Thường thì những phụ nữ đẹp là người mẫu trong tranh của các họa sĩ, nhưng với trường hợp của Tali Lennox thì ngược lại: cô người mẫu xinh đẹp này đã sớm giã từ sàn catwalk khi đang ở giai đoạn phát triển rực rỡ để đứng sau giá vẽ và trở thành một họa sĩ thực thụ. Với tên gọi “Những tầng lớp cuộc đời”, triển lãm cá nhân của Tali Lennox vừa diễn ra cách đây không lâu tại gallery Catherine Ahnell ở khu Soho (New York).
Nếu đến với gallery Catherine Ahnell vào những ngày cuối tháng 3-2015, trước ngày khai mạc triển lãm “Những tầng lớp cuộc đời”, người ta sẽ thấy một gian phòng ở đây bừa bộn những tuýp màu dầu, những phác họa và những bông hoa được cắm trong chai nước khoáng nhãn hiệu Pellegrino – dấu hiệu cho thấy một họa sĩ đã và đang lưu trú tại đây hàng tháng rồi. Ở không gian phía sau của phòng triển lãm là những tranh chân dung lớn hơn người thật được xếp dọc các bức tường. Hầu hết các tranh chân dung đó là tự họa của Tali Lennox, thể hiện cô ở nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Tali Lennox nguyên là một người mẫu thời trang nổi tiếng, từng xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue và đã có mặt trong các chương trình thời trang của Acne, Christopher Kane, Burberry, Prada và Missoni. Cô là con gái nữ ca sĩ Annie Lennox (nhóm Eurythmics nổi tiếng, với bộ đôi Annie Lennox và David A. Stewart) và nhà sản xuất phim Uri Fruchtmannis.
Để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, Tali Lennox đã sống và vẽ tại gallery bắt đầu từ tháng 2-2015. Tạp chí mỹ thuật Artsy đã có cuộc trò chuyện với Lennox trước giờ khai mạc triển lãm.
Điều gì khiến cô đến với hội họa?
Tôi rời trường (trung học) năm 17 tuổi và làm nghề người mẫu toàn thời gian. Tôi luôn vẽ tranh, nó giúp tôi có được sự tập trung và sự bình yên trong tâm hồn. Như vậy tôi đã tự mình đến với hội họa và tìm thấy điều này: càng vẽ tôi càng cần thấy phải vẽ.
Cô không được đào tạo chính quy về hội họa, vậy cô có thể nói về quá trình đến với hội họa và cô đã làm thế nào để phát triển năng khiếu hội họa ấy?
Tôi vẽ bằng sơn dầu, đôi khi bằng bút chì, nhưng sơn dầu có chiều sâu hơn… Trước khi vẽ bằng sơn dầu, tôi vẽ phác lên khung vải. Cần phải rèn luyện nhìn ngắm và phác họa, nhìn ngắm và vẽ tranh. Quá trình đó là một dòng chảy cùng với tác phẩm và người vẽ biến mất trong dòng chảy đó.
Tôi tự học hội họa một cách căn bản và đã học cả chục khóa về kỹ thuật hội họa. Muốn học là điều rất tốt, nhưng tôi thật sự thích quá trình tự mình tìm hiểu hội họa. Tôi cố gắng vẽ bằng trái tim mình để tranh tôi có thể đạt được nét riêng. Nếu người ta thích tranh tôi, điều đó thật tuyệt.
Cô có chịu ảnh hưởng của ai không?
Tôi vừa đọc xong một cuốn sách về Gustav Klimt. Khi xem lại các họa sĩ của quá khứ, tôi cảm thấy mình quá sức tầm thường. Kỹ năng của họ, trách nhiệm của họ đối với tác phẩm và với sự sáng tạo những điều tuyệt đẹp trong khi họ chẳng có những phương tiện và đồ dùng để có thể vẽ dễ dàng (như chúng ta có hôm nay) đã khiến tôi hoàn toàn kinh ngạc. Để có được sự tôn kính quá khứ thật là quan trọng – ngày nay có không ít họa sĩ chỉ quan tâm làm sao tác phẩm của mình luôn mới – mới, mới, mới. Thế nhưng tôi không rõ cái mới ấy có còn mới không nữa.
