Nếu như các tên tựa vận vào số phận, thì những “khúc tự tình dân tộc” được viết bằng hình ảnh trong suốt bảy bộ phim của chị như một hành trình tâm linh Việt ở mỗi một chặng đường lịch sử. Phong cách mạo hiểm, gai góc và nên thơ, phim của chị, từ Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo – Thời vang bóng… là thế giới mâu thuẫn của lý trí và sự đa cảm, của văn minh và văn hóa; là những trầm tư khắc nghiệt về thời gian, về thân phận con người, sự tiến hóa của xã hội… được thể hiện qua những hình ảnh dung dị, biểu cảm khiến người xem vương vấn.
Một lần, trong lúc chị đang rong ruổi mù mịt cùng Mê Thảo tận Sơn Tây, cô con gái lên tám tuổi của chị đã fax từ Pháp về cho mẹ: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ, con yêu mẹ bằng mức độ mà mẹ yêu phim của mẹ”… Có điều gì thật xót xa trong lời nói thơ ngây tràn đầy yêu thương đó. Bên cạnh nỗi vui được con thấu hiểu tận cùng, chị cũng nhận ra đó là lời trách móc – cũng tận cùng – của con với một người mẹ trót đa mang điện ảnh. Vì đam mê điện ảnh, nhiều năm nay, kể từ sau khi phải tòng phu sang Pháp, Việt Linh vẫn giữ mình là công dân, công chức Việt Nam, đã phải “nhín nhút” đi-về liên tục. Tiền đã cạn, như chị nói, nhưng tình tự quê hương hình như vẫn tràn đầy, thậm chí quá tràn đầy qua Mê Thảo.
____
Phải chăng sự đi đi về về càng làm cho mạch “tự tình dân tộc” trong phim của chị trở nên tha thiết hơn?
Đúng là phải đi xa mới nhớ, mới thấy quý yêu đất nước hơn. Ở trong nước không thấy thiếu nhưng lúc ra ngoài, mặc cảm ở xa khiến mình luôn thấy thèm, thấy thiếu cái “hơi hám” Việt Nam. Xét cho cùng, làm Mê Thảo hay lọ mọ chút không khí Việt cho căn nhà nhỏ ở Paris cũng chỉ là một cách tự trấn an, tự làm vơi bớt nỗi nhớ thôi…
____
Có khi nào vì kiệt sức, mệt mỏi, và về sau là vì con, chị nghĩ mình sẽ thôi xông pha điện ảnh?
Chắc là không, trừ khi vì lý do sức khỏe và… hết tiền. Nếu có những phân vân nào đó thì chỉ đối với con. Nhưng con gái mình đã đồng ý cho mẹ xông pha với điều kiện “mẹ phải làm phim đẹp” (cách cháu dịch tiếng Pháp sang tiếng Việt). Để “biết điều” với con, mình phải cố gắng thực hiện tốt cái “giao kèo” này.
Phim đẹp hay không tùy đánh giá của người xem, nhưng đối với con gái Việt Linh đã làm đúng giao kèo: ít nhất ở tuổi 12, cô bé đã nhiều lần theo mẹ dự Liên hoan phim quốc tế, hai lần chứng kiến, hí hửng hai phim của mẹ (Chung cư, Mê Thảo – Thời vang bóng) được công chiếu ở Paris, được báo chí phương Tây bàn tán… Với nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng lớn của liên hoan phim Frigbourg, Gánh xiếc rong đã trở thành phim Việt Nam đầu tiên được phát hành thương mại tại Thụy Sĩ. Chung cư tiếp sau cũng trở thành phim Việt Nam đầu tiên chọc thủng mạng lưới phát hành thương mại Pháp. Hai lần “đầu tiên”, hai bộ phim mang ý nghĩa đầu tiên đó hẳn nói lên một giá trị khó phủ nhận, đặc biệt giá trị đó được làm ra bởi một phụ nữ. Rồi Mê Thảo – Thời vang bóng với ba tháng liền đứng rạp trên nước Pháp lại góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam, cụ thể là âm nhạc cổ truyền Việt Nam (ca trù, chầu văn) ra thế giới. Thậm chí có thể nói góp phần quan trọng, theo như đánh giá của một tờ báo phương Tây: “Một nền văn minh tạo ra được thứ âm nhạc tuyệt vời như vậy, chỉ có thể là một nền văn minh tinh tế, nhân bản”. Và không phải vô cớ khi Mê Thảo được khán giả Ý bình chọn giải Bông hồng vàng trong LHP quốc tế Bergamo. Trong lúc Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam thì việc các giải thưởng trong nước bỏ lơ Mê Thảo đã tạo ra những câu hỏi.
