Trang mạng Statfor trong một bài viết vào trung tuần tháng 7 đã cho rằng Tổng thống Nga Vladimia Putin đang đứng giữa ngã ba đường. Các cuộc khủng hoảng và những trách nhiệm mà Nga phải đối mặt đã rơi vào tình trạng bấp bênh. Tình trạng suy thoái kinh tế của Nga tiếp tục kéo dài bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng với giá dầu mỏ ảm đạm, lạm phát đã tăng vọt, tiền lương sụt giảm và tỷ lệ nghèo đang gia tăng.
Các chiến dịch quân sự có giới hạn ở miền Đông Ukraina và Syria đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, tạo điều kiện cho chính phủ Nga duy trì sự ủng hộ của người dân. Trong phần lớn hơn 16 năm cầm quyền của mình, Tổng thống Nga Putin vẫn là người chủ trương ôn hòa, theo các tiêu chuẩn của Nga. Ông không đứng ở phe theo xu hướng cải cách tự do cấp tiến, cũng không nằm trong số những kẻ hiếu chiến cực đoan về an ninh mà nằm ở giữa các chính sách chọn lọc kỹ lưỡng từ mỗi bên cho phù hợp với tình hình.
Trong những năm qua, Putin đã sử dụng một loạt chiến lược bao trùm toàn bộ nền chính trị, sắp tới, cách tiếp cận theo chủ trương ôn hòa này sẽ không còn hiệu quả nữa. Các phe phái bị phân cực trong Điện Kremlin và trong số dân chúng Nga, đang thúc giục nhà lãnh đạo Nga thay đổi chiến thuật.
Trong dân chúng, các ý kiến bị chia thành hai phần ngang bằng nhau. Các cuộc thăm dò ý kiến mấy tháng trước đây từ Trung tâm Levada cho thấy sự bất đồng về kiểu hệ thống kinh tế mà Moscow nên thực hiện. Trong khi 52% người Nga tham gia khảo sát ủng hộ một nền kinh tế do chính phủ kiểm soát, thì có 26% ủng hộ một nền kinh tế kiểu phương Tây và 22% lựa chọn giữ nguyên mô hình kinh tế hiện tại. Và mặc dù tình trạng suy thoái là mối quan ngại hàng đầu của người dân Nga, nhưng 75% ủng hộ chính phủ chống lại sự nhượng bộ về vấn đề Ukraina. Dù khát vọng giải cứu nền kinh tế của đất nước mạnh mẽ thế nào chăng nữa, người dân Nga có vẻ vẫn không sẵn sàng hy sinh chính sách đối ngoại cho điều này. Thế nhưng, đòi hỏi của người dân phải có sự thay đổi về kinh tế hiện đang tăng lên: số lượng các cuộc phản kháng về kinh tế đã tăng thêm 40% trong năm 2015.
Người dân Nga vốn đã cảm nhận được ảnh hưởng của tình trạng suy thoái. Nhưng chi tiêu xã hội ngày càng tăng nhằm xoa dịu những ảnh hưởng của nó sẽ để lại ít tiền bạc hơn cho các khu vực khác. Nhằm hạn chế tình trạng bất ổn, Điện Kremlin đang tập hợp sựủng hộ trên khắp cả nước cho chiến dịch quân sựở nước ngoài của họ. Nhưng sự phô trương sức mạnh quân sự của Nga đang kéo căng các mối quan hệ của họ với phương Tây và hạn chế đầu tư nước ngoài vào Nga.
Mặc dù Nga có thể thoát ra khỏi thời kỳ suy thoái kinh tế trong một vài năm tới, nhưng sự khan hiếm đầu tư nước ngoài ngày nay trong tương lai sẽ làm trì hoãn các dự án lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ. Cuối cùng, điều này sẽ khiến sản lượng dầu mỏ giảm sút.
Những người đề xướng cải cách tự do chủ trương giảm bớt các chiến dịch quân sự ở nước ngoài và nhượng bộ về vấn đề Syria cũng như Ukraina nhằm cải thiện quan hệ với phương Tây và một lần nữa tiếp thêm sinh lực cho đầu tưở Nga.
Mặt khác, khi NATO tăng cường quân ở các vùng biên giới của Nga, Moscow cần phải triển khai một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ thì điều này gây ra một vấn đề cấp bách khác. Đó là quân đội Nga rất cần được hiện đại hóa mà nếu Điện Kremlin không đầu tư lúc này thì trong dài hạn, quân đội sẽ tụt hậu so với các nước có tốc độ phát triển tương đương.
Nhưng Điện Kremlin sẽ cấp vốn cho sự biến đổi này như thế nào: bằng tiền lấy từ ngân sách chi tiêu xã hội vốn đã ít ỏi, hay bằng cách tạm hoãn đầu tư năng lượng?
V.Đ (DNSGCT)