Tuy cả hai nước đều nhắc đi nhắc lại rằng ý định của mình là hòa bình và đặt niềm hy vọng vào một giải pháp êm dịu, nhưng cùng lúc lại khuấy động ngọn lửa xung đột trong bối cảnh Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn còn Trung Quốc đáp lại bằng hành động quá khích. Gần đây nhất là các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra dữ dội tại 85 thành phố trên khắp Trung Quốc với nhiều khẩu hiệu mang nội dung quá khích, những hành động bạo lực đã xảy ra như tấn công người và đập phá các cơ sở kinh doanh của người Nhật. Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế Nhật Bản.
Người Trung Quốc cắm cờ trên đảo Điếu Ngư
Về phía Nhật Bản đã tuyên bố hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc và tham gia hoạt động kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Nhật – Trung của Đoàn các nghị sĩ dự tính bắt đầu từ 26-9. Thủ tướng Yoshihiko Noda cho thành lập Nhóm công tác đặc biệt để xử lý khủng hoảng. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp Nhật bắt đầu cân nhắc việc rút khỏi Trung Quốc vì lo ngại về an ninh.
Ðiếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc và Ðài Loan, Senkaku theo tên gọi của Nhật là một nhóm đảo nhỏ trong vùng biển Hoa Ðông, cách xa Ðài Loan khoảng 120 hải lý, cách Okinawa của Nhật 200 hải lý và cách lục địa Trung Quốc 200 hải lý.
Quần đảo gồm năm đảo và ba bãi đá trơ trụi, tất cả đều không có cư dân thường trú, với tên gọi theo tiếng Nhật và Trung Quốc lần lượt là: Uotsuri/Điếu Ngư, Kita Kojima/Bắc tiểu đảo, Minami Kojima/Nam tiểu đảo, Kuba/Hoàng Vĩ, Taishō Jima/Xích Vĩ, Okino Kitaiwa/Đại Bắc tiểu đảo, Okino Minamiiwa/Đại Nam tiểu đảo, Tobise/Phi Tiều nham.
Đảo lớn nhất Uotsuri/Điếu Ngư chỉ rộng 4,32km². Cả tên nhóm đảo Điếu Ngư của Trung Quốc lẫn tên tiếng Nhật Uotsuri của đảo chính đều có nghĩa là “câu cá”.
Việc tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước mà đương nhiên mỗi nước đều bênh vực quan điểm của mình.