Ngoài bốn mươi, anh bắt đầu khởi nghiệp. Cũng là bắt chước cách nói thời thượng của giới trẻ, chứ anh chỉ có mong ước nhỏ bé là làm cái nhà vườn, về hưu sớm, sẵn cái vườn hơi rộng nên làm dư ra vài phòng để đón khách du lịch – một hình thức homestay khá phổ biến hiện nay.
Chỉ mới trong giai đoạn lên kế hoạch, đầu tư xây dựng nhưng đã khá nhiêu khê, chẳng biết có khả thi với một người chuyên viết lách và thừa mơ mộng như anh không, nhưng lao đã phóng rồi. Kệ, vườn nhà, mình làm nhà mình ở, có mất đi đâu đâu. Nghĩ vậy rồi cứ theo lao mà chạy. Việc xây sửa chưa tới đâu nhưng đã phải nghĩ đến phục vụ khách thế nào, dẫn khách đi chơi những đâu, áp lực nhưng cũng đầy hào hứng.
Trong thời gian này, anh vẫn làm việc ở Sài Gòn nên hay đi về trên tuyến đường Sài Gòn – Cao Lãnh vào cuối tuần để chăm lo mọi việc. Quốc lộ 62 băng qua Đồng Tháp Mười luôn làm anh mê đắm. Tất nhiên, Đồng Tháp Mười bây giờ không giống như những hình dung của anh xưa khi đọc truyện ngắn của các tiền bối, cũng không giống như trong những bộ phim Cánh đồng hoang hay Mùa nước nổi của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến mà anh xem thời nhỏ.
Nhưng đâu đó trên cung đường này vẫn còn những hình ảnh nên thơ: vài vạt rừng tràm xanh, đường thơm ngát hương tràm, những cánh đồng vàng ruộm, xanh mướt hoặc mênh mông nước tùy theo nông vụ… Đặc biệt, những đàn cò bay chấp chới vẫn làm anh dừng xe, ngẩn người, lòng ngập tràn cảm xúc. Đây sẽ là điều mà anh muốn được “khoe” với mọi người dọc đường về với cái homestay của anh.
Cũng trên cung đường này, có một hình ảnh còn lưu giữ khá rõ không khí của Đất rừng phương Nam xưa nhưng anh muốn giấu. Vì anh đã dừng lại một lần để tham quan và thấy có điều gì đó không ổn. Đó là cái chợ chim trời nằm dọc quốc lộ 62, Thạnh Hóa, Long An. Được xem là chợ chim trời lớn nhất miền Tây, nơi đây tập trung một lượng lớn chim trời, từ phổ biến như cu, cò trắng, vịt trời, cúm núm cho đến quý hiếm như trích cồ, cổ rắn…
Chợ kéo dài cả nửa cây số dọc quốc lộ, bày la liệt sản vật miền Tây. Tất nhiên, ưu thế vẫn là chim trời các loại, còn sống thì nhốt trong lồng, úp trong bu; chết thì vặt lông, cột thành chùm treo ngược trên giàn, trông rất tội. Ngày xưa chim trời cá nước còn nhiều, đồng hoang và rừng rậm, việc khai thác thiên nhiên ít tác động đến sự mất cân bằng sinh thái.
Còn bây giờ… Biết đâu con cò lả cánh bay rập rờn trên cánh đồng chiều qua anh thấy chính là con cò đang hoảng hốt trong cái bu kia, hoặc tệ hơn đã bị hóa kiếp, trần trụi phơi mình trên giàn… Sẽ thế nào khi anh dẫn bạn bè đi Tràm Chim, Gáo Giồng để xem chim cò làm tổ, rồi lại vô tình tước đoạt niềm vui ấy bằng một điểm dừng ở cái chợ chim trời này?
