Bùi Giáng có những câu thơ thật dễ thương:
Một đời lận đận đo rồi đếm
Mỏi gối người đi đứng lại ngồi!
Dĩ nhiên là Bùi Giáng “chọc quê” chúng ta, những người luôn cảm thấy mình bận rộn, hết đếm lại đo, hết toan lại tính, luôn bức bách về thời gian, về không gian, về cả những điều không thể đo đếm được như tình yêu, hạnh phúc, sức khỏe…
Nói Bùi Giáng “chọc quê” bởi bản thân ông thì hạt nội mây ngàn, mọi thứ chẳng qua “chơi thôi mà” như ông vẫn thường nói.
Một người nằm mơ thấy mình đang phỏng vấn Thượng đế.
– Mời vào! Ngươi muốn phỏng vấn ta à? Thượng đế cười.
– Vâng ạ! Nếu Ngài có thì giờ…
– Thời gian của ta là vô tận! Ta có thể làm bất cứ điều chi ta muốn. Nào mời…
– Điều gì ở loài người làm cho Ngài ngạc nhiên nhất sau khi Ngài đã tạo ra họ?
– À, à… Đó là lúc còn nhỏ thì họ mong cho mau lớn, khi lớn lên rồi thì mong cho nhỏ lại… À, đó là hồi trẻ họ phung phí sức khỏe để kiếm cho thật nhiều tiền, rồi bỏ tiền đó ra để phục hồi sức khỏe khi có tuổi… À, còn nữa! Lúc nào họ cũng lo lắng, toan tính cho tương lai… để rồi chẳng sống trong tương lai mà cũng chẳng sống trong hiện tại…!
- Xem thêm: Những bông hoa tươi thắm…
Chuyện còn nhỏ mong cho mau lớn, lớn rồi mong nhỏ lại làm nhớ tới một chuyện ngụ ngôn. Chuyện kể rằng có một vị hoàng tử muốn mau lớn để làm vua thay cha… Một ông Tiên hiện ra cho hoàng tử một cuộn chỉ, dặn rằng muốn mau lớn thì cứ việc kéo cuộn chỉ đó ra.
Hoàng tử kéo cuộn chỉ thật nhanh và lớn cũng thật nhanh, được lên ngôi báu, tam cung lục viện, đánh nam dẹp bắc, chiến công lừng lẫy… Cho đến một hôm, nhà vua giật mình thấy cuộn chỉ sắp hết, vội vàng cuốn ngược lại thì không sao được nữa!
Còn chuyện lúc nào cũng lo lắng cho tương lai? Chẳng phải chúng ta đã bao nhiêu lần hẹn… với mình hãy đợi đấy, hoặc an ủi mình rồi sẽ biết đó ư? Kết quả là ta chẳng sống trong tương lai mà cũng chẳng sống trong hiện tại mà chỉ sống trong toan tính, đếm đo…
Tiếng Anh có một từ thú vị: present, vừa có nghĩa có mặt, vừa có nghĩa hiện tại, lại vừa có nghĩa quà tặng, cho ta một ý niệm về một món quà tặng quý báu của cuộc sống là sự có mặt trong giây phút hiện tại.
Còn sức khỏe? Hỏi sức khỏe là gì chắc chắn ta sẽ lúng túng, không trả lời được, nhưng khi mất sức khỏe thì biết ngay. Cũng như hạnh phúc. Hạnh phúc là gì thì không biết, nhưng một khi mất thì biết.
Sức khỏe không phải chỉ là không có bệnh tật. Sức khỏe là một tình trạng sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội (theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO).
Do vậy, bác sĩ chỉ có thể giúp ta chữa trị bệnh tật chớ không giúp ta tạo nên sức khỏe. Phung phí sức khỏe để kiếm cho thật nhiều tiền, rồi dùng tiền đó để phục hồi sức khỏe… thì đến Thượng đế cũng phải… ngạc nhiên là vậy!
- Xem thêm: Không có thì giờ!
Im lặng một hồi lâu, người phỏng vấn có vẻ ngậm ngùi, rồi đánh bạo cầm tay Thượng đế hỏi: “Với tư cách là một người cha, Ngài sẽ dạy gì cho các con của Ngài?”. Thượng đế mỉm cười trả lời:
– Rằng ta không thể buộc người khác phải yêu thương mình mà phải tự mình trở nên dễ thương…
– Rằng một người giàu không phải là một người có nhiều của cải nhất mà là người có ít nhu cầu nhất…
– Rằng hãy độ lượng với chính mình, vì người khác độ lượng với ta thường… không đủ…
Dĩ nhiên chẳng ai có thể buộc người khác phải yêu thương mình nhưng làm cho mình trở nên… dễ thương thật không dễ chút nào!
Có người nghĩ rằng cách làm cho mình dễ thương là mặc áo… hở rún, quần hở lưng, in những dòng chữ kêu gọi: Love me! Kiss me!… Mà như vậy, chúng ta chỉ làm cho mình trở nên… dễ ghét hơn mà thôi!
Còn hãy độ lượng với chính mình là một lời khuyên hết sức chí lý. André Maurois trong Lettres à l’inconue (Thư gởi người đàn bà không quen biết, bản dịch Nguyễn Hiến Lê) cũng viết: “Đừng bao giờ cô nói xấu cô nhé! Các bạn cô sẽ nói xấu cô, như vậy đủ rồi!”. Vâng, như thế đủ rồi!
“Bất ngờ giây phút thoáng nhanh
Sát na gây cấn hóa thành chiêm bao!”.
(Bùi Giáng)
Hẹn thư sau. Thân mến.