Người Việt ở Anh có thể chia thành ba nhóm cơ bản, đầu tiên là khoảng vài chục ngàn thuyền nhân nay đã có quốc tịch Anh, và tiếp tục đưa thân nhân hay kết hôn rồi đưa vợ chồng người Việt sang Anh. Nhóm này phải theo các quy định rất khắt khe của nước Anh về nhập cư, như là thu nhập của người bảo lãnh, và tiếng Anh của người nhập cư. Kèm theo đó là một số sinh viên hay người lao động sau thời gian làm việc cũng đủ điều kiện nhập quốc tịch Anh, cũng với những quy định như vậy. Đối với họ thì quyết định Brexit chỉ là một vấn đề chính trị xã hội của nước Anh mà một số người có thể ủng hộ vì không thích có thêm người nhập cư, hoặc phản đối vì sợ mất nguồn thu nhập từ dân nhập cư như là tiền cho thuê nhà hay khách làm nails và khách đến nhà hàng.
Nhóm người Việt thứ hai cũng với số lượng khá đông là những người vượt biên bằng xe container từ Pháp sang, và bị từ chối quyền tỵ nạn ở Anh. Đây là một góc khuất không được báo chí nhắc nhiều dù rằng có đến cả triệu người như vậy từ đủ mọi quốc gia trên thế giới đổ về, mà cục di dân của Anh gần như là bất lực trong việc ngăn chặn. Đối với họ thì quyền lợi chỉ bị mất trong trường hợp nước Anh rút khỏi hiệp ước nhân quyền hay thỏa thuận về quyền tỵ nạn trên thế giới.
Nhóm duy nhất chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định Brexit là những người Việt mang quốc tịch các nước thành viên EU, đang trong giai đoạn limbo, tức là luật lệ chưa rõ ràng, không biết tương lai thủ tục giấy tờ như thế nào như trường hợp tiêu biểu của các cộng đồng người Ba Lan nêu trên. Tuy nhiên, khá nhiều người đã cố gắng hoàn tất các bộ hồ sơ cần thiết từ nhiều tháng trước, như là kịp đón vợ chồng sang theo quy định cũ, và đăng ký thẻ tạm cư (registration certificate) để bảo đảm quyền lợi tối thiểu trong trường hợp quyết định Brexit chính thức có hiệu lực.
Hiện tại, quyết định Brexit chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các định chế nhập cư, khi thương thuyết về việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp châu Âu vẫn còn chưa được khởi động. Tuy nhiên, quyết định Brexit để lại một áp lực tâm lý hết sức lớn đối với nhiều người nhập cư đang sinh sống và làm việc tại Anh quốc. Áp lực ắt hẳn sẽ càng trở nên nặng nề hơn, nếu giai đoạn chuyển tiếp phức tạp, kéo dài và không khí bài ngoại được dung dưỡng tại nước Anh.
Lê Quân (DNSGCT)