Đã nói đến làng quê, ngoài cây đa, bến nước, sân đình, không thể không nhắc đến ao làng. Ao làng từ xa xưa đã trở thành biểu tượng của làng quê, là nơi người làng đến gánh nước về đổ vào bể rồi đánh phèn cho trong mới có nước ăn, là nơi mà người lớn, con trẻ mỗi chiều hè lại ra lặn ngụp cho mát.
Ao làng còn để nuôi cá, cung cấp thức ăn cho người làng, là lá phổi khổng lồ để làm dịu mát cái không khí oi nồng của mùa hè, là nơi hứng nước đổ về mùa mưa. Ngày xưa, khi tôm cá còn nhiều, mỗi trận mưa rào ập xuống là chúng tôi đội mưa kéo nhau ra các góc ao, nơi hàng đàn cá rô đang rạch mình ngoi lên. Chúng tôi thi nhau chộp lấy những con cá rô vàng ươm hoặc đen bóng to bằng ba, bốn ngón tay người lớn, cho vào giỏ, đem về sẽ có nồi cá kho ngon lành cho cả nhà.
Nhiều ao làng rộng mấy hécta còn là nơi mà người làng tổ chức các cuộc đua thuyền, thi bơi, bắt vịt vào các dịp lễ hội. Đêm đêm, đi trên đường làng, nhìn đàn đom đóm bay lập lòe trên mặt ao làng mới thấy cuộc sống thật lãng mạn, bình yên.
Ao làng không chỉ đi vào cuộc sống thực tiễn ở thôn quê, gắn bó mật thiết với hàng triệu triệu người nông dân mà còn đi vào thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết với nhiều màu sắc thật trữ tình, lãng mạn. Ngay tôi, một nhà văn hay viết về nông thôn cũng chính nhờ ao làng mà đã viết được một truyện ngắn mang tên Ao làng trong vắt in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, được nhiều bạn đọc tán thưởng.
- Xem thêm: Bông ô môi
Làng quê nào chẳng có vài cái ao làng. Ao làng qua bao đời thật gần gũi, thân quen với người nông dân. Thế nhưng giờ đây, ao làng đang bị biến mất nhanh chóng theo cơn lốc đô thị hóa. Có đến hàng ngàn, thậm chí hàng vạn cái ao làng, nhất là những ao làng nằm ở ven đường làng đã bị lấp đi để xây nhà, dựng quán bán hàng. Những ngôi nhà mặt đường thò ra thụt vào không chỉ lấp đi ao làng mà còn làm cho con đường làng thành con ngõ nhỏ hun hút chứa đầy hiểm họa tai nạn giao thông do đám thanh niên choai choai, uống rượu say phóng như điên như dại.
Chính vì ao làng bị xóa sổ nhanh chóng và ào ạt nên việc mà người thành phố hay mơ tưởng “Về quê cho không khí trong lành, mát mát” đã dần thành chuyện cổ tích. Ao làng bị lấp nên vào mùa hè, không khí làng quê nóng bức đến ngột ngạt, đã vậy, ở làng quê mất điện là chuyện cơm bữa. Nhiều người ở thành phố về quê đến đêm phải lên thị xã thuê khách sạn, nhà nghỉ để ngủ!
Cũng vì ao làng bị lấp, không có chỗ thoát nước nên bây giờ hễ mưa là đường làng hay bị ngập. Nước thải sinh hoạt, nước thải làm bún từ mấy hộ chuyên sản xuất tràn ra cả đường làng, đọng thành từng vũng, bốc mùi, đánh bạt mọi thứ hương quê.
- Xem thêm: Mái nhà năm xưa
Ao làng đã và đang nhanh chóng biến mất. Đáng buồn thay khi nghe người ta bắt chước thơ cụ Nguyễn Khuyến, “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo / Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” để làm thơ hiện đại là: Ao thu biến mất, làng nghèo văn hóa / Một con đường nhỏ bé tẻo teo…