Với tên gọi “Giấc mơ của tôi”, triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 8-9 đến 18-9-2016), giới thiệu gần 70 tác phẩm, có những bức kích thước rất lớn, được nữ họa sĩ vẽ trong nhiều năm, kể từ ngày rời mái trường đại học mỹ thuật cách nay đã hơn hai thập niên.
Nguyễn Đạm Thủy là một gương mặt quen thuộc với những ai quan tâm đến hội họa ở vùng đất Sài Gòn hôm nay. Vẽ rất nhiều những năm gần đây, cô đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tác giả, trong cũng như ngoài nước. Triển lãm cá nhân đầu tiên của Đạm Thủy diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1995, khi đó cô mới tốt nghiệp đại học mỹ thuật chưa lâu. Đó là một phòng tranh với những tác phẩm đầu tay thể hiện nét duyên nữ tính và thầm lặng nhưng vẫn ánh lên những khao khát và ước mơ được bay cao, bay xa hơn của một cô gái mới đi những bước còn rụt rè vào thế giới mênh mông của nghệ thuật. Những năm đã xa ấy, trong căn nhà nhỏ của Đạm Thủy trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ ở quận 3 đã treo rất nhiều tranh, cho thấy nữ họa sĩ đang nỗ lực tìm kiếm cái tôi nghệ thuật của mình.
Nhiều bức trong triển lãm mới nhất của Đạm Thủy tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã được trưng bày tại các triển lãm nhóm tác giả vài năm trở lại đây. Một số bức không chỉ có chất lượng tạo hình và bảng màu đặc sắc mà còn thể hiện thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến người xem. Điển hình là tranh sơn dầu khổ rất lớn (200 x 600cm) có tên Ước mơ của tôi chiếm trọn mảng tường của một phòng triển lãm cũng trong năm nay, được cô vẽ với hai gương mặt người nữ nhìn về hai hướng khác nhau nhưng cả hai cùng là một thế giới của hoan ca và tràn ngập niềm vui sống, như cô mô tả: “Từ trung tâm của bức tranh có thể vẽ nối dài ra hai bên như thể ước mơ về một đất nước thanh bình và hạnh phúc được tiếp nối mãi mãi trong tương lai. Ước mơ ấy bay cao theo cánh diều và từng bước chân sáo của những đứa bé vui đùa trên đất liền cũng như trên chiếc xuồng nhỏ thong dong dạo chơi trên bờ biển quê hương, cùng với hình ảnh chim bồ câu – một biểu tượng hòa bình kết nối Việt Nam và thế giới”. Đạm Thủy còn bày tỏ cảm xúc khi vẽ tác phẩm này: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi phác họa ước mơ của mình bằng màu sắc, những mảng màu sáng tối, những đường nét bay lượn, những nhát cọ lúc dày lúc mỏng thể hiện những ý tưởng vút qua trong đầu với sự rung động và khát khao của một người nghệ sĩ dành cho các thế hệ tương lai”.
Còn nhiều tác phẩm khác của Đạm Thủy cũng được vẽ từ những giấc mơ của cô. Giống như những giấc mơ, nghệ thuật vừa thật vừa không thật và cả hai đều là những thách thức đối với cách nhìn hiện thực có khi nhàm chán. Tranh của cô thật khó để xác định về phong cách tạo hình. Nữ họa sĩ cũng không muốn đóng khung mình trong bất kỳ trào lưu, trường phái hội họa nào: “Tôi vẽ theo cách cảm nhận riêng của mình về thế giới chung quanh, khi vẽ tôi không ép mình vào một phong cách nào nên tranh tôi luôn thay đổi theo thời gian và theo những gì mình đã trải nghiệm”. Có những bức gần gũi với biểu hình, có những bức lại mang hơi thở trừu tượng và “đôi khi mang tính siêu thực” như tự sự của cô về tác phẩm Những người phụ nữ thầm lặng: “Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, tuổi thơ của tôi vất vả như bao đứa trẻ ở thôn quê. Tôi yêu và thương lắm những người phụ nữ miền quê tôi. Tôi muốn vẽ giấc mơ của tôi và của những người phụ nữ nghèo ở quê. Những giấc mơ của tôi đôi khi mang tính siêu thực”.
Tranh của Đạm Thủy gần đây còn thể hiện những xác tín mà cô chiêm nghiệm khi học kinh Phật, chẳng hạn như bức Hành trình tâm linh cũng là tranh sơn dầu khổ rất lớn (200 x 480cm) được sáng tác với “niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả” như cô diễn đạt: “Chúng ta đều hiểu rằng sớm hay muộn con người rồi sẽ cũng như một làn gió bay đi. Nhưng không biến mất mà trở lại với một hình hài mới ở một nơi xa xôi nào đó… Tôi hiểu được quy luật này nhờ học Phật pháp, là một người tin sâu sắc vào luật nhân quả nên tôi chọn cho mình một cuộc sống chậm và sự yên tĩnh để chiêm nghiệm cuộc sống và niềm tin của mình”. Nữ họa sĩ rất tích cực trong các hoạt động mỹ thuật Phật giáo qua các triển lãm cùng nhiều đồng nghiệp với mục đích từ thiện tại chùa Phổ Quang (TP. Hồ Chí Minh); đặc biệt là cuộc triển lãm chung tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), nơi diễn ra Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam vào tháng 5-2014. Gần đây nhất là triển lãm “Phật giáo và môi trường” cũng tại chùa Phổ Quang nhân mùa Phật đản 2056 (tháng 4-2016). Với riêng Đạm Thủy, chủ đề môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên đã được cô ấp ủ từ lâu và vẽ rất nhiều tranh trong thời gian gần đây trong một dự án nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO đồng ý tài trợ.
Trong một bức thư gửi cho em trai Théo, Vincent van Gogh viết rằng: “Anh mơ về những bức tranh của mình và anh vẽ những giấc mơ ấy”. Lời của nhà danh họa Hà Lan xem ra rất thích hợp để nói về phòng tranh “Giấc mơ của tôi”.
- Diên Vỹ