Ở quê, người ta quý trái ô môi hơn bông ô môi vì trái ăn được. Đã tưởng người đời lãng quên bông ô môi rồi, không ngờ một hôm nghe bài hát Bông ô môi, tôi mới hay đã có nghệ sĩ viết về bông ô môi, khiến những ai xa quê như tôi càng thêm nhớ về loài hoa này mỗi độ xuân về.
Ô môi không có được danh tiếng như anh đào của Nhật, dù khi nở thì hoa cũng đầy cành, cũng rực rỡ và đượm thắm. Có lẽ ô môi sinh ra ở miền quê nên nở và tàn cũng nhẹ nhàng như những loài hoa dại khác. Ô môi dành vẻ đẹp cho làng quê, vườn tược, sông hồ và rừng rậm như người con gái quê dành tình yêu chất phác cho anh trai làng.
Nếu hoa anh đào đẹp có vẻ đẹp được tôn vinh như một cô gái đăng quang trong kỳ thi hoa hậu thì hoa ô môi đẹp như cô gái quê không thích đua đòi. Cây ô môi mọc lên từ hột rơi rụng, tự nứt mình vươn lên ở bờ ao, bờ sông, liếp vườn hay ở lối mòn trên con đường làng, ở ven rừng chứ ít khi mọc thành từng hàng như anh đào ở bên Nhật. Dù mọc lẻ loi như vậy, qua nhiều năm, ô môi vẫn trở thành cổ thụ. Cổ thụ mà trổ bông rực rỡ cả một vùng mới là điều lạ.
Qua nhiều năm nhỏ bé không được ai để ý đến, một ngày, khi đã lên năm, lên bảy, ô môi bắt đầu trổ vài ba chùm bông trên nhánh như khoe với đời rằng tôi đã lớn. Rồi hết xuân sang hạ, khi tàn lứa, hoa ô môi kết thành từng trái dài như thanh kiếm để con nít có thể bẻ xuống để chơi trò đánh trận. Kiếm gãy không bị vứt đi, mà để… ăn!
- Xem thêm: Bóng lưng đã khuất
Hai đứa trẻ xùm-xình-bao xem khi trẹo trái ô môi ra, đứa nào lấy được bên một sừng, đứa nào lấy được bên hai sừng. Hột ô môi được giữ lại, cho vào ly nước để mềm xuống, nở ra rồi… ăn tiếp! Ngày xưa, ở quê đâu có nhiều đồ ăn ngon lành như bây giờ nên đến mùa ô môi chín là mọi người lại được dịp thưởng thức món trái cây cứng ngắc, dễ rụng răng này và khi ăn thì miệng ai cũng tím xì!
Ô môi sống nhiều năm như mù u, như còng, như để ghi lại dấu ấn thời gian và kỷ niệm, để rồi cuối mùa gió bấc, khi tết về lại bung nụ, sắc hoa đỏ thắm cành như gợi nhớ lại bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ, của tuổi thanh xuân.
- Xem thêm: Nghe tiếng kêu… bìm bịp!
Ô môi đứng ở đầu đường, gắn hoa đầy cành như nụ cười hớn hở của người thân chờ đợi và đợi chờ suốt cả một mùa xuân sắc mới chịu lụi tàn. Ai đó bận bịu không về được thì đành chịu, nhưng ô môi vẫn chờ. Ai đó có quên thì đành mang tiếng vô tâm, nhưng ô môi vẫn đợi, đợi cho đến khi hoa rụng rồi kết trái để tạo thành chút ngon ngọt dành cho người quê.
Mong sao khi những nỗi lo đời thường vơi bớt, sẽ có nhiều người vì yêu vẻ đẹp của bông ô môi và biết giá trị của sự chờ đợi mà trồng ô môi thành hàng, thành vạt, thành rừng. Khi lớn lên và thành cổ thụ, ô môi sẽ cho những mùa bông hoa đỏ rực rỡ cả một con đường hay cháy hồng lên một vạt bên rừng để cho những ai yêu sắc màu ô môi được sung sướng đắm mình trong khung cảnh tuyệt vời ấy trong những ngày xuân rồi mặc sức rượt đuổi nhau dưới tán hoa, thậm chí trèo lên cây để hái những thanh kiếm đen để mà quay về với trò đánh trận giả ngày nào…