Tôi yêu thích Edward Hopper (1) – yêu thích cảm xúc và chiều sâu trong tác phẩm của ông. Tôi cũng rất thích Edgar Degas. Còn với các họa sĩ đương đại, tôi thích những người có phong cách hội họa giống như thời trước nhưng tân kỳ hóa nó và đưa vào sự pha trộn của chính mình, chẳng hạn như John Currin (2). Hoặc tôi cũng rất thích hội họa đương đại của Eric Fischl (3).
Điều gì khiến cô hướng tới tranh chân dung và bằng cách nào đạt được điều đó trong triển lãm “Những tầng lớp cuộc đời”?
Không có gì thật sự quyến rũ hơn con người. Tôi yêu tinh thần của tranh chân dung, chúng quyến rũ tới mức va đập vào các cảm xúc khác nhau. Ở triển lãm “Những tầng lớp cuộc đời” này toàn bộ là tranh chân dung tự họa. Tôi bị thu hút bởi những người thay thế mình (ám chỉ tranh tự họa – NV) mà ai cũng có những mảnh vỡ chân dung ấy trên các mạng xã hội. Những gì khiến tôi sợ hãi là cái thế giới trên mạng ngày nay đối với con người lại thực hơn là thế giới thực. Nhưng điều quan trọng phải nhớ là thế giới trên mạng ấy không có thực.
Tôi không vẽ chân dung tự họa để chỉ nói về mình, tôi dùng chính thân thể mình để phá vỡ những chướng ngại đang định nghĩa chúng ta một cách quá đơn giản. Trong tất cả những tranh tôi đã vẽ, điều chân thật nhất là cái đứa trẻ trong tranh – có gì đó quá thuần khiết và thông minh, không bị mạng xã hội chạm đến…
Tôi yêu thích kinh nghiệm. Triển lãm này là bài học lớn đối với tôi vì đây là lần đầu tiên tôi trưng bày tranh. Khi bạn phải làm việc với thời hạn chót hết sức nghiêm ngặt, nó thôi thúc bạn phải tiếp thu các bài học và cách mà bạn tự quản lý chính mình. Và tôi yêu tranh đến mức đối với tôi chúng không là tác phẩm nữa mà tôi chỉ thưởng ngoạn chúng.
Sắp tới cô sẽ vẽ gì?
Tôi muốn vẽ nhiều hơn không chỉ là những chân dung một người đơn giản, tôi muốn vẽ những bức tranh khổ lớn với thật nhiều người, muốn trải nghiệm với những hậu cảnh trong tranh. Tôi đã có đôi ba ý tưởng khác nhau về một số xê-ri tranh tôi thích vẽ. Tôi đang học hỏi và tôi muốn học ngày càng tốt hơn nữa. Tôi nghĩ đó là thái độ đúng đắn nhất phải có, bởi đó là cách giữ cho công việc của mình tiến triển.
(1) Edward Hopper (1882-1967): họa sĩ Mỹ chuyên vẽ tranh hiện thực, bậc thầy về sử dụng chất liệu sơn dầu nhưng ông còn sáng tác bằng màu nước và tranh in khắc. Hopper thường vẽ phong cảnh nước Mỹ và cuộc sống trong xã hội Mỹ hiện đại.
(2) John Currin (sinh năm 1962): họa sĩ Mỹ sống và vẽ ở New York, nổi tiếng với tranh chân dung trào phúng gắn với các chủ đề xã hội và tính dục
(3) Eric Fischl (sinh năm 1948): họa sĩ, nhà điêu khắc và nhà làm phim người Mỹ, có tác phẩm trưng bày ở nhiều bảo tàng khắp thế giới, tranh của ông thường thể hiện phần tối trong cuộc sống xã hội và tính dục ở Hoa Kỳ
- Lê Bản