“Vì muốn công việc nhà nông đơn giản, thuận tiện hơn nên tôi nghĩ nhiều cách làm khác nhau, những chiếc máy của tôi được quốc gia hiện đại về nông nghiệp như Israel sử dụng thì tại sao không sản xuất cho chính người nông dân Việt Nam?” – Đó là suy nghĩ đầu tiên của anh Phạm Văn Hát khi tìm đường về nước sau những tháng ngày lao động vất vả tại Israel. Đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời anh nông dân trở mình thành doanh nhân thành công.
Lớn lên ở vùng đất Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, Phạm Văn Hát khởi đầu với những bước đi tìm kiếm sự sáng tạo trong nông nghiệp. Hàng trăm cái máy gieo hạt đã được bán ra thị trường Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước. Phạm Văn Hát – ông chủ của chiếc máy được biết đến như người nông dân đầy nghị lực giỏi sáng chế và không ngừng nỗ lực thương mại hóa sản phẩm của mình.
Bước ngoặt từ sai lầm “làm ăn lớn khi thị trường chưa đủ lớn”
Trong những ngày tháng nông nhàn, anh Hát đi làm thuê cho một xưởng cơ khí và học được cách sửa chữa máy nổ, dựng khung thành cho công nông đầu ngang. Sau gần hai năm làm việc, với sự cần cù chăm chỉ nên anh đã cơ bản nắm được các nguyên lý hoạt động của máy nổ và thành thạo nhiều công việc khác của ngành cơ khí.
Năm 2007, anh Hát quyết định đổ tất cả số vốn hơn 1 tỉ đồng để mua thêm đất và mở trang trại trồng rau an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Anh Hát nói về ngày đầu dấn thân theo sự đam mê: “Tôi gần như là người đầu tiên của tỉnh Hải Dương đầu tư sản xuất rau an toàn, là chủ của doanh nghiệp đầu tiên được cấp các loại giấy chứng nhận, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan đều khen ngợi và khuyến khích nên mở rộng quy mô. Tôi đã cố gắng làm nhưng tôi đã thất bại cay đắng”.
Sau thất bại, anh nhận ra rằng: “Sai lầm của tôi là làm ăn lớn khi thị trường chưa đủ lớn. Tôi đã đi trước đón đầu quá sớm khi đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao như nhà lưới, nhà màn, nhà phủ… Đến khi phá sản, những tài sản mua hàng chục triệu đồng chỉ đem bán lại được vài chục nghìn để bà con quây chuồng gà”. Lần thua cuộc này khiến anh Hát mất trắng số vốn đầu tư ban đầu và thậm chí phải “ôm nợ”.
Để trả được số nợ lớn sau thất bại, anh Hát quyết định đi xuất khẩu lao động ở Israel với số tiền bỏ ra cũng lên đến 200 triệu đồng vào năm 2010.
Anh Hát quyết định đi tìm giải pháp cho hướng đi của mình từ đất nước Israel để vừa lao động vừa tìm hiểu nguyên nhân thất bại. Cánh cửa thành công hé mở: “Sang đó tôi mới thấy, mặc dù là quốc gia công nghệ nông nghiệp cao nhưng có rất nhiều phần công việc vẫn chỉ dựa hoàn toàn vào sức người. Điều quan trọng là họ có cơ chế hoạt động, điều tiết để không xảy ra tình trạng được mùa mất giá, sản xuất rất hiệu quả”.
Thành công trên xứ người
Thời gian đầu ở Israel, công việc chính của anh Hát là rải phân trên ruộng đất đã xử lý và đã cấy vi sinh. Dưới cái nóng 47 – 48oC của mùa hè Israel, việc rải phân một cách rất thủ công nhanh chóng làm người nông dân kiệt sức. Không chịu nổi sự vất vả đó, anh Hát chủ động đề nghị chủ trang trại Israel cho anh được tạm nghỉ để chế tạo máy. Anh cam kết sẽ sản xuất được chiếc máy có khả năng thay thế cho 15 con người.
Chỉ hai ngày sau, chiếc máy được chế tạo thành công và bắt đầu áp dụng trên đồng ruộng Israel. Mặc dù đã nhìn thấy kết quả từ chiếc máy này, người chủ trang trại Israel vẫn muốn anh Hát tiếp tục cải tiến để hoàn thiện hơn khả năng làm việc của chiếc máy này. Máy rải phân đời thứ 2 và đời thứ 3 tiếp tục ra đời ngay sau đó. Anh Hát được thưởng số tiền tương ứng 200 triệu đồng và nâng lương.
Sau chiếc máy rải phân tự động, anh Hát đã cải tiến và sáng chế ra một số loại máy móc, công cụ lao động như: máy cắt rau tự động, máy dọn rau sau thu hoạch và bộ dao cắt hành tiện dụng.
Từ thành công này, anh Hát bắt đầu tính đến việc trở về Việt Nam và quay trở lại con đường khởi nghiệp đang dang dở. Anh Hát chia sẻ về giai đoạn này: “Quyết định về của tôi cũng không dễ dàng vì phía Israel vẫn muốn giữ tôi làm việc, nâng thu nhập cùng nhiều ưu đãi khác. Ở Việt Nam, tôi vẫn còn nợ đến 3 tỉ đồng trong khi trong túi vẫn chưa tích lũy được vì mới đi xuất khẩu lao động một thời gian ngắn. Tiếng xấu vỡ nợ vẫn còn sẽ gây khó khăn trong việc làm ăn. Nhưng tôi vẫn muốn về. Tôi đã từng làm chủ doanh nghiệp và tôi hiểu lần này tôi có thể làm được với ngành độc là sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp Việt Nam”.
Sáng tạo không ngừng đổi mới
Năm 2012, anh quyết định quay trở về nước và mở lại xưởng cơ khí. Anh đã tiếp tục tập trung nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp. Từ sự đam mê nghề nghiệp kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình lao động tại Israel – một nước có nền nông nghiệp hiện đại, anh đã chế tạo ra bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt. Đồng thời còn cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như: chế tạo cày hai lưỡi thay thế cho cày một lưỡi, cày bốn lưỡi thay thế cho cày ba lưỡi mà công suất không thay đổi.
Những thành công bắt đầu tìm đến, anh Hát tập trung vào sản xuất rồi cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm mỗi năm và được nông dân các tỉnh tin dùng. Từ hiệu quả của cày hai lưỡi và cày bốn lưỡi đã giúp người nông dân đỡ vất vả, đồng thời nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. Anh đặt tên cho sản phẩm của mình là “robot đặt hạt”. Ưu điểm của máy là có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn. Một “robot đặt hạt” của anh thay thế được cho 40 người làm việc.
Sau hai năm nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện sản phẩm, đến nay, khoảng 200 robot đặt hạt thương hiệu “Phạm Văn Hát” đã được bán trên toàn quốc và 50 chiếc được xuất khẩu sang 14 nước với giá 2.500 USD/chiếc. Thương hiệu này cũng gắn với khoảng 30 loại máy nông nghiệp các loại khác.
Tuy nhiên, không dừng lại ở thành quả này, nhà sáng chế Phạm Văn Hát muốn được mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa để có thể sản xuất hàng nghìn cái, đẩy mạnh các thị trường tiêu thụ thay vì chỉ ngồi chờ khách đến đặt hàng và làm theo yêu cầu. Hiện tại, anh Hát muốn tìm được đối tác để cùng hợp tác đầu tư lớn hơn, có thể sản xuất hàng loạt, nhờ đó giá bán máy sẽ rẻ hơn và vừa túi tiền với người nông dân hơn.