Là điểm sáng trong bức tranh kinh tế hiện nay, ngành du lịch được Chính phủ kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng ít nhất đạt được 30% trong năm 2017. Theo các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Hội đồng Du lịch thế giới, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được con số trên. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn chưa có được một chương trình hành động sát thực tế để duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian dài và tối đa hóa được nguồn thu.
Bao giờ mới thành mũi nhọn?
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế, tăng tám bậc so với năm 2015 nhờ sự tiến bộ ấn tượng ở các tiêu chí: nguồn nhân lực và thị trường lao động (hạng 37, lên 18 hạng), năng lực công nghệ thông tin (hạng 80, lên 17 hạng). Điểm mạnh nhất của Việt Nam là tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34), cạnh tranh về giá (hạng 35). Điều đáng quan tâm là nhiều chỉ số quan trọng của Việt Nam bị xếp hạng rất thấp: Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129 – mức báo động), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 101) và mức độ mở cửa quốc tế (hạng 76). Đặc biệt, theo WEF thì ngành du lịch Việt vẫn còn nhiều hạn chế lớn: chi tiêu chính phủ cho ngành du lịch xếp hạng 114; chỉ số yêu cầu thị thực nhập cảnh xếp hạng 116 (thấp nhất trong các nước ASEAN), luật lệ lỏng lẻo (hạng 115), xả thải nhiều (hạng 128), phá rừng (hạng 103) và xử lý nước còn yếu kém (hạng 107).
Bà Tiffany Misrahi, đại diện WEF đã nêu lên những điểm mà nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam cần khắc phục: Đa số các nước cần tăng cường an ninh, đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa, xây dựng hạ tầng và cải thiện chính sách thị thực thay vì chỉ phụ thuộc vào phong cảnh thiên nhiên. So sánh trong khu vực ASEAN, Việt Nam luôn đứng gần chót bảng về quảng bá và chính sách thị thực. Năm 2016 Việt Nam chỉ chi khoảng 2,5 triệu USD cho xúc tiến điểm đến du lịch quốc gia trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia chi từ 100 triệu USD trở lên cho hoạt động này. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước, còn Indonesia miễn cho 169 nước và vùng lãnh thổ; Singapore là 158, Philippines 157, Malaysia 155 và Thái Lan là 61 nước và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài, Thái Lan có 28 văn phòng, Singapore 23 văn phòng còn Việt Nam đến nay vẫn chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào ở nước ngoài.
Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020 đưa tổng thu từ du lịch lên đến 35 tỉ USD, tăng 190% so với năm 2016. Trong nghị quyết có nhắc đến việc thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch sẽ được tiếp tục hoàn thiện, sẽ ban hành chính sách tạo thuận lợi tối đa và đơn giản thủ tục nhập cảnh. Tuy vậy, đầu tháng 6 vừa qua, nhiều công ty lữ hành tỏ ra thất vọng khi Chính phủ thông báo chỉ tiếp tục miễn thị thực trong vòng 15 ngày cho du khách năm nước Tây Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Suốt mấy năm qua, Tổng cục Du lịch đã kiến nghị Chính phủ thực hiện chính sách này dài hạn hơn, mở rộng đối tượng hơn và nâng thời gian lưu trú lên 30 ngày nhằm phát huy hết hiệu quả nhưng không được đồng ý.
Ngày 19-6-2017, Luật Du lịch (sửa đổi) đã được thông qua. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì luật đã thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 08 là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên cũng theo ông Thế Bình, hoạt động du lịch liên quan đến nhiều ngành khác mà mỗi ngành đều có những luật, quy định cụ thể riêng. Luật Du lịch chỉ ban hành những nội dung thuộc về phạm vi của du lịch, còn những quy định thuộc về ngành khác thì phải tiếp tục tham gia sửa đổi ở các điều luật khác. Ví dụ việc thành lập Cơ quan xúc tiến ở nước ngoài liên quan đến Luật Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Hay là vấn đề về quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cũng tương tự. Ở các nước, quỹ này được hình thành chủ yếu từ nguồn thu của khách du lịch và sự đóng góp của các doanh nghiệp du lịch. Ở Việt Nam nếu quy định như vậy sẽ phạm phải các quy định của Luật về phí và lệ phí, thuế…
Yếu tố bền vững vẫn chưa được coi trọng
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang bị WEF xếp hạng báo động hoặc gần báo động về chất lượng hạ tầng du lịch và yếu tố môi trường bền vững, như vậy con số tăng trưởng 30% đến 50% lượng khách quốc tế mỗi năm sẽ khó kéo dài được. Ngoài ra, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 19 triệu khách vào năm 2020, mà nếu không có kế hoạch chuẩn bị thì nhiều hệ lụy sẽ đến. Năm vừa qua lượng khách quốc tế chỉ mới đạt 10 triệu lượt nhưng hiện tượng quá tải đã xảy ra ở một số địa phương: Phú Quốc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực làm việc trong một loạt khách sạn mới, Nha Trang không còn đủ phòng chất lượng cao cho khách nội địa trong mùa hè. Bên cạnh đó là thực trạng thất thu từ khách Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm gần 50% lượng khách đến Việt Nam) do không quản lý chặt chẽ được các tour giá rẻ.
Trong năm tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón gần 5,3 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc chiếm gần 30%. Tại Đà Nẵng, Nha Trang đối tượng khách này gần như chiếm đa số tại các điểm tham quan. Dù có thêm nguồn thu, các địa phương trên cũng gặp không ít phiền toái từ khách Trung Quốc. Đó là nhiều hành vi thiếu tôn trọng người địa phương, ứng xử kém văn hóa… Nếu thị trường khách Trung Quốc tiếp tục giữ đà tăng trưởng trên 50%/năm như thời gian qua thì sắp tới, các cơ quan quản lý địa phương sẽ gặp nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường lẫn không gian văn hóa của điểm đến.
Trở lại với báo cáo của WEF, báo cáo này cũng chỉ ra du lịch chiếm tới 10% GDP toàn cầu trong năm 2017. Tại châu Á, hầu hết quốc gia đều tăng hạng, tăng nhiều nhất là các thị trường mới nổi. Dù trong năm 2016 Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực (26%) nhưng trong cả giai đoạn 2011-2016, du lịch Việt Nam chỉ tăng trưởng 11%, đứng sau Myanmar (37%) và Campuchia (12%). Nhìn lại từ năm 2003 đến nay, có thể thấy đà tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam kém ổn định gần nhất trong khu vực và thường nằm ngoài dự báo của ngành du lịch. Nếu từ năm 2003 đến năm 2006 tốc độ tăng trưởng luôn đạt từ 16% đến 20% thì năm 2007, lượng khách đến Việt Nam chỉ tăng 0,6%; năm 2008 lượng khách quốc tế giảm đến 11%. Nếu từ năm 2009 đến năm 2013 tốc độ tăng trưởng khách luôn hơn 10% thì sang năm 2014, con số tăng trưởng chỉ là 4% và năm 2015 con số tăng trưởng chỉ còn 0,9%.
Nhiều người trong ngành cho rằng con số 19 triệu du khách năm 2020 là quá lạc quan khi mà tại Việt Nam, các tiêu chí mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, hay chi tiêu của Chính phủ cho ngành du lịch thua kém hơn cả trăm quốc gia khác. Nếu cứ cố gắng đón thật nhiều khách song lại không chịu đầu tư cho các yếu tố cơ sở hạ tầng, thì tài nguyên du lịch sớm muộn gì rồi cũng đến lúc cạn kiệt.
* Số liệu: Tổng cục Du lịch Việt Nam
- Cẩm Tú