Mùa xuân đang đến là tên một tác phẩm của họa sĩ Ngô Đồng, thể hiện chân dung một cô gái xinh đẹp với đôi mắt biết nói, mái tóc được trùm kín trong chiếc khăn xanh màu đại dương bên khung cửa kính một ngày mưa. Nhân vật trong tranh có nguyên mẫu ngoài đời thực, giống như hầu hết – đúng hơn là toàn bộ những gì được Ngô Đồng đưa vào tranh trong hơn mười năm qua.
Tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 – năm 2000, họa sĩ Ngô Đồng được tặng huy chương bạc với bức tranh Trong lòng thành phố, vẽ khung cảnh đô thị mở ra với cô thiếu nữ quần jeans áo pull, cưỡi xe đạp thể thao khỏe mạnh. Như anh tự sự trên mạng xã hội Facebook mà anh là một tín đồ nhiệt thành: “Sau bức này, mình mới thấy rõ con đường của mình cho đến nay”. Con đường đó, Ngô Đồng đã miệt mài và có khi thầm lặng làm kẻ lữ hành không mệt mỏi suốt những năm qua: vẽ và chỉ vẽ cuộc sống cùng những chân dung con người đương thời, những người đang cùng tác giả hít thở một bầu không khí, cùng sống trong một xã hội của những biến động không ngừng với bao niềm vui và nỗi lo.
Thập niên 1980, Ngô Đồng được biết đến như một họa sĩ chép tranh “cứng cựa” nhất ở Sài Gòn, công việc đó đã mang lại cho anh một cuộc sống dễ chịu nhưng cũng ít nhiều ngăn trở anh với tư cách một nghệ sĩ sáng tác. Thế rồi khi thị trường tranh chép trở nên hỗn độn, tranh chép lẫn lộn với tranh giả, tranh nhái cũng là lúc Ngô Đồng đoạn tuyệt với “nghề” để chuyên tâm sáng tác. Tranh Ngô Đồng lần lượt được giải thưởng trong nhiều triển lãm thành phố, khu vực và cả nước, đánh dấu những nỗ lực không ngừng của tác giả trên hành trình tìm lại “bản lai diện mục”. Và anh đã chọn hướng đi riêng cho mình, hợp với cái tạng của anh, đó là “chỉ nhìn thấy cái vẻ đẹp giản dị đời thường và rất thích vẽ những gì gần gũi quanh mình. Cũng có người khuyên thật lòng là hãy làm cái gì đấy khác thường, bay bổng hơn nữa. Nhưng thứ nhất là những thứ khác thường trong mình hình như cũng không nhiều lắm. Thứ hai là nếu ai cũng bay bay lượn lượn thì những cái giản dị đời thường ai vẽ nhỉ, mà nó cũng đẹp đấy chứ!”. Anh muốn làm “con ong bền bỉ đi hút mật của đời sống thật thà”, và dù “chẳng thể làm được cái gì tiên phong dữ dội nhưng khi nào còn cuộc sống sinh động mỗi ngày, thì mình còn có vô vàn thứ để vẽ”.
Trong cuộc sống sinh động hằng ngày đó, Ngô Đồng trước hết là một kẻ quan sát chăm chỉ, hầu như không bỏ sót những cảnh và người đang đi lại, làm việc, sinh hoạt, vui chơi, nô đùa… mà anh được tận mắt chứng kiến, ghi nhận. Thật thú vị khi nghe anh kể về quá trình vẽ một bức tranh mà đề tài là một… cây xăng: “Hồi ấy mình ở số 111 Pasteur, bên cạnh là cửa hàng Áo dài Liên Hương, nơi mà phần lớn những người đẹp nhất Việt Nam và đẹp nhất Sài Gòn có mặt ở đó. Bên kia đường là một cây xăng, không hiểu sao mà người trẻ người đẹp ghé đây đổ xăng rất nhiều. Mình có cái máy ảnh “thò ra thụt vào” được nên tranh thủ đứng bên này chụp qua. Riêng cây xăng này mình cũng đã có cả trăm tấm ảnh đủ các dáng đẹp của đời thường”. Bức Sài Gòn – cây xăng ra đời từ đó, với hình ảnh tả thực một đám đông các cô gái Sài Gòn đang chờ đổ xăng. Bức tranh được vẽ từ thời còn chưa có quy định bắt buộc người đi xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm và “chưa có nhiều loại xe đời mới như bây giờ”, thế nhưng với anh thì “thời nào người Sài Gòn, con gái Sài Gòn cũng đẹp đẽ và đáng yêu như thế. Họ luôn là nguồn cảm xúc vô tận cho những người như mình”. Ngô Đồng còn muốn vẽ một loạt tranh về “cái gì đó rất Sài Gòn”, vì theo anh “ở Việt Nam chưa nơi nào làm cho mình cảm thấy yêu thích và gắn bó hơn đất Sài Gòn này cả. Thành phố này có một cái gì đấy hết sức sinh động và đáng yêu, nhất là con người và cách sống Sài Gòn. Mình nghĩ là mình sẽ làm được”.