Có lẽ, một lý do nữa cũng khiến cho cái chợ chim trở thành nỗi ám ảnh của anh, là vì tuổi thơ anh cũng gắn với đồng ruộng, chim cò. Sau nhà anh là một cánh đồng bát ngát. Hồi đó chưa chuyên canh cây lúa triệt để như bây giờ, vẫn còn những mảng sình lầy đầy cỏ năn. Năn lại là môi trường sinh sống lý tưởng của nhiều loại sếu, cò… Chim trời là bạn thuở chăn trâu của anh.
Gọi là bạn bởi vì hồi đó cò rất dạn người. Mặc kệ anh vắt vẻo trên lưng trâu, chúng vẫn sà xuống quẩn quanh, đậu cả trên đầu trâu để chờ cơ hội chộp vài con ruồi đang vo ve. Có những hôm, lần ra trảng cỏ mà đám cò bay lên, anh còn phát hiện được một vùng cỏ năn um tùm bị giẫm nát, tạo thành một ổ nhỏ như ổ rơm của gà nhưng xanh tươi màu cỏ năn. Gặp may còn thấy hai quả trứng xinh xinh bằng đầu ngón chân cái, trắng như thạch cao.
Hồi đó, anh chỉ quanh quẩn từ nhà lên trường, về nhà rồi lại leo lưng trâu nên cũng chẳng biết chung quanh có cái sân chim nào không, nhưng cứ sáng là thấy từng đàn bay qua, rồi chiều lại từng đàn bay ngược lại. Trong trí tưởng tượng anh nghĩ chúng cũng có “nhà”, như người, sáng đi kiếm ăn, chiều về nhà. Vùng anh chuyên trồng lúa và hoa màu (đậu phộng, thuốc lào…), anh chưa từng thấy ai ăn thịt cò.
Thỉnh thoảng mới có một ông lão đi bẫy chim. Ông có cái còi bằng tre hay gỗ, mỗi lần thổi phát ra âm thanh “tù huốc tù huốc” nghe như tiếng con chim cuốc kêu (dân xứ anh hay gọi là gà đồng, có màu đen, hay sống trong bụi bờ ven sông, bay và bơi lặn rất giỏi). Ông ngồi trên đầu xuồng ba lá, phía sau có cái bánh lái bằng gỗ, một tay khoan thai quạt nước một tay cầm còi, mắt tinh ý quan sát các bụi lau lách ven sông. Ông thổi một hồi rồi sẽ có tiếng kêu đáp lại, cứ nương theo tiếng kêu là ông tới đặt bẫy. Theo ông giải thích thì tiếng kêu ấy có tính khiêu chiến, làm cho đám chim từ trong các bụi ven sông tức khí mò tới. Ông đặt bẫy kiểu gì thì anh cũng chẳng biết, bởi ông luôn đuổi đám trẻ đi chỗ khác chơi, vì có người thì chim sẽ không ra.
Bây giờ, ở quê anh chim trời không còn nhiều như trước. Người ta đã san lấp, rửa phèn, khai hoang để trồng lúa. Một năm làm ba vụ thì chẳng có một vùng xanh nào đủ lâu và yên tĩnh để chim cò an tâm làm tổ. Cánh đồng quê anh ngày một vắng bóng chim. Chỉ riêng Đồng Tháp, An Giang, Long An còn sót lại ít nơi cho chim cò làm tổ, nhưng nếu không quản lý tốt thì chắc chúng cũng lần lượt bị đem ra chợ Thạnh Hóa dọc quốc lộ 62 mất thôi.
Mới đây, nghe đâu đó về chủ trương thành lập dự án nuôi cá tra 219ha tại khu Ramsar Láng Sen thuộc tỉnh Long An, anh lại dấy lên một nỗi lo. Khi đất dành cho người được mở rộng, đất dành cho chim cũng thu hẹp. Với anh, cánh chim trên đồng như biểu tượng của hồn quê, nếu mà vắng bóng, liệu hồn quê có còn?
- Ảnh Đình Thảo