Cứ năm người lao động nhập cư trên thế giới thì có một người đang làm việc ở châu Âu. Theo một báo cáo mới nhất của Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp (IFAD), số lao động nhập cư tại châu lục này đã lên tới con số 50 triệu người và trong năm 2014 vừa qua, họ đã gửi về quê nhà một khoản tiền khổng lồ là 109,4 tỉ USD. Ông Kanayo F. Nwanze, Chủ tịch IFAD, cho rằng khoản tiền cực nhọc của họ cần được chuyển về nhà một cách dễ dàng và ít tốn kém để giúp gia đình họ xây dựng một tương lai sáng sủa hơn, đặc biệt tại những cộng đồng dân cư nghèo khổ ở nông thôn. Theo ước tính của IFAD, trong số tiền gần 110 tỉ USD kể trên, khoảng một phần ba (36,5 tỉ USD) còn được giữ lại 19 nước châu Âu, hai phần ba (72,9 tỉ USD) đến với những gia đình nghèo ở hơn 50 nước đang phát triển bên ngoài châu Âu. Phần lớn tiền do người lao động nhập cư gửi về được chi xài cho nhu yếu phẩm như thực phẩm, quần áo, chỗ ở, y tế và giáo dục. Tuy nhiên, cũng có khoảng 20% được dành để tiết kiệm, đầu tư hay thanh toán những khoản nợ nhỏ. Khoảng 40% tiền gửi về chảy sang khu vực nông thôn, giúp chuyển hóa đời sống những cộng đồng dân cư đang có nguy cơ cao. Ước tính những khoản tiền này nhiều gấp ba lần khoản viện trợ phát triển chính thức dành cho các nước đang phát triển. Liên bang Nga và 26 nước Tây Âu là nguồn tiền chính người lao động nhập cư nhận được và gửi về nhà, trong đó sáu nước hàng đầu chiếm đến 75% dòng tiền, gồm: Liên bang Nga (20,6 tỉ USD), Anh (17,1 tỉ USD), Đức (14 tỉ USD), Pháp (10,5 tỉ USD), Ý (10,4 tỉ USD) và Tây Ban Nha (9,6 tỉ USD).
Bản báo cáo của IFAD được công bố vào thời điểm châu Âu đang bị chỉ trích nặng nề về chính sách đối với người nhập cư, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn ở Syria. Trong hai thập niên qua, đã có gần 20 ngàn người di cư tử nạn trên biển Địa Trung Hải và con số này ngày càng lớn hơn. Mặt khác, gần 110 tỉ USD do người lao động nhập cư ở châu Âu gửi về nước vẫn chưa được sử dụng đúng với tiềm năng phát triển của nó. Vì thế, lời kêu gọi của ông chủ tịch IFAD F. Nwanze có một trọng lượng nhất định, giúp tạo nên mối ràng buộc tương hỗ giữa người lao động nhập cư gửi tiền về nước, người nhận được tiền và hệ thống tài chính tại mỗi nước để dòng tiền gửi về có tác dụng lâu dài và góp phần vào việc cải thiện đời sống của người nghèo. Trong những năm vừa qua, đã có sự tiến bộ trong việc giảm phí chuyển tiền bằng cách tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị làm dịch vụ này. Nếu phí này hạ còn 5% như mục tiêu mà hội nghị G20 đã đặt ra từ năm 2009 thì người lao động nhập cư và thân nhân của họ sẽ dành dụm được thêm 2,5 tỉ USD mỗi năm.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)