Và như thế, đã có nhiều thiếu nữ cũng như khung cảnh Sài Gòn hôm nay đi vào tranh Ngô Đồng như một nguồn cảm hứng thật tự nhiên. Đó là bức Sài Gòn – nữ sinh, được anh vẽ vào khoảng năm 2008 nhưng hình ảnh các cô đã được tác giả ghi lại bằng máy ảnh từ nhiều năm trước: “Các cô nữ sinh Trường Marie Curie này bây giờ đã là những phụ nữ trưởng thành, có lúc nào bất chợt nhìn lại, liệu họ có tìm thấy mình trong những hình ảnh trong trẻo và nghịch ngợm này không nhỉ”. Là bức Sài Gòn – nghệ sĩ trẻ được anh vẽ khi đến đường hoa Nguyễn Huệ vào một dịp tết, thấy các bạn trẻ ngồi chơi nhạc ở thương xá Tax trong không khí xung quanh ồn ào náo nhiệt để rồi anh “đã đi quanh họ, chụp những khoảnh khắc ấy của họ và rất thích cái nhẹ nhõm trẻ trung trong tâm hồn họ”.
Sự trẻ trung, tuổi thanh xuân, nét tươi mới luôn hiện diện trong tranh Ngô Đồng, như trong bức Mùa hè ở biển được anh vẽ khi dự một trại sáng tác ở Vũng Tàu. Vào những chiều thứ Bảy, Chủ nhật, người Sài Gòn và các địa phương khác đến tắm biển rất đông và dưới mắt anh họ đều… rất đẹp: “Họ tươi vui và đẹp đẽ như thế, không để họ bước vào tranh thì mời ai bây giờ nhỉ. Chẳng cần là ngôi sao hay anh hùng, họ chỉ đẹp thôi, vui thôi đã là quá đủ để chúng ta rung động, nâng niu, yêu quý họ”. Còn đây là chân dung một thiếu nữở miền Tây Nam bộ, được Ngô Đồng thể hiện trong tác phẩm Cái Bè – người bán trái cây: “Nguyên mẫu của bức này là một cô bạn bán trái cây ở trạm nghỉ của hãng xe Phương Trang ở Cái Bè. Cô bạn này rất xinh, trắng trẻo, duyên dáng, tuy buôn bán nhưng vẫn rất đằm thắm tính nết con gái miền Tây. Mình có gặp lại cô một lần khi đang vẽ bức tranh này. Gần đây trạm ấy sửa chữa, mình có ghé lại vài lần mà không còn thấy nữa, cũng bâng khuâng, bâng khuâng…”. Hay hai cô phóng viên ở miền sông nước Nam bộ đã bước vào tranh của anh: bức An Giang – phóng viên trẻ tác giả vẽ nữ phóng viên một đài truyền hình địa phương đến quay và đưa tin về trại sáng tác ở An Giang năm 2013 mà anh tham dự: “Rốt cuộc mình cũng không còn nhớ cô bạn này tên là gì và chắc bạn ấy cũng không ngờ đã trở thành một cô phóng viên trẻ trong tranh sơn dầu của mình”. Còn nguyên mẫu của bức Đồng Tháp – phóng viên trẻ là “cô Kim Ngân, phóng viên báo Đồng Tháp hay Văn Nghệ Đồng Tháp gì đó; mấy ngày bọn mình về Cao Lãnh đi thực tế, bạn ấy cũng thỉnh thoảng đi cùng hay hướng dẫn đoàn tham quan lấy tư liệu các nơi. Dáng của bạn ấy thanh thoát, đẹp, lúc thao tác máy thì nhanh nhẹn, trẻ trung…”.
Có thể kể nhiều hơn nữa những con người trong đời thực đã trở thành nhân vật trong tranh Ngô Đồng, đôi khi chỉ cần một thoáng gặp gỡ giữa anh và họ, một thoáng tình cờ nhưng để lại những rung động mỹ cảm, những bâng khuâng không tránh khỏi đối với người nghệ sĩ giàu có tâm hồn vì luôn say mê đời sống thật. Và suốt đời người nghệ sĩ ấy tìm cách để đưa những rung cảm có thực ấy vào tranh một cách chân thành, giản dị. Dịch giả nổi tiếng và cũng là họa sĩ Trịnh Lữ đã ca ngợi: “Tình yêu đời lạc quan, thái độ sống và hội họa tha thiết chân thực, và trải nghiệm của một thời mở hàng chép tranh đã làm nên một họa sĩ nhân dân đích thực”.
- Ngã Văn
Xem thêm:
Đặng Tiến với “Tôi và thời gian”
Chặng đường 20 năm hoạt động nghệ thuật của Dương Sen