Đã gần mười lăm năm kể từ cuộc triển lãm lần đầu của họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn tại TP. Hồ Chí Minh(*), đến nay người Sài Gòn mới lại có dịp thưởng ngoạn tranh và gốm mỹ thuật của một nghệ sĩ đa tài đến từ Hà Nội. Các tác phẩm của Nguyễn Bảo Toàn đang được trưng bày tại gallery Eight (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1) đến ngày 13-11-2014.
Thật khó xác định Nguyễn Bảo Toàn đang “định cư” trong lĩnh vực nào của mỹ thuật: ông vẽ tranh, làm tượng điêu khắc, làm gốm, nghệ thuật sắp đặt… Song với gốm mỹ thuật thì tên tuổi Nguyễn Bảo Toàn đã chói sáng từ nhiều năm qua. Gốm vẫn là thứ để ông “sống chết với nó” như từng trả lời phỏng vấn một tờ báo. Và nói đến “gốm Bảo Toàn” thì những người am hiểu về mỹ thuật đều biết rõ. Đam mê và thành tựu với gốm có căn nguyên từ thời trẻ của ông.
Nguyễn Bảo Toàn sinh trưởng ở Hà Nội, theo học ngành gốm ở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp rồi về làm chuyên viên xưởng phục chế gốm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam suốt mấy chục năm. Công việc đòi hỏi ông phải xê dịch khắp đất nước để tìm hiểu về gốm của các địa phương và lịch sử của nghề làm gốm truyền thống bản địa, nhờ đó ông ngày càng làm giàu vốn tri thức và sự tinh tường về chất liệu cũng như kỹ thuật gốm. Dù vậy, đến năm 1994 Nguyễn Bảo Toàn mới có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội. Với tên gọi “Đất qua lửa”, triển lãm là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của ông, đồng thời là một sự kiện đối với sinh hoạt mỹ thuật lúc ấy. Bởi “Đất qua lửa” không chỉ trưng bày thuần túy các tác phẩm gốm mà tác giả đã tạo dựng cả một không gian dẫn dắt người xem đến với gốm: bên cạnh tác phẩm là đất – thứ nguyên liệu chính làm nên gốm, là những gì gần gụi nhất với đất và gốm: rơm rạ, tre nứa, lá cây, giấy… Vào thời kỳ nghệ thuật đương đại còn đang phôi thai ở Việt Nam, có thể coi “Đất qua lửa” là một hình thức của nghệ thuật sắp đặt.
Ở những triển lãm sau này, Nguyễn Bảo Toàn còn đưa vào không gian gốm của ông những bức tranh, khi thì tranh giấy dó, tranh lụa, khi thì tranh sơn dầu vẽ trên báo cũ, trên bố và thường được biểu đạt với ngôn ngữ hội họa cực thiểu (minimalism). Tranh như một cách bày tỏ cảm xúc khác mà gốm không thể nói hết hộ ông, như trong triển lãm “Phố cổ Hà Nội” cách đây bốn năm tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở thủ đô, khi đó ông bày 36 bức tranh về 36 phố phường của Hà Nội hôm qua – hôm nay cùng với bảy sắp đặt về những cây cầu ở thủ đô. Hay triển lãm “Mạn ngược” tại Việt Art Centre ở Hà Nội năm 2011 cũng là một sắp đặt với tranh vẽ cảnh và người vùng cao Tây Bắc, đồ gốm và những vật dụng của người dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi, những nơi Bảo Toàn đã sống hàng chục năm gần đây cũng như vào thời niên thiếu.
Còn với triển lãm tại gallery Eight, cùng với hàng loạt những bình, vại, đèn dầu, gạt tàn, đĩa, bát… và những con giáp được tạo tác từ đất qua lửa là những bức tranh chỉ hai màu đen trắng. Gốm cũng như tranh của Nguyễn Bảo Toàn đều thật bình dị, mộc mạc, hồn hậu nhưng vẫn có vóc dáng và hồn vía đương đại.
Trong đề từ cho triển lãm, họa sĩ – nhà phê bình Nguyễn Quân ca ngợi: “Các mẻ gốm trong hai năm gần đây, mà hơn 70 tác phẩm được trưng bày lần này, có thể là vòng vương miện của cả chặng đường sáng tạo gốm của tác giả”, và “Con đường “Đất qua lửa” của người Hà Nội này đã mang cho mỹ thuật nước ta một quà tặng quý hiếm hai trong một: Bảo Toàn gốm và gốm Bảo Toàn”. Còn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định: “Gốm Bảo Toàn có cái khéo léo trong sự vụng về, có sự cao sang trong vẻ thô lậu. Nó là hiện diện của một con người muốn nói lên cá nhân mình trong cuộc bể dâu này”.
(*) Tại gallery Hồng Hạc ngày đó trên đường Võ Văn Tần, nay ở số 23 Lý Tự Trọng, Q.1
- Như Hoa