Khoảng chục năm gần đây, Nguyễn Thành Phong đã tạo cho cái tên của mình có một chỗ đứng nhất định trong làng vẽ truyện tranh. Ngoài việc cộng tác với nhiều báo, tạp chí, để thỏa mãn sức sáng tạo của mình, Thành Phong cùng bạn là Nguyễn Khánh Dương đã lập nên nhóm “Phong Dương” – Dương viết lời, Phong vẽ minh họa. Nhưng phải đến khi cuốn sách thể hiện những câu nói thời đại @ của giới trẻ được xuất bản với tên gọi “Sát thủ đầu mưng mủ”, cái tên Nguyễn Thành Phong mới thực sự được nhiều người biết đến – với cả sự ngưỡng mộ lẫn tò mò. Vậy nhưng, sau đó, dường như Phong ít hoạt động hơn…
Nhưng mới đây, qua website của Viện Goethe, người ta biết anh vẫn xuất hiện đều đặn trong dự án “CityTales – Blog”, như một đại diện cho Việt Nam. Blog này là nơi để một số nghệ sĩ comic, được chọn từ tám nước, sáng tác các câu chuyện về thành phố của mình trong 12 tháng liền. Họ đến từ các thành phố Hamburg, Berlin, Bangkok, Melbourne, Jakarta, Manila, Singapore, Kuala Lumpur và Hà Nội. Theo nhà tổ chức, mỗi tháng ấn định một chủ đề mới làm nguồn cảm hứng. Từ đó sinh ra nhiều câu chuyện khác nhau, đặc trưng cho vùng đất đó. Theo nhận xét của BTC: Trong tranh liên hoàn của mình, Thành Phong phác họa hình ảnh Việt Nam đương đại và chỉ ra sự hòa quyện các giá trị văn hóa truyền thống với một phong cách sống hiện đại mới mẻ.
Điều dễ nhận thấy ở tranh của Phong là mang đậm nét Việt Nam chứ không bị pha lẫn với cách vẽ manga của Nhật Bản. Tuy nhiên, có vẻ như chưa có phong cách riêng, bởi có những tác phẩm anh vẽ tối giản, nhưng cũng có tác phẩm được anh vẽ một cách chăm chút, cầu kỳ. Phong không chú ý tạo cho mình một bộ “nhận diện sản phẩm” riêng sao?
Khi vẽ tôi dựa trên quan sát và kinh nghiệm chuyên môn đã được đào tạo và ảnh hưởng của một số tác giả mà mình yêu thích. Không nhất thiết là phải đóng khung mình trong một phong cách nào đó, trái lại, tôi luôn muốn tìm phong cách mới mẻ và phù hợp với từng dự án, nếu phải làm mãi một phong cách thì sẽ rất chán. Tôi không cho rằng việc người nghệ sĩ có bộ “nhận diện sản phẩm” là một thế mạnh. Công việc sáng tạo là luôn luôn phải tự làm mới, tự thay đổi.
Tác giả có ảnh hưởng tới anh là ai vậy?
Tôi mê truyện tranh từ bé, do vậy có những họa sĩ tôi bị ảnh hưởng một cách vô thức, nhưng cũng có những họa sĩ tôi ý thức được sựảnh hưởng của họ tới mình, trong các họa sĩ tại Việt Nam, họa sĩ Còm (Hữu Khoa) là một ví dụ.
Nhiều người nghĩ rằng ngôn từ trong truyện tranh cho trẻ em ở ta rất có vấn đề, thậm chí có người còn cấm con đọc truyện tranh vì cho là ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
Truyện tranh rất cần trí tưởng tượng của người đọc, do vậy, ngôn từ trong truyện tranh, đôi khi lại giữ vai trò minh họa. Truyện tranh có thể hình dung giống như một bộ phim quay chậm, trong đó mỗi bức tranh là một khoảnh khắc, đòi hỏi người đọc phải sử dụng trí tưởng tượng để ghép chúng thành một chuỗi liên hoàn và thống nhất trí tưởng tượng, phát triển một cách liên hoàn. Các tác phẩm xuất bản ở Việt Nam đa phần là dành cho thiếu nhi và thiếu niên do vậy nhấn vào tính hành động nhiều hơn vì ở lứa tuổi các em thích những cái gì đó nhanh, sinh động. Tất nhiên, không thể phủ nhận, ngôn ngữ trong một số truyện tranh vẫn còn yếu vì dù sao những người làm truyện tranh ở Việt Nam vẫn đang bước đi những bước sơ khởi. Tôi nghĩ hạn chếở đây không phải là ở thể loại (truyện tranh) mà là hạn chế của tác phẩm – có thể ta còn có ít tác phẩm hay, cuốn hút người đọc. Trên thế giới, có rất nhiều truyện tranh dành cho mọi lứa tuổi.
