Bộ tranh chân dung văn nghệ sĩ, trí thức tài hoa và thường có số phận chìm nổi như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Thanh Tâm Tuyền, Phan Khôi, Trần Đức Thảo… vừa được một họa sĩ Sài Gòn ra mắt công chúng.
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh (đang sinh sống tại Sài Gòn) giới thiệu bộ tranh chân dung đặc biệt này tới công chúng chiều 17-1 trên Facebook cá nhân của mình và thu hút đông đảo lượt thích, bình luận “bất thường” từ công chúng yêu nghệ thuật cũng như bạn bè thơ, nhạc, họa cả nước.
Hơn 10 tiếng đồng hồ sau khi đăng bộ tranh, bộ ảnh đã nhận hơn 1.000 lượt yêu thích và hàng trăm lượt chia sẻ, một con số khá “bất thường” trên trang Facebook cá nhân của họa sĩ trẻ này.
Anh cho biết dự án vẽ chân dung những văn nghệ sĩ, trí thức tài hoa “để lại tiếng vọng cho đời từ con người đến tác phẩm của mình” được anh miệt mài thực hiện trong 2 năm 2018 và 2019.
Ý tưởng làm dự án này đến với anh trong quãng thời gian họa sĩ này có nhiều chuyện buồn nên đã tìm đến những an ủi của văn chương, âm nhạc, triết học, văn hóa học.
Từ việc đọc văn chương, triết học và nghe nhạc, họa sĩ Vĩnh tìm hiểu sâu hơn về các tác phẩm và tác giả, những câu chuyện cuộc đời, những truân chuyên số phận của những tài năng đầy cá tính của Việt Nam trong thế kỷ XX vắt sang thế kỷ XXI.
Đó là những cái tên sáng chói trên bầu trời văn chương, âm nhạc và văn hóa của Việt Nam về cả tài năng và nhân cách, và đôi khi là vì cả sự chìm nổi, chuân chuyên của người nghệ sĩ như: Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Trọng Phụng, Lam Phương, Lê Uyên Phương, thi sĩ Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Phạm Đình Chương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử… và các trí thức lớn như Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Hiến Lê.
Nhiều người trong số những văn nghệ sĩ tài năng này là các văn nghệ sĩ Sài Gòn, được công chúng yêu mến, ngoài những tên kể trên còn có Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Du Tử Lê, Từ Công Phụng…
Ngoài Bắc, họa sĩ Trần Thế Vĩnh chủ yếu vẽ các văn nhân thuộc nhóm Nhân văn giải phẩm hoặc chịu ảnh hưởng từ vụ Nhân văn giải phẩm.
Ngoài ra là một số thi sĩ tài năng của phong trào thơ mới như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… và một số văn nghệ sĩ thuộc thế hệ muộn hơn như Quang Dũng, vợ chồng thi sĩ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh…
Đặc biệt, anh còn vẽ các trí thức lớn như triết gia Trần Đức Thảo, học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn hóa Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang…
Chỉ có hai chân dung nữ xuất hiện trong bộ chân dung này. Ngoài người thứ nhất là nữ sĩ Xuân Quỳnh như đã nhắc, còn nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh.
Và chỉ duy nhất một danh họa xuất hiện trong bộ chân dung này là Nguyễn Gia Trí.
Tất cả đều được họa sĩ vẽ dựa trên hình ảnh tư liệu và “thấm” tác phẩm cũng như tìm hiểu kỹ về số phận của từng văn nghệ sĩ tài năng này.
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh dự định dừng lại ở 50 chân dung, nhưng con số cuối cùng anh có được lại là 51 tác phẩm. Lý do là bởi anh… đếm nhầm. Bức tranh thứ 51 chính là bức chân dung về nhà văn kỳ tài nhưng đã sớm qua đời trong nghèo khó, bệnh tật – Vũ Trọng Phụng.
Anh dự định năm 2020 sẽ xuất bản 1 cuốn sách và làm 1 triển lãm cá nhân cho bộ tranh này, triển lãm tại TP.HCM.
Cũng khoảng hơn một năm trước, họa sĩ Trần Thế Vĩnh đã gây tiếng vang trong công chúng khi cho ra mắt tác phẩm vẽ chân dung huấn luyện viên Park Hang-seo giữa lúc mà cả nước đang “phát cuồng” với vị huấn luyện viên tài năng này và đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Ngắm một số chân dung nghệ sĩ trong bộ tranh của họa sĩ Trần Thế Vĩnh: