Đám bụi đất theo từng đợt gió oằn mình giữa không gian. Đoạn đường lô nhô đá cứ đều đều đón từng lượt xe qua. Hai bên đường, đa phần các cửa nhà đều đóng kín. Dự án bê-tông hóa con đường này triển khai đã lâu, đào xới mấy tháng trời rồi bỏ ngỏ giữa chừng. Mấy bà cô trong xóm trọ làm đơn kiến nghị lên phường, rầm rộ đôi tuần rồi cũng êm chuyện. Tất cả chỉ đợi chờ con đường trong mơ.
Mỗi lần ngang qua đoạn đường này, Văn thường lấy tay che thêm phía trước lớp khẩu trang. Không riêng gì Văn, cả xóm trọ ai cũng ngán ngẫm với đoạn ngã ba ghập ghềnh. Bụi mờ mịt không gian. Từng lớp li ti bấu víu mọi người như muốn cộng sinh. Nhưng lạ, mỗi chiều đi làm về, Văn thường thấy một cụ bà ngay góc ngã ba. Chẳng vật gì che chắn, bà hướng nhìn về phía trước. Đôi mắt trĩu buồn vương màu nắng của hoàng hôn. Đôi lần, Văn muốn đến hỏi thăm bà nhưng ái ngại. Trước giờ, cô vẫn sống khép kín, ít bày tỏ sự quan tâm. Lối sống hờ hững ấy, Văn đã tập tành thay đổi, nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Cô cũng muốn vượt thoát chính mình, nhưng dường như cô vẫn chưa thể.
Lần thay đổi khả quan nhất đối với Văn là sau vài chuyến thiện nguyện cùng công ty. Các chị đồng nghiệp ngạc nhiên vì tính cách Văn đột ngột thay đổi. Nhưng chỉ khi tham gia, Văn mới biết việc thiện nguyện của công ty có sự mờ ám. Mấy bà chị trong công ty chỉ lợi dụng chuyện thiền nguyện để check in như du lịch. Phần quà cũng bị bớt xén một khoản so với kế hoạch ban đầu. Những ngày đến vùng sâu, Facebook các chị ngập tràn hình ảnh việc tốt, điều thiện. Nhưng chỉ có Văn mới hiểu, đằng sau những tấm hình đó còn khối chuyện để bàn. Không giữ được sự im lặng, Văn kiến nghị sự thật cùng giám đốc điều hành. Được một thời gian, họp bàn đủ kiểu, giám đốc tuyên bố bãi bỏ chuyện thiện nguyện. Công ty sẽ trao quà cho những người gặp khó khăn qua lời giới thiệu của nhân viên. Đại diện công ty sẽ đến xác nhận và trao quà. Nghe vậy, mọi người đều đưa tay tán thành, nhưng rồi lời ra tiếng vào cứ văng vẳng bên tai Văn.
***
Chẳng hiểu vì sao, mấy hôm nay, hình ảnh bà cụ nơi góc đường cứ đeo bám tâm trí Văn. Có lẽ, bà có nét giống bà ngoại đang sống với mẹ Văn ở quê. Ba phận đời đàn bà chung một mái nhà, nhưng chỉ mình Văn vượt thoát khỏi lũy tre làng. Lần nào điện thoại, ngoại đều kêu Văn về thăm bà, dẫn bà đi nhà thờ như ngày trước. Nghe lời ngoại, cô cũng muốn trở về, nhưng công việc trên phố đã vây kín thời gian. Nhiều lúc, Văn muốn buông xuôi, nhưng khi nghĩ về hai dáng người đang lầm lũi ở quê, cô lại tự động viên mình cố gắng. Với Văn, cuộc sống này không chỉ dành riêng cho cô, đó còn là cuộc sống của những người đã thổi hồn để cô lớn lên, giúp cô có được mọi thứ như hôm nay.
Tan tầm, ánh nắng nhạt nhòa đậu xuống mặt đường, óng ánh trong gió bụi. Văn lại bắt gặp bà cụ ngay góc đường. Lần này, bà nắm trên tay một chiếc nồi inox. Nhìn cảnh ấy, Văn muốn một lần tập sống quan tâm. Bất chợt, ý tưởng giúp đỡ người nghèo như kế hoạch của công ty nảy lên. Văn nghĩ, bởi cô mà việc thiện nguyện bị hủy bỏ, vì vậy, cô phải làm việc tốt đầu tiên cho công ty. Nghĩ thế, Văn thả từng bước chân tiến lại gần. Nhìn thấy Văn, bà cụ lắp bắp:
“Cô mua giúp tôi cái nồi này được không?”.
Văn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô quay đầu ngoảnh lại phía sau. Bà cụ nói thêm lần nữa:
“Cô mua giúp già đi, già hết tiền rồi!”.
Văn đứng yên như trời trồng. Gương mặt bà cụ toát lên vẻ khắc khổ. Văn không có nhu cầu sử dụng nên chẳng biết dùng chiếc nồi ấy để làm gì. Văn vội mở ví rồi rút tiền:
“Bà giữ cái nồi lại, lấy tiền này mua ít gạo, cháu chỉ có thể gửi bà chút ít này!”.
Không mảy may ngại ngùng, bà cụ nhận tiền từ tay Văn rồi cúi đầu rưng rưng. Văn nghe rõ từng nhịp thở gấp gáp đang phát ra từ lồng ngực xương xẩu của bà. Từng lời cảm ơn của bà khiến lòng Văn thổn thức, chơi vơi. Văn chưa kịp hỏi gì về chuyện gia đình, bà đã vội rời đi. Cơn gió chiều chập choạng cứ ngã nhào đẩy xa hai người.
- Xem thêm: Thênh thang
Sau lần gặp gỡ ngày hôm đó, Văn âm thầm quan sát bà cụ mỗi lần ngang qua. Có chiều bà ngồi đó, có lúc lại đi đâu. Qua tìm hiểu, Văn biết bà sống cùng xóm trọ với cô. Một mình bà lặng lẽ trong căn phòng chật hẹp, lỉnh kỉnh đủ thứ vật dụng. Có lẽ bà nhặt nhạnh đâu đó rồi mang về, chờ bán đồng nát kiếm tiền sống qua ngày. Đôi lần ngang qua nhà bà, Văn muốn vào giúp bà dọn dẹp nhưng rồi thôi. Có hôm do Văn bận việc, hôm thì bên trong, bà đang tiếp khách. Có lẽ, người khách đó cũng dành tình cảm đặc biệt cho bà như cách Văn đang làm. Với hiện tại, Văn chỉ muốn giúp bà trong khả năng của cô.
***
Vừa bước vào công ty, cô trợ lý giám đốc vội báo tin vui, đơn kiến nghị của Văn xin giúp đỡ cho cụ bà gửi lên công ty đã được phê duyệt. Xong việc, công ty sẽ cử người theo Văn đến xét duyệt gia cảnh. Ngày hôm đó, hạnh phúc trong Văn cứ ngập tràn. Từ trước tới giờ, đó là việc làm ý nghĩa nhất trong hành trình cô tập sống quan tâm. Nghĩ vậy, Văn cứ tủm tỉm cười và chờ đợi giờ tan làm.
Khi đoàn xe công ty rẻ vào đoạn đường ghập ghềnh, mấy chị trong đoàn bắt đầu nhăn nhó. Bụi đất cứ bám chặt vào những tấm thân nõn nà. Qua khỏi ngã ba, Văn không nhìn thấy bà cụ, có lẽ bà đã về nhà. Đoàn xe tiếp tục đi. Vừa vào hẻm, Văn nhìn thấy cụ bà từ đằng xa.
“Bà làm gì đây vậy?”.
“Tôi, tôi,…!”.
Đoàn người công ty ngỡ ngàng nhìn bà. Sau câu hỏi của Văn, bà cụ cũng ngập ngừng không trả lời. Người phụ nữ ngồi nơi chiếc bàn nhỏ cùng đống giấy tờ chi chít số cất tiếng:
“Bà ấy ghi đề cho chiều nay, không thấy sao còn hỏi?”.
Văn bỏ ngoài tai câu nói vừa trôi tuột từ vành môi đanh đá của người phụ nữ. Mấy bà chị trong đoàn khảo sát gia cảnh bắt đầu xì xầm. Những cặp mắt liếc xéo ghim thẳng về phía người phụ nữ ghi đề.
“Thôi, bà về nhà với tụi con, tụi con có chuyện muốn gặp bà!”.
Đoàn người công ty tiếp tục đi theo hướng dẫn của Văn. Đến nơi, người đàn ông mặt bự từ phía ngoài bước vào trong căn nhà rồi đóng sầm cánh cửa. Văn chợt nhận ra, ông mặt bự kia là vị khách hay đến thăm bà. Bà cụ giật mình, gương mặt bối rối, ấp úng:
“Cô cậu về đi, để hôm khác hẳng đến”.
