Lâu nay, nói tới mỹ thuật đường phố (street art) thường thì người ta nghĩ ngay đó là lĩnh vực của nam giới, bởi công việc sáng tạo này vất vả, thậm chí nguy hiểm, không phù hợp với nữ giới. Song những gương mặt nữ nổi tiếng của street art như ELLE, Swoon, Maya Hayuk và Vexta đang làm thay đổi cách nghĩ thông thường. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, mời bạn đọc đến với những tác phẩm của họ.
Trong thế giới nghệ thuật tạo hình phong phú và đa dạng hiện nay vẫn có sự bất bình đẳng về giới tính, chẳng hạn giá tác phẩm của các nữ họa sĩ dù nổi tiếng cỡ nào đi nữa cũng không với tới được những kỷ lục mà các họa sĩ nam giới đã đạt được trong nhiều thập niên đã qua. Nhưng nếu như phải nói tới một sự chênh lệch đậm nét về giới tính thì điều đó hẳn nhiên diễn ra trong lĩnh vực mỹ thuật đường phố. Trở ngại đầu tiên đối với các nữ họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực này là thể lực cũng như những hạn chế về giới tính khiến họ thường không đủ khả năng thực hiện những bức tranh tường ngoài trời có kích thước lớn hoặc rất lớn, buộc họ phải leo lên cao khi vẽ và mất nhiều thời gian, sức lực, hoặc phải làm việc trong không gian thiếu ánh sáng và khí trời (của đường hầm, ga tàu điện ngầm…), thậm chí chỉ có thể vẽ vào ban đêm (ở những nơi không thể vẽ vào ban ngày hoặc ở nơi chính quyền hay cư dân địa phương không khuyến khích hay ủng hộ street art)…
Chính vì thế, những gì mà Swoon, Vexta, ELLE, Maya Hayuk, Rosa Parks, Amelia Earhart, Big Mama Thornton, Lady Pinks… và nhiều gương mặt khác đã làm được có thể nói là những “chiến tích” của những nữ nghệ sĩ dấn thân mà nhiều người trong số họ còn là những mỹ nhân. Kinh nghiệm đầu tiên của ELLE, nghệ danh của nữ họa sĩ trẻ sinh sống tại New York là khi cô say mê theo chân các đồng nghiệp nam giới, cùng tham gia với họ sáng tác tranh đường phố. Sau đó, ELLE đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm của đô thị khổng lồ, dùng xịt sơn tạo hình các tác phẩm graffiti ngoạn mục, đặc sắc và ký tên mình.
Năm 2014 vừa qua, ở tuổi 24 ELLE đã có một màn trình diễn mỹ thuật đường phố hết sức ngoạn mục tại khu Brooklyn của New York. Với tên gọi Chưa kết thúc, màn trình diễn của ELLE được sự hợp tác của nhà nhiếp ảnh nữ huyền thoại Martha Cooper, tác giả của tập sách ảnh có tựa Mỹ thuật dưới ga xe điện ngầm (Subway Art) được coi là thánh kinh của giới nghệ sĩ vẽgraffiti(*). Sự kiện mỹ thuật này được coi là đỉnh điểm của phản ứng mạnh mẽ đối với sự thống trị của nam giới trong lĩnh vực street art. Trong tranh tường đường phố của ELLE thể hiện rõ rệt giới tính, với các nhân vật nữ chiến binh đầy sức mạnh mà cô cảm thấy được họ bảo vệ mình trước những bất trắc có thể xảy đến ở một thành phố luôn tiềm ẩn những nguy cơ bạo lực, nhất là đối với nữ giới. Đang ở thời kỳ sáng tác sung mãn nhất, ELLE cho rằng cô có trách nhiệm mang lại tính tích cực cho sự hiện diện của nữ giới trong nghệ thuật: “Tôi tin rằng lý do để phụ nữ không tham gia street art là bởi cách nào đó xã hội đã coi lĩnh vực này chỉ dành cho nam giới. Và khi mà tôi đã biết rõ hơn về điều đó, nó đã trở thành động lực để tôi phải trở thành một hình mẫu cho các phụ nữ trẻ”.
