Cách đây bốn năm, chàng trai người Mỹ gốc Việt Phan Kim Đôn đã làm tốt vai trò giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại điện tử của Đức Rocket Internet tại Việt Nam. Hai năm sau, anh quyết định khởi nghiệp với một website thương mại điện tử dành cho các bà mẹ trẻ với cái tên dễ nhớ là Taembe.com và khẳng định tiềm năng của con đường mình lựa chọn.
Nghĩ khác và làm khác
Phan Kim Đôn tốt nghiệp Trường Đại học Yale (Mỹ) chuyên ngành Chính trị nhưng anh tham gia công việc kinh doanh là chủ yếu. Năm 2011, khi đang làm chuyên gia tư vấn tài chính tại Singapore, anh quyết định tham gia vào Tập đoàn Rocket Internet tại Việt Nam, đây cũng là lúc anh bắt đầu làm quen với thương mại điện tử (TMĐT).
Thời điểm đó, Rocket Internet là một đại gia trong lĩnh vực này và đã phát triển kinh doanh ở50 quốc gia trên thế giới. Anh cho biết: “Thời sinh viên, nhờ một suất học bổng của Trường Đại học Harvard, tôi đã có cơ hội trở về Việt Nam làm nghiên cứu ở Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh và cảm thấy yêu mến đất nước này. Khi có cơ hội trở lại cùng Rocket Internet, tôi cảm thấy rất vui. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng với một thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam thì những website bán hàng hiệu quả của tập đoàn tôi tham gia hẳn sẽ thành công”.
Đúng như Kim Đôn nhận định, chỉ sau chín tháng, website mua sắm bắt mắt Lazada của Rocket Internet trở thành website TMĐT số một tại Việt Nam với 23 triệu lượt truy cập và doanh thu mỗi tháng khoảng 2,5 triệu USD. Còn hai website khác chuyên về thời trang là Zalora và thực phẩm là FoodPanda cũng nằm trong năm sàn chiếm thị phần doanh thu cao nhất trong cùng lĩnh vực.
Tuy nhiên, chàng trai trẻ vẫn muốn phát triển một website TMĐT cho riêng mình. Chính vì vậy, năm 2013, anh đã thành lập một Taembe.com, trang mua bán trực tuyến chuyên cung cấp sản phẩm tã bỉm và đồ dùng cho trẻ em, định hướng phát triển phỏng theo mô hình của trang mạng nổi tiếng ở Mỹ là Diapers.com. Đôn cho biết sự ra đời của Taembe.com rất tình cờ.
Trong một dịp đi mua sắm ở siêu thị Maximart (quận 10, TP. Hồ Chí Minh), vợ chồng anh thấy một bà mẹ vừa ôm chồng tã em bé vừa lái xe máy rất khó khăn. Anh nghĩ: “Nếu khách hàng chỉ cần thực hiện một thao tác chọn mua đơn giản trên một website trực tuyến và có người giao hàng tận nơi thì rất thuận tiện cho họ. Hơn nữa, tã bỉm là sản phẩm dễ dàng mua trực tuyến hơn các mặt hàng thời trang vì không có sự khác biệt màu sắc và kích thước… giữa hàng trên mạng và hàng mua trực tiếp”. Từ ý tưởng đó, anh đã thuyết phục được tám nhà đầu tưở Mỹ rót vốn ươm mầm cho dự án của mình.
Kim Đôn cho biết: “Điều thú vị là khá nhiều khách hàng của Taembe.com đã đến mua hàng ngay tại văn phòng, có lẽ do thói quen mua sắm trực tiếp của người Việt Nam. Số lượng người trả tiền qua thẻ cũng không nhiều mà chủ yếu là thanh toán trực tiếp khi giao hàng. Điều này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động TMĐT cả”. Ban đầu, công ty anh chỉ định bán hàng trong khu vực TP. Hồ Chí Minh là chủ yếu.