Trong dự án của Viện Goethe, đề tài xã hội luôn được anh quan tâm: giao thông, môi trường, ẩm thực, lễ hội… Trong khi đó mảng truyện tranh cho người lớn ở ta vẫn còn bỏ ngỏ. Vậy có khi nào anh nghĩ sẽ chiếm lĩnh thị phần này?
Sở dĩ có tình trạng này là vì, thứ nhất là không có người sáng tác, mà lý do để ít người sáng tác là vì có thể họ còn e dè: Xuất bản ra có khó khăn gì không, có bán được không?… Đang rất cần một ví dụ cụ thể. Thứ hai, người lớn chưa có thói quen, nhu cầu đọc truyện tranh. Điều này lại liên quan trở lại đến việc, dù cho lúc bé họ có thích truyện tranh đến mấy thì thói quen này cũng sẽ mất đi vì không có truyện tranh cho người trưởng thành.
Và anh có định làm “ví dụ cụ thể” đó?
Tôi cũng không biết nữa, mặc dù cũng có ý định làm truyện tranh cho người lớn, tiếp cận các nội dung là những vấn đề đương đại của xã hội. Các câu chuyện gần gũi với cuộc sống thì sẽ có nhiều đồng cảm hơn chăng. Tôi vẫn đang làm và đăng trên blog hay Facebook. Lúc nào đủ một lượng nhất định, theo một chủ đề nào đó, có lẽ tôi sẽ cho xuất bản. Nhưng phải nói rõ rằng, tôi làm, trước hết xuất phát từ nhu cầu cá nhân vì thấy đó là những đề tài hay và gây cảm hứng cho tôi rất nhiều.
Có khi nào anh phải minh họa một chuyện nào đó mà cảm thấy rất nản vì gặp phải cốt truyện hoặc những lời thoại ngô nghê, phi lý…?
Làm phim có khâu chuyển thể kịch bản. Vẽ truyện tranh cũng vậy, phải chuyển từ ngôn ngữ kể chuyện sang ngôn ngữ của truyện tranh. Do vậy, có những tình huống phải chuyển lời kể, lời dẫn thành lời thoại để câu chuyện trở nên gần gũi và sống động hơn. Đó là cách người họa sĩ tham gia vào quá trình sáng tác. Nhưng nguyên tắc làm việc của tôi là có chọn lọc. Chỉ làm cái gì mà cảm thấy thích và hứng thú. Hoặc có thể không thích 100% nhưng nhìn thấy ở đó có cái tứ nào đó mà mình có thể dựa vào đó mà sáng tạo được. “Sát thủ…” là một trong những dự án như thế. Dự án truyện tranh dân gian (của Nhã Nam) tôi cũng rất thích… Và tôi đặc biệt thích những dự án được làm từ A đến Z, những dự án mình tự làm cho mình.
Trở lại với “Sát thủ…”, anh nhìn nhận thế nào về sựồn ào do nó gây ra – cơ hội hay “tai nạn nghề nghiệp”?
Tôi cho rằng, ngôn ngữ và bộ phận nhỏ hơn của chúng là những “thành ngữ đương đại”, khi chúng có thể tồn tại và lan rộng như vậy, tự chúng đã phải có lý do. Những thành ngữ đương đại đó thể hiện những khao khát muốn nghĩ khác, muốn phản kháng lại những gì cũ kỹ, muốn sáng tạo ra cái mới, tinh thần lạc quan hài hước – đây chính là đặc tính và cũng là sức mạnh của tuổi trẻ. Ngôn ngữ chính là cuộc sống. Những gì cũ kỹ lỗi thời sẽ bị thải loại, trở về vị trí của chúng trong các bảo tàng, nhường chỗ cho những cái mới cho dù không phải cái mới nào cũng tốt hoặc được nhìn nhận là tốt. Đó luôn luôn là quy luật vận hành của cuộc sống. Tôi đã rất thích dự án này của Nhã Nam và làm một cách say sưa, chỉ đơn giản thế thôi. “Sự ồn ào” như chị nói, nó cũng còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.
Kim Anh