Rượu vang đóng góp 300 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu hằng năm, tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang bị đe dọa nghiêm trọng vì tình hình biến đổi khí hậu. Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố cuối năm 2017, sản lượng nho trên toàn lục địa này mùa vụ 2016-2017 dự báo giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 36 năm qua, tác động nặng nề tới ngành sản xuất rượu vang của Lục địa già. Nguyên nhân là do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như mưa đá, sương giá xuất hiện muộn vào mùa xuân cùng với thời tiết khô nóng của mùa hè khiến các vườn nho tại nhiều khu vực bị hư hại.
Theo các chuyên gia ngành công nghiệp, Nam Phi, nhà sản xuất rượu vang lớn thứ bảy trên thế giới, dự kiến vụ mùa năm 2018 sẽ đạt năng suất thấp hơn nhiều so với ước tính 1.434.328 tấn trong vụ mùa năm 2017. Các vụ hỏa hoạn tàn phá khu vực miền Bắc California – Mỹ vào tháng 10-2017 vừa qua khiến ngành công nghiệp rượu vang Nappa nổi tiếng của khu vực gánh chịu hậu quả nặng nề, có thể mất nhiều năm để khắc phục. Năm ngoái, ngành công nghiệp rượu vang ở California mang về gần 58 tỉ USD. Tổ chức Nho và Rượu vang Quốc tế (OIV) có trụ sở tại Paris (Pháp) hồi tháng 10 cho biết sản lượng rượu toàn cầu vào năm 2017 cũng giảm xuống còn 246,7 triệu héc-tô-lít, mức thấp nhất kể từ năm 1961 sau khi thời tiết khắc nghiệt ở Tây Âu phá hủy các vườn nho.
Ngoài ra, thị trường rượu vang thế giới cũng đang bị suy giảm chất lượng do tác động từ tình hình kinh tế – chính trị thế giới với nhiều chính sách xuất nhập khẩu đang khá lỏng lẻo hoặc chưa rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng ngành công nghiệp rượu vang sẽ không rơi vào cảnh quá ảm đạm vì các nước sản xuất rượu vang khác như Anh, Canada đang có kế hoạch tăng sản lượng, đồng thời tiếp tục cải thiện thị phần cũng như chất lượng sản xuất.
Với triển vọng kinh tế tăng trưởng thuận lợi, thu nhập người dân tăng, ngành du lịch phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành thị trường rất hấp dẫn với các nhà sản xuất rượu vang trên khắp thế giới, đặc biệt là Pháp và Ý. Theo dự báo, tỷ lệ tăng trưởng của vang nhập khẩu vào Việt Nam trong những năm tới khoảng trên 10%/năm.