nhưng cũng từ đây sinh ra những thói tật, đó là sự manh mún, keo kiệt, ít người dám nghĩ bỏ ra một tỉ để lấy một ngàn tỉ đồng mà chỉ dám bỏ một xu để lấy một đồng. Ngược lại có người lại rất hoang phí, nạn ăn nhậu trở thành nỗi ám ảnh triền miên. Doanh nhân thiếu liên kết chiến lược, mà chỉ là liên kết vụn vặt, từng vụ việc. Tầm nhìn để hy sinh bớt quyền lợi của riêng mình vì cái chung còn ít lắm. Còn khối doanh nhân… nói ngọng!
____
Chọn quê hương để làm làng văn hóa doanh nhân, tình cảm của ông đối với ngôi làng mình hình như vẫn còn da diết lắm?
Từ khi tôi đi học cấp hai cho đến bây giờ, quê tôi vẫn cứ giong riềng, vẫn cứ lau sậy như thế. Làng tôi nằm ngoài con đê sông Hồng, nghèo đến mức tôi được coi là người giàu nhất làng. Đã bao nhiêu lần dân làng phải đi thờ cúng nhờ ở đình làng bên cạnh, và suốt 10 năm liền cả làng đóng góp mới xây nổi một ngôi đình.
Tôi hy vọng làng văn hóa doanh nhân sẽ thay đổi hẳn bộ mặt vùng quê tôi, một vùng nghèo đói mà đất hoang hóa chẳng thể trồng cấy được gì cả… Cái “được” lớn nhất của tôi bây giờ là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã tồn tại và đang có cơ hội phát triển.
Khi bảy làng văn hóa doanh nhân thành hiện thực, với những khu sinh thái, những ngôi làng của Chử Đồng Tử và Tiên Dung, những ao thả cá bên lũy tre làng, những vườn rau húng, rau thơm, cùng cách ăn, cách mặc của người nông dân xưa… với một trường học nội trú cho trẻ con, một bệnh viện hiện đại… sẽ giúp mọi người hiểu được một cách cụ thể nhất những giá trị văn hóa, xây dựng được cách sống, cách nghĩ căn cơ cho doanh nhân và cho xã hội… Bao việc khiến tôi bây giờ phải chạy đua với thời gian.
Tôi thích có những người bạn doanh nhân là nghệ sĩ, hơn là những người bạn nghệ sĩ đi làm doanh nhân.
____
Xin được nói “lạc đề” với ông một chút. Với “Thời xa vắng”, ông và đạo diễn Hồ Quang Minh đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với nhau?
Tôi và anh Minh đã lặn lội với nhau suốt 16 năm trời. Chúng tôi đã viết chung kịch bản, toàn bộ ngôn ngữ, đối thoại, tâm lý nhân vật do tôi đảm nhiệm, nhưng để tiện cho việc mang ra nước ngoài, tôi đã ủy nhiệm hoàn toàn cho anh ấy đứng tên.
Những ngày quay ở ngoài Bắc, tôi đã giúp cho đoàn phim ăn ở, chọn diễn viên, giải quyết mọi rắc rối liên quan… Khi xem phim, tôi mừng là mọi cố gắng của chúng tôi đã được đền bù. Anh ấy là một đạo diễn tài năng, làm phim rất kỹ càng, việc thu hình và tiếng trực tiếp đã tạo nên sự chân thực cho phim. Nhưng một số trường đoạn chưa đẩy được đến tận cùng nên cũng tiếc lắm…
Chuyện hòa thuận giữa biên kịch và đạo diễn ở ta vốn “xưa nay hiếm”, nhưng với Hồ Quang Minh, anh ấy đã có được sự tung hứng rất chặt chẽ với biên kịch. Muốn thế, phải bắt gặp được nhau và biết nhường nhịn nhau, phải cùng ra sức với nhau giữ nghệ thuật, vì nghệ thuật, không được phép hạ thấp thẩm mỹ.
____
Ông có nhận xét gì khi một loạt các phim hay gần đây đều là của đạo diễn Việt kiều?
Buộc phải thế, vì tầm nhìn của họ không lệ thuộc vào nhiều thứ, thứ hai là họ được học hành tới nơi, được giao tiếp với khung cảnh toàn cầu, tạo nên mặt bằng cao về cảm xúc và tầm nhìn. Việt Nam mình không cẩn thận cứ lao vào kiểu gái nhảy, chân dài, rồi nhảy cỡn lên với giải nhất, giải nhì, tôi chịu không được. Để có một phim tử tế, cần đạo diễn tài năng và biên kịch tài năng, còn diễn viên mình rất giỏi.
____
Ông có thể nói một chút về cuộc sống cá nhân mình? Về những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà văn và nhà phê bình văn học trong thời gian gần đây?
(Cười hóm hỉnh) Tôi cao 1m63, nặng 63 cân, tóc rụng hết. Tôi có ba con, hai “Sài” gái và một “Sài” trai, các con tôi không theo nghiệp cha. Tôi thích có những người bạn doanh nhân là nghệ sĩ, hơn là những người bạn nghệ sĩ đi làm doanh nhân. Trong tình bạn, tôi trọng sự trung thực. Nguyên tắc sống của tôi là đã làm việc gì phải làm đến kỳ cùng, làm đến chết thì thôi, đã hứa với ai là phải giữ cho thật đúng.
Tôi được đi đây đi đó, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tự thấy mình làm được quá ít, mà đã hưởng quá nhiều so với năng lực của mình, so với bạn bè đồng đội khốn khổ của mình… nên càng phải kiên nhẫn, chịu đựng, cắn răng mà làm được một điều gì đó. Tôi đang định viết sách, làm phim về doanh nhân, nhưng muốn thế phải kiếm tiền để sống đã…
Theo tôi các cuộc tranh luận giữa nhà văn và nhà phê bình thời gian gần đây mới chỉ là việc tạo ra xì-căng-đan, như kiểu người đốt đền trong thần thoại Hy Lạp, còn cái nhìn từ phía ngoài vào thì chưa công tâm. Vả lại trình độ của người làm phê bình văn học còn một khoảng cách khá xa so với người viết. Điều tôi lo lắng nhất với lớp trẻ cầm bút bây giờ là lúc nào họ cũng cứ “nhạo” lên. Hãy sống ghìm lại, từ từ, đằm thắm, thì những trang viết mới không bị bồng lên.