Château Lafite-Rothschild của Bordeaux và champagne Dom Perignon đang đầu tư hàng triệu USD để sản xuất ra những chai vang niên hiệu mà họ hy vọng sẽ đưa rượu vang Trung Quốc lên bản đồ thế giới. Tại một đất nước mà loại rượu vang rẻ tiền vẫn còn giúp xác định thị trường tiêu dùng trong nước, các lò vang Pháp lại hợp tác với những nhà đầu tư Trung Quốc sản xuất loại vang premium dành cho người uống ở hàng Top của thị trường. Những người này có thể bỏ ra vài trăm USD cho chai rượu sản xuất nội địa trong vài năm tới nếu như chất lượng của nó tương đương với vang nhập khẩu. “Trung Quốc sẵn sàng sản xuất vang ngon. Không cần phải sao chép Lafite, chúng tôi mong muốn làm ra vang ngon trên đất Trung Quốc”, Christophe Salin, chủ tịch của Domaines Barons de Rothschild (DBR) đang sở hữu các lò vang Château Lafite, Duhart-Milon, L’Evangile… nói. DBR đang đầu tư 100 triệu nhân dân tệ (16,3 triệu USD) cùng với đối tác địa phương CITIC, một doanh nghiệp đầu tư của nhà nước, vào dự án phát triển 25 hécta vườn nho ở Sơn Đông, một tỉnh ven biển phía đông Trung Quốc, để làm ra vang đỏ premium cho thị trường nội địa.
Vườn nho làm rượu vang ở Trung Quốc
Moet-Hennessy, một thương hiệu rượu vang của tập đoàn thời trang LVMH, cũng hướng đến việc sản xuất vang đỏ và đang phát triển 30 hécta vườn nho trên vùng núi cao thuộc tỉnh Vân Nam. Moet-Hennessy đã nghiên cứu khí hậu và thổ nhưỡng ở cả trăm địa điểm xung quanh trước khi chọn vùng đất có tên là “Shangri-La” để trồng các giống nho cabernet sauvignon, cabernet franc và merlot. Giám đốc điều hành Christophe Navarre của thương hiệu này không công bố số tiền đầu tư, nhưng cho biết tỷ lệ tham gia góp vốn là 2/3, trong khi đối tác địa phương VATS chiếm 1/3 còn lại. “Chúng tôi mơ một ngày nào đó sẽ quay về Pháp với chai vang đỏ sản xuất tại vùng Shangri-La và có thể nói rằng đây là loại vang tốt nhất thế giới”, ông Navarre phát biểu tại buổi lễ công bố liên doanh năm ngoái. Danh mục rượu vang của Moet-Hennessy gồm có Château Cheval Blanc và Yquem, loại vang ngọt đắt nhất thế giới. Dòng champagne của họ gồm có những tên tuổi như Dom Perignon, Moet & Chaandon và Krug. Họ cũng đang phát triển vườn nho tại khu tự trị Ninh Hạ, thuộc cao nguyên Hoàng Thổ Tây Bắc, để làm ra vang sủi bọt hạng ultra-premium đầu tiên.
Tuy nhiên, LVMH và DBR không có kế hoạch kinh doanh rượu vang sản xuất ở Trung Quốc dưới những tên gọi hiện có. Cả hai đều muốn đặt tên cho sản phẩm mang bản sắc Trung Quốc. Chiến lược này được giới chuyên ngành ở Trung Quốc đặt dấu hỏi lớn. “Nếu họ không dùng những cái tên hiện có cho sản phẩm mới, người tiêu dùng sẽ không chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để mua”, Monica He, người làm việc cho hãng nhập khẩu rượu vang Menvis ở Bắc Kinh cho biết. Đầu tư của LVMH và DBR vào Trung Quốc nhằm đáp ứng cơn khát sản phẩm premium ở đây, nhưng cũng đồng thời giúp họ mở rộng dòng sản phẩm giá trung bình. Người tiêu dùng Trung Quốc thường chọn loại đắt tiền hoặc rẻ tiền để uống, bỏ trống dòng vang giá trung bình trên thị trường. Bằng cách sản xuất vang premium ở Trung Quốc, các nhà làm vang Pháp có thể kéo người tiêu dùng hướng đến dòng vang trung bình nhập khẩu của họ.
Theo một nghiên cứu năm ngoái tại Hội chợ Vinexpo, Trung Quốc xếp thứ năm thế giới về tiêu thụ rượu vang. Nghiên cứu này dự báo mức tăng trưởng bình quân hằng năm ở Trung Quốc và Hồng Kông đạt 54,3% từ 2011-2015, tức hơn 1 tỉ chai/năm. Các nhà làm vang Trung Quốc nỗ lực làm ra sản phẩm hàng trung bình và premium, với giá bán cao nhất hơn 100 USD/chai nhưng không được đánh giá cao bằng vang nhập khẩu giá rẻ. Do người Trung Quốc chỉ chuộng vang đỏ và vang sủi bọt nên các lò vang Pháp không đầu tư sản xuất vang trắng.
Huỳnh Quang