Mọi người hơi ngỡ ngàng. Họ cứ ngỡ, Văn đã điện thoại báo trước cho bà về việc sẽ đến xét duyệt. Đưa mắt nhìn bà cụ hồi lâu, Văn cất lời thổn thức:
“Con chỉ muốn nói chuyện một chút, để mọi người có thể giúp bà trang trải cho cuộc sống thôi ạ!”.
Bà cụ nhìn đoàn người rồi lại ghé mắt về cánh cửa. Ánh mắt phía sau khung sắt vẫn đang lén nhìn ra.
“Thôi! Tôi đâu nghèo gì đâu mà giúp, cô cậu về đi, hay giúp người khác thì tốt hơn”.
Những người phía sau lưng Văn lại râm ran. Gương mặt Văn tái nhợt. Mấy lần gặp trước, bà đâu như vậy. Bất chợt, một bà chị trong đoàn xẵng giọng:
“Bà đã nói không cần thì về thôi, đứng đây có được gì đâu!”.
Câu nói như làm chấm dứt việc xét duyệt. Mọi người lặng lẽ quay đầu xe, nổ máy rồi ra về. Văn để lại cho bà ánh mắt khó hiểu rồi từ từ rời đi. Vạt nắng chiều đổ xuống gương mặt bà cụ một màu tối sẫm. Ẩn sâu nơi hóc mắt, hình như mấy giọt nước lấp lánh đang khẽ đung đưa.
Hôm sau đến công ty, mọi người bắt đầu bàn tán sau lưng Văn.
***
Một tuần sau ngày những người của công ty Văn tìm đến nhà bà cụ, xóm trọ vẫn lặng lẽ đón từng đợt bụi ghé thăm.
Chuyện làm việc tốt của Văn đã ngớt bị xì xầm, nhưng những ánh mắt khinh khỉnh vẫn còn ném thẳng vào cô. Văn bỏ mặc mọi lời chua cay ngọt đắng, cô cứ đến công ty rồi trở về nhà. Từ ngày hôm đó, bà cụ cũng không còn ngôi ở góc đường. Có lẽ, bà cụ ái ngại và sợ đối mặt với Văn. Văn cũng muốn tìm gặp bà cụ lần nữa nhưng chưa thể!
- Xem thêm: Trốn chạy
Nắng chiều lịm tắt. Vẫn như mọi ngày, Văn thả từng bước chân trên đoạn đường cát bụi cuộn tròn cùng vạt đá lô nhô. Người xe vẫn vô tư trung chuyển. Từ đằng xa, những nhóm người tụ lại đông đúc. Những kẻ hiếu kỳ cũng dừng lại ngó nghiêng. Văn chặn vội người đàn ông đang tiến về phía mình:
“Chuyện gì vậy anh?”.
“Bà cụ hay ngồi nơi góc đường bị thằng con xô ngã. Nó biểu bà cụ đánh đề con chó nhưng không trúng rồi nó làm vậy đấy. Nghe đâu, thằng chả là người chăm sóc công trình này! Về bòn mót tiền bà già bữa giờ, bị người ta phát hiện rồi bắt đi luôn rồi. Bòn rút vật tư làm chuện bậy bạ, hèn gì cầu đường nó như thế này”. Khi biết sợ ngồi tù, ép mẹ lao vào đề đóm với những tài sản cuối cùng của đời người mẹ, với hi vọng bù đắp những sai lầm của con”.
Văn ngơ ngác nghe người đàn ông buông từng lời xuống đất. Tim cô nhói lên từng hồi. Tấm màn đen trên đầu Văn cũng vô tình hạ màn như phủ lấp những con người đang nhẫn tâm làm đau nhau. Phía đầu kia, mấy cô trong xóm trọ vẫn đang xôn xao vây kín người của công trình cầu đường xuống khảo sát. Mấy chú công an đang áp giải người đàn ông mặt bư lên xe.
Văn chợt hiểu, vì sao hôm ấy bà cụ đã không nói sự thật. Bởi, nếu sự thật được phơi bày, xóm trọ này có để yên cho người mẹ của kẻ vẫn đang hành hạ không khí của mọi người nơi đây hay không? Nhìn đám bụi cuộn tròn trong gió chiều.
Tiếng chuông nhà thờ trong xóm chiều hôm ấy ngân lên từng hồi da diết, trộn lẫn cùng tiếng còi xe cấp cứu vang vọng giữa không gian. Bất chợt, trong mắt Văn, người, bụi đất cứ nhòe nhoẹt nước, mờ căm.