Đêm qua mơ thấy về nhà. Rõ ràng có cha mẹ còn sống, nhưng hình ảnh chỉ thoáng qua, chẳng thấy ông bà nói gì. Mà cái nhà thì cũng là nhà nào ấy, lạ hoắc.
Chẳng bù cho thiên hạ hễ mơ là họ kể trên Phây (Facebook), giấc mơ có đầu có đuôi, có đối thoại, cha nói thế này, mẹ giải thích thế kia, lý sự rất nhiều. Mà sao mình mơ muốn kéo dài để thấy cha mẹ anh em bạn bè nói gì nhắn gì, thì lại chỉ một thoáng đã biến mất.
Một người Việt bây giờ cũng sắp di chuyển nhiều như người Mỹ đến nơi. Đọc sách báo, thấy người ta di chuyển hết bờ Đông sang bờ Tây, tự lái xe đường dài, đi tìm công ăn việc làm, chuyển nhà liên tục. Thế nên họ chỉ thuê nhà chứ chẳng “giàu có” như người Việt ta, suốt đời mơ ước có được ngôi nhà của mình.
“Đó, anh thấy chưa?” – Bà xã tôi tấn công chuyện tôi mơ giấc mơ vườn. Cô ấy nói, tư duy tiểu nông mới vậy. Các cụ xưa đâu có ra khỏi làng, từ nhỏ đến già sắp chết cũng chỉ quanh ra bờ ao quanh vào lũy tre. Bây giờ thì con cái các cụ thoắt cái đã ùn ùn chạy loạn khỏi Trung Đông có chiến tranh, Chính phủ phải bố trí bao chuyến bay cho về.
- Xem thêm: Tập ở nhà
Nghe có con tàu mắc kẹt băng tuyết đâu tận Bắc cực, cũng có vài ông Việt Nam. Đến chuyện hy hữu như nhóm người bị cướp biển Caribê bắt (nghe cứ như truyện phiêu lưu mạo hiểm), hoặc lâu lâu có người chết trên đường nhập cư lậu, cũng lòi ra người Việt trong đó. Tức là, con cái các cụ giờ chui lủi khắp hang cùng ngõ hẻm của trái đất này.
Thế mà cứ mơ nhà, xây cho bọn con cái có ngày quay đầu “cóc chết về núi”. Chẳng ai bỏ được quê. Nếu do hoàn cảnh định cư xa xôi đến mấy thế hệ, chẳng còn nói được tiếng mẹ đẻ nữa, thành Tây hẳn, cũng còn có ngày tìm về kia mà.
Còn dân không đi đâu xa, chỉ lên thành phố lớn tìm cơ hội, nộp mình làm “nạn nhân của đô thị” thuê nhà nhỏ xíu xó xỉnh, kéo vợ con lên, buôn thúng bán bưng, thành người đô thị. Lâu lâu có ngày lễ tết một cái là cuộc đại hành hương hàng triệu người nộp mình cho tàu xe điên, đâm xuống cầu, xuống ruộng chết người năm nào chẳng kín đen tin tức trên mặt báo.
Một người trưởng thành phải ở qua bao nhiêu cái nhà? Chịu, làm sao có câu trả lời chung.
Vậy khi ta nói nhớ nhà quá, là nhớ cái nhà nào vậy? Bà xã nói: “Trả lời dễ ợt, nhớ nhà là nhớ nơi nào có người thân yêu ruột thịt đang sống, chứ ai nhớ cái nhà đi thuê làm gì?”.
Sai rồi nhé, tôi nói, em có thấy giờ còn gia đình nào xum xuê đầy đủ ở một chỗ không? Nhà em đấy, cậu Ba ở Sài Gòn, chú Tư ra Đà Nẵng, dì Năm ngoài Huế. Cậu Sáu đi du học kể ngày đầu tiên đến Savannah ở Hoa Kỳ, ngồi trong căn phòng thuê nhỏ xíu lạ lẫm thì gặp ngay cơn mưa lớn kéo dài cả giờ đồng hồ. Sau này cậu nhớ về nó là nhớ cảm giác cô đơn nơi xứ người một mình bước vào cuộc chiến đấu lớn. Mà anh em, cha mẹ thì đã xa vời.
Thế thì nhớ nhà là nhớ cái gì, nhà nào? Tôi nói, anh thì anh nhớ ngôi nhà mà thuở bé vô tư được sống với sự nâng niu của mẹ cha.
- Xem thêm: Ai làm mất quê?
Phải rồi, nhạc sĩ Phạm Duy chẳng có bài Kỷ niệm, xin “cho đi lại từ đầu” đó sao? Được sống lại trong ngôi nhà thời thơ ấu, nhớ cái cảnh “cha tôi ngồi đọc báo, mẹ tôi ngồi khâu áo” đó.
Chắc vậy rồi. Con người dù sau này cuộc đời cuốn đi, say mê chồng vợ, vật lộn thăng tiến với trách nhiệm áo cơm, sống qua nhiều ngôi nhà, có khi là những căn hộ cao cấp hào nhoáng có bể bơi và sân banh, nhưng ở sâu trong góc ký ức, vẫn là ngôi nhà mẹ cha – đoạn đời thường là sung sướng nhất của con người… Kể cả những ai có tuổi thơ nghèo khó vất vả.