Nhưng lượng khách hàng đến từ các tỉnh tăng lên nhanh chóng, nhất là khu vực miền Tây và miền Trung. Lượng khách hàng người nước ngoài cũng ngày càng nhiều hơn nên Taembe.com đã phải nâng cấp trang website thêm ngôn ngữ tiếng Anh. Trong khi các đối thủ cạnh tranh như Kiz World, Con Cưng… đang liên tục mở rộng các cơ sở kinh doanh tại những vị trí đắc địa thì trong ba năm qua, Taembe.com chỉ sử dụng một văn phòng duy nhất đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Theo Kim Đôn, việc mở các điểm bán hàng gây mất nhiều chi phí.Anh chọn cách bán nguồn hàng chất lượng với giá rẻ hơn và dịch vụ khách hàng tốt hơn, chẳng hạn như có nhân viên giao hàng cả thứ Bảy và Chủ nhật. Từ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc cho Rocket Internet, Phan Kim Đôn đang từng bước xây dựng Taembe.com trở thành một mô hình kinh doanh tiềm năng và đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, giúp anh chuẩn bị nhận được một khoản tiền đầu tư từ tổ chức hỗ trợ nhóm khởi nghiệp tại Singapore.
Thương mại điện tử ngày càng chứng tỏ tiềm năng tại thị trường Việt Nam
Theo nhận định của Phan Kim Đôn, Việt Nam là một thị trường TMĐT rất tiềm năng với sự bùng nổ của điện thoại thông minh và sự phát triển nhanh chóng của internet, 3G và các thiết bị di động. Theo thống kê của Nielsen, có khoảng 58% người dùng internet Việt mua sắm trực tuyến với điện thoại di động, so với mức trung bình toàn cầu là 44%.
Nhiều người Việt Nam cho biết họ cảm thấy thoải mái và quen dần với trang website bán hàng trực tuyến. Kết quả khảo sát của Bộ Thương mại cho thấy nguồn thu từ TMĐT của Việt Nam hiện đạt gần 2 tỉ USD, tương đương 2,5% GDP và được dự báo tăng lên 6 tỉ USD vào năm 2015. Tỉ phú Jack Ma, người sáng lập “ông lớn” bán hàng trực tuyến Alibaba cho biết Trung Quốc đã vượt qua khỏi Mỹ, trở thành nước dẫn đầu thị trường TMĐT và trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về kinh doanh trực tuyến.
Taembe.com đạt doanh thu nhanh chóng vì nhóm các bà mẹ là đối tượng khách hàng đầy tiềm năng. Hơn 65% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và mỗi năm có đến 1,5 triệu em bé ra đời. So với thế hệ trước, thì các bậc phụ huynh hiện nay có ít con hơn và chi tiêu nhiều hơn cho con cái của mình. Theo công ty nghiên cứu Intage Vietnam, thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam hiện có quy mô khoảng 2,5 tỉ USD mỗi năm và có tiềm năng đạt đến con số 5 tỉ USD trong tương lai gần.
Phân khúc tã bỉm được xem là một sản phẩm đáng chú ý trong thị trường bán lẻ trong những năm gần đây. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và sựan toàn của sản phẩm này đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp TMĐT của Đôn chỉ lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu Huggies, Bobby Fresh, Pampers, Goon, Merries… vì các sản phẩm này có sự kiểm tra chặt chẽ và tuân theo những quy định nghiêm ngặt nhất từ khâu sản xuất đến phân phối. Hiện nay, doanh nghiệp của anh là đối tác bán lẻ trực tuyến tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm của nhà sản xuất Pampers (Mỹ) tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart, tốc độ có thể quyết định sự hài lòng của khách hàng và doanh số bán hàng của bạn. Khách hàng mua hàng thường trải nghiệm tốc độ tải trang trung bình là 3,22 giây trong khi những người không mua hàng là 6,02 giây. Một website tải nhanh hơn 1 giây có thể làm tăng tỷ lệ bán hàng lên 2%.
Chính vì vậy, Phan Kim Đôn đang tập trung đầu tư nâng cấp website của mình, để người mua hàng có thể sử dụng cả máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh để mua hàng một cách dễ dàng và nhanh chóng. “Ngoài ra, doanh nghiệp của tôi luôn tạo cơ hội việc làm cho các sinh viên mới ra trường yêu thích môi trường năng động và phát triển không ngừng của internet. Một công ty khởi nghiệp về công nghệ chính là môi trường tốt cho các bạn học tập và phát triển sự nghiệp”, Phan Kim Đôn nói.