Trong khi đó, những tranh đường phố của nữ họa sĩ người Úc Vexta khảo sát cái thế giới ảo mộng của ánh đèn neon, sự liên kết bí ẩn của mọi thực thể sống động và các phân tử đã giúp chúng cấu kết với nhau trong thế giới mộng ảo ấy. Tranh tường của cô còn xoay quanh những quan niệm về cái chết, sự tái sinh và tính chất hai mặt của giới tính. Khởi đầu sự nghiệp street art trên các đường phốở Sydney quê nhà, sau đó Vexta chuyển tới sống và vẽở Melbourne, nay thì cô đã trở thành một trong những nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng bậc nhất ở Úc, cả trong lĩnh vực street art cũng như trong không gian các gallery. Bên cạnh các tranh tường, tác phẩm hội họa của Vexta được trưng bày trong các gallery ở Úc, Mỹ, châu Âu, Mexico và nhiều quốc gia Nam Mỹ. Mặt khác, tác phẩm của Vexta còn là nguồn cảm hứng cho các nữ họa sĩ thuộc thế hệ trẻ hơn như cô bày tỏ: “Một số cô gái trẻ có thể xem tranh hoặc những gì tôi đã thực hiện và nhận ra rằng họ cũng có thể làm được như vậy. Điều đó hoàn toàn có thực”.Trong tranh của Vexta dễ nhận ra cái hấp lực mạnh mẽ của nữ giới với những gương mặt nữ yêu kiều bay lơ lửng trên không trung.
Nữ họa sĩ Maya Hayuk thường nhớ lại thời gian cô rời trường mỹ thuật và chứng kiến các bạn học nam giới dù chỉ số ít trong lớp nhưng tất cả đều nhận được công việc vẽ tranh minh họa hay trở thành họa sĩ thực thụ, trong khi các bạn nữ có tài thì không được chú ý. Kể từ đó, Maya Hayuk đến với street art và bắt đầu vẽ tranh trên các đường phố của San Francisco quê hương. Từ một họa sĩ vô danh, Hayuk trở nên nổi tiếng sau khi đến sống ở New York và gia nhập nhóm các họa sĩ đường phố Barnstormers. Cô đạt được sự ngưỡng mộ với các tác phẩm tranh tường vẽ những hình kỷ hà màu sắc rực rỡ, thu hút thị giác tại các bức tường ở khu triển lãm ngoài trời Bowery của New York. Tranh tường của Hayuk thể hiện thế giới giản dị hơn của đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của những cư dân bản địa đầu tiên ở New York nhưng được mô tả bằng sắc màu đương đại. Năm 2013 là một năm rất thành công của nữ họa sĩ trẻ khi cô có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Hammer danh giá ở Los Angeles, nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật của ông trùm ngành dầu mỏ Armand Hammer, rồi một triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật đương đại Canada ở Toronto cùng vài triển lãm nhóm các nữ họa sĩ street art ở Miami và New York. Sau đó, trang mạng nghệ thuật Complex bình chọn Hayuk là một trong 15 nghệ sĩ đường phố đáng xem nhất của năm 2014.
Một gương mặt nữ cũng rất thành công với tranh đường phố là Caledonia Curry. Lấy nghệ danh là Swoon, cô gái trẻ này sinh trưởng ở vùng biển Daytona của bang Florida nhưng cũng thành danh ở New York, một trung tâm street art không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới. Cô từng được chọn để tham gia một triển lãm nhóm các nghệ sĩ đường phố tại Bảo tàng MoMA, nhưng vinh dự lớn đến với Swoon là khi cô được mời triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Brooklyn. Trong triển lãm đó, tranh tường và sắp đặt của Swoon đã phủ kín các cầu thang trong bảo tàng. Swoon còn thực hiện nhiều dự án mỹ thuật lớn ở nhiều nơi, trong đó có dự án giúp khôi phục cộng đồng cư dân ở Haiti sau thảm họa sóng thần bằng các hình thức nghệ thuật…
(*) Martha Cooper là phóng viên ảnh kỳ cựu tại Baltimore, Maryland, từng làm việc cho tạp chí uy tín New York Post vào thập niên 1970 và được biết đến rộng rãi qua những hình ảnh ghi lại phong trào graffiti ở thành phố New York vào những năm 1970, 1980
- Lê Bản