Những pho tượng đứng, nằm, ngồi khắp nơi trong căn nhà nhỏ. Tại phòng khách của ngôi nhà ấy, ngoài chiếc bàn tròn nhỏ và mấy chiếc ghế, chỉ thấy toàn là tượng đá, tượng đồng, tượng đất nung của Vương quốc Phù Nam xưa mà nay đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại những di chỉ mang tên Óc Eo.
Anh Tạ Mân, chủ nhân của kho báu vật đó tiếp chúng tôi rất niềm nở, nhiệt tình. Có lẽ căn nhà nhỏ dưới chân cầu Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) này đã quen với việc đón khách đến xem cổ vật nên tuy mới đến lần đầu, khách vẫn có cảm giác thân quen, gần gũi.
Quả là nơi đây có quá nhiều thứ để xem, để ghi vào máy ảnh. Cổ vật để đầy nhà theo từng cụm nên chúng tôi không chỉ liên tục bấm máy hình ảnh hàng chục thanh gươm đá tinh xảo lớn nhỏ đủ kiểu treo trên tường, mà còn phải ngồi xuống, thậm chí nằm xoài trên nền gạch để chụp cho được đủ các góc cạnh của nhiều pho tượng.
Đằng kia là một cụm tượng các vũ công Apsara bằng đồng, được khắc chạm rất tỉ mỉ, tay chân xòe ra như hình hoa sen – nét đặc trưng của đạo Bà La Môn, giống như mấy tượng voi thần tạc trên đá đứng cạnh.
Chỗ nọ là mấy pho tượng hình cá, hình rồng, hình con chim đang mổ rắn bằng đá rất độc đáo, bên dưới có những dấu triện với chữ khắc ngoằn ngoèo của nền văn minh rực rỡ hồi những năm đầu Công nguyên. Theo lời chủ nhân thì có lẽ đó là những con dấu dùng trong việc cúng tế.
Tạo ấn tượng mạnh nhất là mấy pho tượng đầu người, cả nam lẫn nữ. Nhìn kỹ một pho tượng phụ nữ hầu như còn nguyên vẹn mới thấy rõ từng nét chạm khắc tinh xảo trên khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt, chiếc cằm chẻ, cái miệng với nét môi dưới hơi bĩu ra, khiến nụ cười trở nên kỳ ảo, đẹp mê hồn.
Chả vậy mà một ông bạn cùng đi đã xuýt xoa: “Trời ơi, còn đẹp hơn cả nụ cười Bayon của Angkor Thom!”.
Chưa hết, nhìn mái tóc của người phụ nữ mới thấy rõ tóc được bới chải thật đẹp, rẽ thành hai mái, phía sau được búi cao lên với hai vòng tóc thắt quanh, còn phía trước trán có gắn những hạt nữ trang như một chuỗi ngọc vắt ngang.
Căn cứ vào cách búi tóc, đồ trang sức và một chấm tròn nổi trên trán, rất có thể đó là một vị nữ vương hay ít ra cũng là một phu nhân quyền quý của Vương quốc Phù Nam.
Có điều, nhìn mãi cũng không thể đoán được người Óc Eo làm thế nào để tạo ra những pho tượng đá đen bóng như vậy vì nguyên liệu là loại đá màu xám (có thể thấy được qua vài pho tượng bị nứt bể nằm cạnh đó).
Trong một góc nhà, mấy chiếc thuyền rồng phượng bằng đất nung có người ngồi bên trên như ghi dấu một nét sinh hoạt trên sông nước của người Phù Nam xưa.
Nhiều người bị ngạc nhiên khi thấy một con thiềm thừ đá, miệng ngậm một mảnh tròn với những chữ khắc rõ nét giống chữ Phạn.
Riêng hàng loạt tượng Linga và Yoni trên nền nhà thì dễ nhận ra hơn vì đó là biểu tượng của nền văn hóa phồn thực của cả vùng Mã Lai – Đa Đảo và khu vực Nam Á xưa.
Những pho tượng người, tượng thú lung linh, sáng ngời trước mặt như sự rực rỡ của nền văn hóa Óc Eo từ những năm đầu Công nguyên đến nửa thế kỷ thứ 7 mà trung tâm của vương triều ấy nằm trên vùng đất Nam bộ đã khơi dậy trong chúng tôi một cảm giác lâng lâng khó tả.
Giống như nụ cười Bayon huyền bí, sự phát triển rực rỡ và suy tàn của nền văn hóa Óc Eo vẫn còn chìm trong bí ẩn sâu thẳm của thời gian.
Có lẽ vì thế mà những cổ vật ở đây dù chỉ là một phần rất nhỏ của nền văn hóa bản địa thuộc Vương quốc Phù Nam xưa được ông chủ Tạ Mân kiên trì, công phu góp nhặt. Nhiều vị khách tứ phương đến đây đã bị say đắm bởi đá, đồng và đất nung.
Chợt nghĩ, có phải từ hồn đá, hồn đất thấm sâu vào từng hơi thở, từng ánh mắt kia khiến chúng ta càng thêm yêu vùng đất mình đang sống, càng biết nâng niu những báu vật đó cho muôn thế hệ về sau?