Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, chúng ta chứng kiến nhiều người bị kết tội có những hành vi không đúng chuẩn mực hoặc đã sai trái điều gì đó.
Đối với hầu hết các trường hợp, phản ứng đầu tiên của họ thường là chối bỏ hoặc tranh cãi, nhưng một khi các bằng chứng xác thực tăng lên thì tình hình trở nên khó khăn hơn. Đó là lúc họ buộc phải xin lỗi công khai – chính thức thể hiện sự hối hận về hành động của mình và nhìn nhận rằng họ đã làm tổn thương người khác.
- Xem thêm: Nên xin lỗi khách hàng như thế nào?
Có lẽ hầu hết chúng ta sẽ không phải lâm vào những tình huống nghiêm trọng như thế, nhưng ai cũng đều có lúc làm những việc mà mình phải tiếc nuối dù vô tình hay cố ý và làm tổn thương người khác. Khi đó, chúng ta cần phải xin lỗi và chịu trách nhiệm cho những gì trót đã nói và làm.
Nhưng một lời xin lỗi thiếu chân thành, vụng về thật sự còn có hại hơn nữa. Vậy nên xin lỗi như thế nào cho đúng cách? Đầu tiên, hãy tìm hiểu những biểu hiện của “một lời xin lỗi sai cách”.
Trách cứ
Một trong những điều tệ hại nhất là trách cứ ai đó vì hành vi sai trái hay sự thiếu chuyên nghiệp của chính mình, đặc biệt là khi người bị trách lại là nạn nhân của mình.
Cố chứng minh rằng mình đúng
Khi cố bảo vệ hành vi của mình, cho rằng nó chính đáng và có thể áp dụng những tiêu chuẩn khác cho tình huống đặc biệt này hoặc cố đưa ra bất cứ lời bào chữa nào khác, thật ra bạn đang làm cho chính mình trông tệ hơn.
Cố hạ thấp vấn đề
Khi cố hạ thấp những hành động gây tổn hại, bạn đang gửi đi thông điệp rằng những ảnh hưởng gây ra từ hành vi của bạn đối với người khác là không hề quan trọng đối với bạn.
Biểu hiện này không chỉ bất kính với những người mà bạn đã gây tổn hại mà cả với mọi người xung quanh bạn, làm cho bạn có vẻ là “kẻ thao túng”.
- Xem thêm: Xin lỗi nhân viên cũng cần có nghệ thuật
Xin lỗi nhưng cố bào chữa
Khi xin lỗi, nhiều người vẫn cố giải thích những hành động của họ. Dù cho họ có ý tốt, cách tiếp cận này trông có vẻ như một lời bào chữa và chỉ làm cho lời xin lỗi của bạn trở nên kém thuyết phục.
Có lẽ một lúc nào đó, bạn cần đưa ra nhiều thông tin hơn để giải thích cho những gì đã xảy ra, nhưng thời điểm đó không phải là ngay lúc này.
Và để xin lỗi đúng cách, chúng ta cần thực hiện những bước dưới đây.
Nhìn nhận mình đã sai
Xin lỗi là một hành động giúp bạn xây dựng lại niềm tin và khôi phục các mối quan hệ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, hành động xin lỗi cũng là điểm khởi đầu dẫn đến một cuộc đối thoại về các chuẩn mực có thể chấp nhận được. Bước đầu tiên là nhìn nhận mình đã sai, không phủ nhận hoặc chối bỏ.
Chấp nhận
Khi bạn chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với tình huống xảy ra, bạn sẽ khôi phục phẩm giá với người mà mình đã làm tổn thương. Điều này bắt đầu quá trình hàn gắn và khép lại bất cứ sự trách cứ nào (từ người khác hoặc từ chính nạn nhân).
Thể hiện sự thành tâm
Nhìn nhận lỗi của mình là một khởi đầu tốt nhưng điểm mấu chốt của lời xin lỗi là thực sự thể hiện rằng mình cảm thấy có lỗi và hy vọng người kia có thể tha thứ.
Một lời xin lỗi chân thành tự nó chứng tỏ rằng người có lỗi đang nhận trách nhiệm cho hành động của họ. Nó giúp họ củng cố lòng tự tin, tự trọng và danh tiếng.
Sửa đổi
Dù người có lỗi đã nhìn nhận lỗi lầm và xin tha thứ nhưng nên nhớ rằng người kia có thể chưa sẵn sàng bỏ qua ngay. Hãy cho họ thời gian và đừng cố thúc ép họ.
Đồng thời, hãy nghĩ về những hành động có ích trong giai đoạn này. Những lời hứa suông hoặc thái độ “vội vàng thoát tội” là không phù hợp mà nên tìm một cách thích hợp để sửa đổi.
Tại sao cần xin lỗi?
Xin lỗi đúng cách khi bạn làm tổn thương ai đó dù do sai lầm hay cố ý, là bước đầu tiên trên con đường tiến đến sự hòa giải giữa bạn và người đó, hoặc giữa bạn và lương tâm của mình.
Nếu bạn không hề xin lỗi hoặc nếu không để tâm vào cách xin lỗi cho đúng, bạn có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ, cho danh tiếng và cơ hội nghề nghiệp của mình.
Và quan trọng nhất, nó hạ thấp lòng tôn trọng của người khác đối với bạn và có lẽ cả sự tôn trọng của bạn đối với chính mình.
Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm và làm tổn thương người khác. Khi điều đó xảy ra, một lời xin lỗi chân thành và được cân nhắc kỹ luôn là bước đầu tiên, bước đi tốt nhất để khôi phục sự chính trực của bản thân.