Cú đổ dốc 17,32 điểm trong phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ (4-5) khiến cho VN-Index có một tuần giảm điểm, dù trong tuần từ 4 đến 9-5 thị trường có ba phiên tăng điểm. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 7,89 điểm, lùi về 554,51 điểm, còn HNX-Index cũng mất đi 2,46 điểm, chỉ còn 80,29 điểm. Thanh khoản thị trường thấp, giới đầu tư trong nước đang rất thận trọng dù khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng. Dưới áp lực từ những thông tin tiêu cực như tình hình Biển Đông, tỷ giá điều chỉnh và giá xăng tăng, giá của nhiều cổ phiếu trên thị trường giảm mạnh. Cũng may là sự rút lui của dòng tiền chỉ đến với một số nhóm cổ phiếu chứ không lan ra toàn thị trường. Áp lực bán tháo diễn ra mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu đầu cơ khi hàng loạt các cổ phiếu thuộc loại “nóng” trước đây đều giảm sâu nhiều phiên liên tiếp và chỉ ngưng được đà giảm trong phiên cuối tuần do trước đó đã bị bán quá mức.
Không thể phủ nhận đóng góp tích cực của khối ngoại trong tuần giao dịch vừa qua. Nếu không có hoạt động mua ròng bền bỉ của khối này, đặc biệt trong phiên đầu tuần (4-5), thị trường hoàn toàn có thể trở nên hoảng loạn. Động thái mua ròng của khối ngoại không chỉ tác động tích cực lên chỉ số mà còn giúp giảm bớt tâm lý bi quan của giới đầu tư trong nước. Phiên mua ròng mạnh nhất của khối ngoại chính là phiên 4-5, khi nhiều nhà đầu tư trong nước rút khỏi thị trường. Giá trị phiên mua ròng này lên tới 213 tỉ đồng, chiếm hơn 41% giá trị mua ròng của họ trong tuần. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng hơn 576 tỉ đồng trên cả hai sàn, tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và các mã bluechip.
Điều đáng lưu ý là khối ngoại đã mua ròng bất chấp việc tỷ giá VND/USD được điều chỉnh 1% khiến cho tổng tài sản của họ giảm đi khoảng 2.600 tỉ đồng. Từ khi thông tin điều chỉnh tỷ giá được công bố (ngày 7-5), khối ngoại vẫn duy trì việc mua ròng. Việc khối ngoại liên tiếp giải ngân kể từ ngày 9-4 đến nay chứng tỏ họ tạm bỏ qua vấn đề tỷ giá để hướng đến những yếu tố khác khi ra quyết định mua ròng trong giai đoạn hiện nay. Các yếu tố đó có thể là đón đầu khả năng tăng trưởng của thị trường và nhận định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ta vẫn đang rẻ một cách tương đối so với một số nước trong khu vực. Ngoài ra, có thể việc tỷ giá được điều chỉnh đã nằm trong dự báo của giới phân tích trên thị trường tài chính, nên không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của khối ngoại khi thông tin được công bố. Hoạt động mua bán của các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến và kỳ vọng về thị trường của họ.
Dù vậy, trong tương lai, diễn biến của tỷ giá vẫn có ảnh hưởng đến hoạt động của khối ngoại. Khi các đồng tiền khác đều mất giá so với USD và đồng USD vẫn còn khả năng tăng giá nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, trong bối cảnh tình trạng nhập siêu của nước ta những tháng tới vẫn tiếp diễn, thì rủi ro về tỷ giá vẫn hiện diện. Một khi những tác động tiêu cực xảy ra, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bịảnh hưởng. Trên thực tế, trong nửa đầu năm nay, biến động khó lường từ sự tăng giá của USD và việc đồng euro giảm mạnh giá trị cũng khiến dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán nước ta giảm đi đáng kể, chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Giá dầu thế giới tiếp tục là một nhân tố đáng lưu ý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam, do những mã dầu khí như GAS, PVD, PVS… vẫn góp những điểm số quan trọng cho hai chỉ số chính. Trong giai đoạn vừa qua, khi giá dầu thế giới hồi phục từ mức 53 USD/thùng đến 70 USD/thùng, nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán cũng tăng rất mạnh. Hiện giá dầu thế giới đã điều chỉnh giảm và nhiều khả năng còn giảm mạnh trong thời gian tới. Một khi giá dầu trở lại xu hướng giảm, tiếp cận vùng giá 45 USD/thùng (mức thấp nhất của năm 2014), nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ lại có đợt điều chỉnh sâu. Nghĩa là khi ấy, thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua những biến động. Chính vì những phân tích kể trên, nhiều nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán đang rất thận trọng. Rụt rè giải ngân, rụt rè nắm giữ cổ phiếu, nhanh chóng chốt lời… đó là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư trong nước. Mà điều này không thể giúp thị trường chứng khoán nhanh chóng hồi phục.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (11-5), sau khoảng thời gian buổi sáng giằng co với sự chiếm ưu thế của sắc xanh, đến buổi chiều thì các lệnh bán giá thấp bắt đầu chiếm ưu thế, màu đỏ dần vượt trội. Với 126 mã giảm và 79 mã tăng giá, VN-Index giảm nhẹ 2,84 điểm, về mốc 551,67 điểm. Thanh khoản không cao, giá trị giao dịch chỉ 1.603,524 tỉ đồng. Với tình hình này, thị trường chứng khoán chưa thể lạc quan trong thời gian tới.
Thành Huân (DNSGCT)