Hạ tuần tháng 5 vừa qua, tại Irbil, thủ phủ của vùng đất bán tự trị Kurdistan (Iraq), ông Ashti Hawrani, Bộ trưởng Dầu lửa Kurdistan, đã công bố dự án hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng một đường ống dẫn dầu xuất phát từ Kurdistan đến vùng biên giới Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2013 và sau đó nối vào đường ống Kirkuk-Ceyhan đang hoạt động. Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, Kurdistan là một “thiên đường năng lượng”, trữ lượng dầu khí của vùng này ước tính khoảng 3-6 ngàn tỉ m3 khí đốt và 45 tỉ thùng dầu thô. Với trữ lượng đó, đường ống doKurdistanxây dựng sẽ cung cấp một triệu thùng dầu mỗi ngày. Sống trên túi dầu, người Kurd tạiKurdistanmuốn được tự do khai thác nguồn lợi khổng lồ này và trực tiếp đàm phán với đối tác ngoài nước. Trong khi đó, với tư cách nhà quản lý mọi nguồn tài nguyên trong nước, chính quyền Baghdad dưới quyền Tổng thống Nouri al-Maliki không chấp nhận mối quan hệ kinh tế trực tiếp Kurdistan – Thổ Nhĩ Kỳ, coi đó là bất hợp pháp, cho dù chính quyền bán tự trị Kurdistan sớm đưa ra một đề nghị khá mềm dẻo là chỉ giữ 17% trị giá nguồn dầu khí bán được, phần còn lại được chuyển về Baghdad và Ngân hàng Quốc gia Iraq; mặt khác, họ vẫn nhìn nhận dầu thô xuất từ Kurdistan là dầu của đất nước Iraq.
Đường ống dẫn dầu Kirkuk-Ceyhan đang hoạt động
Bên cạnh những bất đồng nội bộ chưa thể dàn xếp ổn thỏa, mối quan hệ song phươngIraq- Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiều hướng xấu đi. Ông Maliki không ngần ngại miêu tả người láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường trở thành một “quốc gia thù địch” củaIraq. Phản ứng lại lập trường cứng rắn của Baghdad, chính quyền Ankara ở Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo ông Maliki chẳng những là người theo chủ nghĩa bè phái mà còn mù quáng theo chân Iran ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad ở Syria. Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng thương mại lớn thứ nhì của Iraq và phần lớn các hoạt động thương mại song phương xuất phát từ Kurdistan, vốn rất được thiện cảm của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến nay,Iraqvẫn chưa có một bộ luật về hydrocarbon, quy chế của vùng đấtKurdistanvẫn còn trong vòng thương thảo. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên con đường trung chuyển năng lượng từ Đông sang Tây và vị thế của nước này ngày càng quan trọng hơn đối với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi cả hai cùng muốn hạn chế tầm hoạt động của Tập đoàn Gazprom của Nga trên thị trường năng lượng châu Âu. Các nhà bình luận cho rằng trong tương lai gần,AnkaravàBaghdadkhó tìm được một tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề năng lượng với người Kurd tạiIraq.
Lê nguyễn tổng hợp