Thực ra còi xe, tiếng ồn, bụi bẩn… đã được “miễn dịch” với người đô thị rồi, họ không kêu nữa. Những cái biển báo cho xe cộ chú ý đừng nhấn kèn khi qua bệnh viện bây giờ không thấy ở đâu nữa, có vẻ như không cần, xa xỉ quá. Kẹt xe cũng không là chuyện lạ. Bây giờ họ sợ cướp, cả cướp giật lẫn cướp tham nhũng không nhìn thấy nhưng túi tiền vơi đi rất nhanh. Khi nào có tiền, họ đi du lịch.
Giàu thì đi chơi nước ngoài, vừa thì các resort, khu nghỉ dưỡng trong nước. Kêu khủng hoảng kinh tế, nghèo gì đâu mà gần ngày nghỉ mới đăng ký khách sạn xem, đố kiếm nổi một chỗ.
Cả gia đình tôi năm nào cũng đi nghỉ resort vào các kỳ hè của các con, ngoảnh đi ngoảnh lại đã nhiều năm không về quê. Về quê chỉ là chuyện của những người ngụ cư làm thuê sinh sống, có gia đình ở quê nhà nên lễ tết là về, học sinh sinh viên cũng ở diện này.
Chứ các gia đình đầy đủ ở thành phố thì ít khi nào họ lại nghĩ về quê chơi. Nhất là ai làm ăn được, nghĩ về quê nhìn cảnh bà con họ hàng nghèo khổ, người thì ốm đau nghèo khó, mỗi lần về quê là một lần “đạn bắn liên tục”: Các ông chú bà bác già đau ốm, nếu không biếu thuốc men thì cũng phải biếu tiền, tối thiểu mỗi người cũng phải vài trăm ngàn cho đến một triệu đồng mới coi được.
- Xem thêm: Về quê, là sẽ… buồn thương lâu lắm
Ăn bữa cơm đầy khách phát mệt, rồi tất tả ra xe về thành phố. Cho nên chẳng mấy ai không có việc gì mà tự nhiên nói về quê chơi. Và họ cứ xa dần quê quán. Thậm chí có người gần như mất quê.
Vì thế, hôm nay có một đám giỗ, bà xã tôi nói phải về, vì các chị em ở nhà muốn đứng ra làm. Ngày xưa khi bố vợ tôi còn sống, ông chắt chiu nuôi nấng và dẫn dắt bao nhiêu con cháu trong họ lên thành phố học hành, nhiều người sau này làm ăn khấm khá. Vì thế để nhớ ơn dượng Ba, các em các chị ở quê nói gia đình tôi về ăn giỗ, ở quê sẽ đứng ra làm.
Bà xã tôi thu gom rất nhiều quần áo còn mới và tốt, mua dầu ăn, các đồ nấu nướng, bát đĩa. Chúng tôi còn gửi tiền về trước, vì mình cũng chẳng nghèo khổ gì, lại là đám giỗ của bố mình.
Dự đoán trong làng đông khách nên bà xã cử tôi ra bưu điện gửi tiền (ở quê tôi chưa phổ biến chuyện thẻ ATM, bà con vẫn dùng tiền mặt, khỏi đau đầu kêu la như chuyện thu phí). Về đến nơi, bà con chạy ra ôm chầm lấy, vòng trong vòng ngoài khiến cô tiểu thư nhà tôi vừa đi du học về nghỉ hè tròn mắt ngạc nhiên. Một thứ tình cảm bây giờ ít gặp trong mối quan hệ con người.
Người nhà quê hỏi thăm, bày tỏ cảm xúc, không chút đầu môi chót lưỡi. Đi theo tay chỉ vào nhà, chúng tôi lễ mễ khiêng đồ trên xe xuống. Tôi nói thầm vào tai bà xã: “Chết rồi, nhà xây khang trang thế này cẩn thận đồ mình đem về lại giống đồ… ve chai thì chết”.
Bà xã nguýt: “Làm gì có chuyện ấy, người ta tình cảm, đâu chú ý chuyện vật chất”. Đám giỗ đông thật là đông, riêng con cháu trong nhà cũng đã ngồi chật gần chục bàn. Chẳng biết xưng hô thế nào cho đúng. Có đứa bé, tôi hỏi “em con nhà ai”, thì một bà trong họ nói: “Này, anh phải gọi là… vai chú đấy”.
Tôi hết hồn trong khi mọi người cười vui vẻ. Đến lúc hỏi thăm một bác tóc bạc, hỏi bác là thế nào với nhà cháu, bụng sợ hú vía, lỡ mà người ta lại cười ồ lên nói đó là… cậu em thì quê lắm. May quá không phải. Không khí thật ấm cúng.
Mấy người chị em quấn quýt, mời luôn miệng: “Đây, em đòi ăn cá đồng thì canh chua đây”. Mở ra, trời ơi sao toàn cá chẳng thấy rau đâu thế này. Để ưu tiên người thành phố ở xa về, họ đã làm cá nướng trui ăn cuốn, gỏi trộn hoa chuối hột, một nồi cháo gà. Còn các món khác nữa cho bà con, ăn uống phủ phê.
Trước khi chúng tôi về lại thành phố, cô em nói: “Tất cả chỉ hết có năm triệu đồng, anh chị gửi nhiều dư em trả lại”. Đời nào vợ tôi nhận, còn trợn mắt, sao mà rẻ thế. Chúng tôi ghé thăm hai vợ chồng ông cậu đã già, làm vườn thanh long trên xóm dưới chân núi. Cô tiểu thư nhà tôi thì thầm: “Ba má coi kìa, ông đi xe SH, còn chiếc Vespa Ý phải tới gần 90 “chai” kia là bà đi chợ. Nể quá…”.
- Xem thêm: Nhớ nhà, là nhớ… nhà nào?
Người thành thị giật mình. Mải lao theo cuộc sống thị thành, họ đã không còn được hưởng bầu không khí chân thật hồn nhiên của người quê – không lo sợ đối phó như người phố, chẳng biết ai tốt xấu, chẳng dám tin ai.
Người phố mới thấy mình khổ quá, có tiền chắc gì có nổi không khí, vườn cây, ăn thức ăn vườn ao nhà lành mạnh… Thì ra, đô thị lớn chỉ dễ chịu với người trung lưu trở lên, còn những ai ghé đó bươn chải tìm cơ hội thì rất dễ chỉ trở thành nạn nhân của đô thị hóa bát nháo.