Trên chặng đường kiếm tìm sự giàu có, chúng ta đều có cho riêng mình những nguyên tắc, thói quen được xem là chuẩn mực để theo đuổi. Tuy nhiên, không phải nguyên tắc nào cũng được kiểm chứng một cách cụ thể, vì thế không phải nguyên tắc nào cũng thực sự phù hợp với chúng ta.
Được các chuyên gia tâm lý và doanh nhân thành công trực tiếp trải nghiệm, dưới đây là hai nguyên tắc thành công khá kỳ lạ và đặc biệt mà chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng.
Đừng tìm kiếm, hãy chủ động xây dựng mục tiêu
Các chuyên gia tâm lý nhận ra rằng, rất nhiều người đang dành phần lớn thời gian trong cuộc đời chỉ để cố gắng tìm kiếm mục tiêu, tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
John Coleman, chuyên gia tâm lý học người Mỹ lại cho rằng cố gắng tìm kiếm mục tiêu hay ý nghĩa trong cuộc sống thực ra là việc tốn thời gian vô ích. Bởi đã tồn tại trên thế giới, bất cứ một công việc, sự vật, hiện tượng nào cũng đều có mục đích, mang lại những giá trị, ý nghĩa nhất định.
Vì thế, nghĩ rằng chúng ta chỉ có một mục tiêu cuộc sống duy nhất, mục tiêu đó sẽ luôn bền vững, và chúng ta phải đi tìm mục tiêu đó để cảm nhận ý nghĩa cuộc sống, đều là những quan niệm sai lầm.
Cụ thể hơn, nếu nhìn bề ngoài, chúng ta dễ nghĩ rằng Marie Curie có mục tiêu là trở thành một nhà khoa học, bởi gần như bà đã dành cả cuộc đời để học tập, nghiên cứu. Louis Pasteur thì dành cả cuộc đời cho y học, còn Bill Gates thực sự là một con nghiện máy tính từ năm 13 tuổi cho tới khi ông nghỉ hưu…
Tuy nhiên, thực sự thì những con người này cũng có vô số mục tiêu khác nữa trong cuộc sống, như Marie Curie ngoài là một nhà khoa học còn là một người mẹ, người vợ tận tụy, hay Bill Gates ngoài đam mê máy tính còn là doanh nhân, giám đốc điều hành của Microsoft, một nhà từ thiện và một người cha, người chồng đáng kính trọng.
Vì thế, thay vì cố gắng đi tìm mục tiêu để cuộc sống có ý nghĩa, cách tốt nhất mà những người thành công thường dùng là tự xây dựng mục tiêu cho bản thân, thay đổi mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn của sự nghiệp, từng độ tuổi và tạo ra sự cân bằng cho các mục tiêu của mình.
“Mục tiêu cuộc sống là thứ để bạn xây dựng và chinh phục, không phải là thứ bạn cần tìm kiếm. Bởi mọi việc trên đời đều có ý nghĩa, nên việc bạn thực hiện một mục tiêu, nếu mục tiêu đó không phạm pháp, chắc chắn sẽ là một mục tiêu có ý nghĩa cho cuộc đời của bạn và những người xung quanh” – John Coleman kết luận.
Nếu không thể tìm được người hỗ trợ cho sự nghiệp của mình, hãy… độc thân
Avivah Wittenberg-Cox, Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn 20-First, đã mô tả hành trình sự nghiệp của bà tỷ lệ nghịch với cuộc sống hôn nhân.
“Gần đây, tôi đã ăn tối cùng với tám phụ nữ, đều là những doanh nhân hoặc nhân viên cấp cao, trong độ tuổi từ 35 đến 74. Câu chuyện của họ thực sự không khác tôi là mấy. Một người vừa được trao cơ hội trở thành giám đốc quảng cáo của một công ty truyền thông đa quốc gia, nhưng đã phải vật lộn trong nhiều tháng để chồng cô ấy đồng ý việc chuyển nhà. Một người khác thì đã quyết định nghỉ phép tại trường một năm, bỏ dở việc học tiến sĩ, để cứu vãn cuộc hôn nhân sắp rơi vào vực thẳm của cô” – Avivah Wittenberg-Cox chia sẻ trên trang Harvard Business Review.
Phân tích sâu hơn, các chuyên gia tâm lý cho rằng, điều khiến chúng ta thường xuyên chùn chân, từ bỏ quyết tâm, mục tiêu, chính là những tác động từ người thân của mình. Bởi những người thân, mà cụ thể ở đây là bạn đời, có thể không có ý muốn kìm hãm chúng ta, nhưng sự khác biệt, nỗi sợ hãi có thể khiến bạn đời của chúng ta tạo ra những rào cản, gây ra những trở ngại tai hại.
Đơn cử, trong một nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý Meg Lovejoy, dựa trên việc khảo sát 200 cặp vợ chồng ở Mỹ, thì 75% phụ nữ quyết định nghỉ việc vì chồng của mình. Trong khi theo nhóm nghiên cứu, khoảng 60% số cặp đôi ly dị sau tuổi 50 là do phụ nữ khởi xướng. Lý do chính được đưa ra là để người phụ nữ có thời gian tập trung vào sự nghiệp của mình hơn.
Song song với vấn đề này, Eli Finkel, giáo sư tâm lý hiện giảng dạy tại Northwestern University, lại ghi nhận khá nhiều trường hợp người chồng tìm đến ông khi hoàn toàn bế tắc trong việc cân bằng giữa mục tiêu nghề nghiệp và những mong muốn của bạn đời. Nói cách khác, trong khi người chồng còn bế tắc và đang phải “hai tay cầm gạch” để lo xây dựng sự nghiệp, thì người vợ liên tục đòi hỏi anh ta phải chăm sóc hay thậm chí xem thường công việc của anh ta.
“Nếu bạn đời không có chung tầm nhìn với bạn, không dành sự tôn trọng cho ước mơ và mục tiêu của bạn, thiếu khả năng lắng nghe những điều bạn quan tâm, thì đó không phải là người bạn nên ở bên cạnh khi đang muốn phát triển sự nghiệp. Đừng miễn cưỡng. Nếu chưa gặp người phù hợp, tốt nhất là bạn nên độc thân” – Eli Finkel khuyên.