Trời ơi, sao có cái tít báo “kinh khủng” thế này: Mỗi năm 100.000 người Nhật… bốc hơi. Mà báo Tây đưa, New York Post hẳn hoi nhé.
Tin này đủ để giật mình đây. Nhật là nơi… lắm chuyện lạ. Xưa nói có hàng triệu “con… ký sinh” – ý nói các cô gái Nhật không chịu lấy chồng. Đi làm lương cao, sinh hoạt yên ổn ở gia đình với cha mẹ, hằng năm đi du lịch. Chẳng dại gì mà “xông ra” cáng đáng gia đình, kết hôn, chồng con, nghe… ngại và sợ lắm.
Chuyện lạ nữa là, người Nhật ham làm việc tới mức… chết lăn ra. Ở Nhật có “bệnh karoshi” – lao lực chết người do làm việc tới 60 giờ một tuần. Nhiều người làm 12 giờ một ngày. Mỗi năm hàng ngàn người chết vì bệnh lao lực karoshi này.
Chẳng bù cho Việt Nam đang bị chê “50-60 là vui thú điền viên”. Xứ người ta 65 (tuổi) còn đi lái taxi đầy đường. Mình thì lúc trẻ đi làm cũng bia bọt tà tà cà phê tán dóc chém gió (Mà sao không sống thọ nhỉ? Có phải do bia rượu nhiều nhất thế giới không đây?)
Nhiều tin lạ về người Nhật, nay lại tin… bốc hơi. Báo viết là, người Nhật có khi đang đi làm, có xe hơi, nhà thuê, nhưng bỗng nhiên… biến mất. Là vì họ mất việc làm, nợ nần, ly hôn tan vỡ, vì thế họ biến mất.
Tất nhiên, họ sẽ có mặt ở nơi công việc lương thấp hơn, nhà cửa tồi tàn, dọn đến xóm lao động. Tức là, họ… rớt đẳng cấp. Nhiều xáo trộn, khủng hoảng kinh tế – xã hội – việc làm… đã khiến họ mất hút.
- Xem thêm: Ai làm mất quê?
Tưởng gì, nếu vậy thì người Việt còn… mất hút nhiều hơn. Chỉ có điều là không có điều tra, số liệu cụ thể mà thôi. Xin kể một ví dụ cụ thể, hẳn nhiều người sẽ gặp cảnh “gần gũi” này.
Một hôm, anh xe ôm nói, cô ơi, nhà của cháu ở kia kìa, nhưng cháu không bao giờ dám… đến gần. Theo tay anh chỉ, thấy một biệt thự kín cổng cao tường tiếng nhạc xập xình và chó becgiê sủa. Anh xe ôm như rên lên: “Cháu tiếc lắm cô ơi, nhưng phải bán rẻ mà đi. Xưa chỗ này ruộng không. Mùa nước lên tụi cháu xúc cá rô nhiều lắm. Nay thì ruộng không còn, lên toàn biệt thự”.
Vậy nhà chú giờ ở đâu, sao chú vẫn cứ bám đất làm ăn, không phải mất hút như người Nhật? Chú xe ôm kể, cháu vẫn bám ngã tư đây, nhưng nhà thì đã… tiến sang Nhơn Trạch. Đi xa lắm, phải qua phà Cát Lái, chở con đi học, chiều đón vợ về. Cháu thành cư dân Nhơn Trạch rồi, xa rời nơi bây giờ thành “làng quý tộc”.
Thì ra, anh xe ôm cũng “bốc hơi” thời đô thị hóa đó chứ! Cũng rất đúng quy luật phát triển quốc tế hẳn hoi. Sánh ngang người Nhật. Mà có khi còn “sang chảnh” hơn, vì người Nhật là biến mất luôn, còn như anh xe ôm thì tuy nhà cửa biến mất nhưng người thì không bốc hơi, vẫn nhìn thấy dấu vết mình xưa. Thế mới đau…
Nói vậy thì ăn thua gì, đằng này người Việt nhà quê bốc hơi sang tận châu Phi, Trung Đông. Từ các làng quê bán ruộng vườn lên thành phố lớn sống khu ổ chuột buôn thúng bán bưng.
Mà rất lạ, người ta đổ ùn ùn về thành phố như vậy, nhưng nhà nghiên cứu lại nói “không người nông dân nào thích ở thành phố, nhưng vì kế sinh nhai, hằng năm có tới 74% số người dời từ tỉnh này sang tỉnh khác, 47% người bỏ quê ra thành phố lớn và 10% ra nước ngoài”…
- Xem thêm: Cái gì cũng có – chỉ thiếu chúng nó
Người Việt “bốc hơi” đi khắp nơi, đố tìm ra chỗ nào không có người Việt? Nghe chiến tranh ở Trung Đông là Chính phủ phải tổ chức máy bay cho hàng ngàn người Việt về. Thậm chí, tai nạn mãi tận Bắc cực thật hy hữu, hay là hiếm có như… bị bắt cóc ở biển Caribê, vậy mà vẫn có cả người Việt.
Thế không gọi là bốc hơi thì định gọi là gì?