Từ khi nền kinh tế chuyển đổi, cụm từ lợi ích nhóm được nhắc đến thường xuyên với nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng đều cho thấy lợi ích nhóm như là yếu tố cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và xã hội. Các tài liệu nước ngoài thường đề cập đến khái niệm nhóm lợi ích với nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng đều có nội dung cơ bản: đó là sự tập hợp những người cùng mục đích, có chung lợi ích với phương thức hoạt động chủ yếu là tìm cách tác động lên chính quyền (nghị viện, chính phủ, các hội đồng địa phương) nhằm tìm lợi ích cho mình nhưng còn có lợi ích chung của xã hội.
Hiểu theo cách này thì nhóm lợi ích ở nước ta đã có từ lâu mà sự tồn tại thường gắn liền với các tổ chức đoàn thể xã hội, các hiệp hội ngành nghề. Thế nhưng khi nhóm lợi ích hoạt động chỉ vì lợi ích cục bộ thì chính nó đã bị biến thái. Cụm từ “lợi ích nhóm” xuất phát từ đây và thật sự trở thành vấn đề tiêu cực lớn, nhất là quản lý chồng chéo, thiếu công khai, minh bạch, chính sách bị lợi dụng, các thế lực kinh tế nhà nước câu kết nhau vì lợi ích nhóm.
Nói về lợi ích nhóm, chúng ta thường nghĩ đến sân sau của các công ty nhà nước, những tập đoàn độc quyền có khả năng ảnh hưởng đến chính sách Chính phủ, thao túng thị trường, những lĩnh vực phát triển sử dụng nhiều tài nguyên và tài sản quốc gia. Đây cũng là điều kiện làm tăng khả năng tham nhũng trong cán bộ lãnh đạo chính quyền. Nhìn chung, ở đâu cũng vậy, các nhóm lợi ích đều muốn hai thứ từ nhà nước: các đặc quyền từ chính sách và sự ưu ái của các quan chức thực thi chính sách để đem lại siêu lợi nhuận.
Mới đây, một đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ được xem như quyết tâm của những nhà hoạch định chính sách trong việc ngăn chặn lợi ích nhóm và minh bạch cũng như làm tăng hiệu quả đồng vốn nhà nước.
Đề án có tên là “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” mà không ít người gọi đây là “siêu ủy ban” khi số tiền quản lý có thể lên đến 5 triệu tỉ đồng.
Trong đề án thành lập, ủy ban này sẽ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có cổ phần, vốn góp. Ủy ban cũng phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được giao.
Ủy ban sẽ chủ trì, phối hợp trình Thủ tướng quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan này cũng giúp Thủ tướng xây dựng đề án thành lập doanh nghiệp, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Quyền hạn của cơ quan này càng lớn hơn khi được giao phê duyệt phương án huy động vốn và dự án đầu tư lớn, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, quyết định chủ trương góp, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời giám sát việc thu hồi vốn đầu tư, thu lợi nhuận, cổ tức, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.
Đúng là một “siêu ủy ban” nhất là khi cơ quan này thuộc Chính phủ, với cơ cấu tổ chức gồm một chủ tịch và bốn phó chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm.
Siêu ủy ban sẽ là đại diện chủ sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và các doanh nghiệp quy mô lớn, quan trọng, các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Có thể kể ra đây siêu ủy ban này bao trùm hoạt động các tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV).
Ngoài ra còn có Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông VTC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam…
Theo đề án, đến năm 2020, các bộ, UBND các tỉnh thành phố phải hoàn thành việc chuyển giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về siêu ủy ban, ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Vấn đề đặt ra là với một quy mô lớn như vậy thì việc điều hành siêu ủy ban này phải thế nào để có hiệu quả. Trong buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 16-1 bàn về vấn đề trên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, việc thành lập siêu ủy ban, sẽ giúp giảm bớt lợi ích nhóm giữa các đầu mối quản lý. Theo ông, SCIC được thành lập nhiều năm qua, đến nay đã quá tải và chỉ mang nghĩa quản lý vốn, thay vì phát triển đồng vốn.
Một chuyên gia được tiếng là phản biện chính sách, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đồng tình với đề án này khi cho rằng việc thực hiện và vận hành siêu ủy ban có thể lấy đi lợi ích nhóm, bắt các bộ phải chuyên tâm lo cho quản lý Nhà nước, không cài cắm lợi ích để làm chính sách quản lý méo mó.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM, thì nhận xét việc sở hữu tài sản và quyền ra chính sách dễ nảy sinh hai vấn đề là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Do vậy, việc thu gọn đầu mối quản lý qua một ủy ban sẽ giúp đề cao giám sát, cân đo năng lực, từ đó làm giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để siêu ủy ban này hoạt động hiệu quả và có giẫm chân vào vết xe của SCIC hay không? Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề thành công và hiệu quả chính sách của ủy ban này là phải là nằm ở người quản lý: “Người lãnh đạo đó phải là người kỹ trị, chứ không phải là chính trị. Cách chúng ta nhầm lẫn giữa hai nhiệm vụ này nên khiến dư luận không yên tâm”.
Trước câu hỏi liệu có cần thiết phải thành lập siêu ủy ban ở hiện tại, bà cho rằng với quy mô doanh nghiệp nhà nước lớn như hiện tại, thì việc thu gọn đầu mối là điều phải thực hiện.
Trước đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã không nhất trí phương án thành lập một ủy ban hay bộ chuyên quản doanh nghiệp, vì cho rằng đây vẫn chỉ là những cơ quan quản lý hành chính. Nếu để cho một cơ quan hành chính quản lý vốn và tài sản nhà nước là không phù hợp.
Ông Lộc đề nghị thành lập ít nhất hai tập đoàn tài chính của Nhà nước. Các tập đoàn này sẽ thực hiện vai trò tập hợp vốn, quản lý vốn nhà nước ở các doanh nghiệp. Họ sẽ hoạt động như các công ty tài chính trong việc đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và cũng như khối doanh nghiệp cổ phần.
Ông nhấn mạnh là khi có nhiều đơn vị như vậy sẽ tạo cơ chế cạnh tranh, vì vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp là rất lớn, một cơ quan đứng ra làm thì không được. Nếu chỉ thành lập một tập đoàn đầu tư vốn nhà nước thì vẫn cảnh “một mình một chợ”, hiệu quả tù mù không ai biết thế nào. Việc chỉ tập trung vào một đầu mối vô tình sẽ tạo ra một “siêu” cơ quan với quyền lực quá lớn thì không nên.
Cho dù vẫn còn không ít băn khoăn về hoạt động của “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, nhưng theo quyết định của Chính phủ, trong quý I-2018 siêu ủy ban sẽ được ra đời mà trước tiên là lập lại một trật tự trong điều hành hoạt động các doanh nghiệp nhà nước.
Tất nhiên cũng còn lời ra tiếng vào về khả năng điều hành ủy ban này, nhưng rõ ràng là những ý kiến phản biện chưa đủ sức thuyết phục trước một chủ trương phù hợp với thực trạng làm ăn của doanh nghiệp nhà nước.