Hùng hục phim ảnh như vậy nhưng bên cạnh Việt Linh đạo diễn còn có nhiều “Việt Linh” khác. Một Việt Linh dám nói, dám làm, dám đấu tranh cho sự công bằng với ngòi bút sắc sảo thấm đẫm tình người và trách nhiệm công dân trên các trang báo. Một Việt Linh vừa quyết liệt, mạnh mẽ lại vừa đa cảm trong mỗi thăng trầm. Một Việt Linh giản dị, chân thành với bè bạn, nhân hậu với cuộc đời, nhưng lại không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác… Mà hình như cuộc đời chị chưa có lúc nào bình lặng. Cuộc đời “nổi sóng” hay chính chị luôn “nổi sóng”? Chị cũng chẳng biết nữa. Sau cơn đột quỵ đầu năm vì cú sốc chia ly không hề muốn với Hãng phim Giải Phóng, nơi chị đã gắn bó 36 năm 6 tháng, con người không ngừng sôi sục ấy đã hồi sinh như một phép lạ. Gặp chị tại nhà riêng trong khu tập thể khiêm nhường của Hãng phim Giải Phóng, một chiếc đàn đáy treo trên tường, kỷ niệm từ chuyến làm phim Mê Thảo, rất nhiều sách điện ảnh, và cả những dấu tích thơ văn hồn nhiên từ thuở học trò…, trông chị khỏe ra nhiều so với cách đây nửa năm.
____
Nghe tin chị đột quỵ, không ít bạn bè đã vô cùng lo lắng, vậy mà chị đã phục hồi nhanh đến kỳ lạ. Điều gì đã giúp chị vượt qua được những ngày khủng khiếp ấy và lấy lại phong độ làm việc như hiện nay? Có phải đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thân trong một bài viết trên báo Nông Thôn ngày nay đã nói: Việt Linh đã tai qua nạn khỏi nhờ cái đức?
Cũng có thể như vậy, nhưng tôi nghĩ mình vượt qua là nhờ tình yêu của thân nhân, bè bạn. Thương ghê lắm… Mình mà chết, mà tàn phế là “tham nhũng” tình yêu của họ như cách nói của một người bạn. Làm sao chết được với những câu nói đại loại: “Em phải ráng, em có làm sao thì chị buồn lắm…”. Đó là chưa kể những cái nhìn xót xa gan ruột của người thân. Cứ vậy mà tự nhiên mình ý thức phải giành giật cuộc sống, phải tập luyện để có thể làm việc bình thường trở lại. Không ai tưởng tượng được chỉ sau 6 tháng mình có thể leo lên leo xuống cái cầu thang chung cư này không biết bao lần trong ngày. Cơn đột quỵ ảnh hưởng nhiều đến chi trái, khiến nó bị tê, cầm cái gì cũng rớt. Thế nhưng mình quyết tâm “đánh vật” với nó bằng cách cứ chỉ cầm tay trái, cầm cho đến khi nào hết rớt thì thôi. Bây giờ thì không rớt nữa, như bạn thấy. Dù sao mình cũng tin vào phúc đức.
Ai cũng muốn đứng về lẽ phải nhưng không phải ai cũng có điều kiện lên tiếng.
____
Trong bài báo Nguyễn Quang Thân có nhắc đến lá thư ngỏ chị gửi đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, đòi chính quyền địa phương phải xin lỗi người cha đã bị nghi oan 14 năm trời vì tội giết con. Chị nghĩ gì khi lên tiếng bênh vực những trường hợp oan khiên như vậy?
Mình chỉ nghĩ đơn giản: Ai cũng muốn đứng về lẽ phải nhưng không phải ai cũng có điều kiện lên tiếng. Mình có điều kiện nói mà không nói thì lương tâm bứt rứt… Nhiều người khi đó không tin lá thư mình có tác dụng, thậm chí trêu mình bao đồng. Thế nhưng nó có hiệu quả, dù chỉ là góp sức. Cái xấu vơi đi nhờ công luận, cái tốt đầy lên cũng nhờ công luận. Tên tuổi, uy tín, vị trí… thực ra cũng chỉ để “xài” cho những chỗ như vậy.
____
Không chỉ lá thứ này, nói chung, có vẻ như trong mỗi bài viết của chị đều chứa đựng một bức xúc, xót xa nào đó…
Hầu như vậy. Viết báo với mình là sự giải tỏa, thậm chí, đôi khi là thái độ sống. Có những chuyện phải ngồi dậy viết ngay trong đêm, bởi không viết ra nó sẽ “quậy” trong óc không ngủ được. Có lẽ mình quá đa cảm. Điều đó khiến mình luôn bận rộn, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Quả vậy. Có vẻ như Việt Linh lúc nào cũng mang theo chị những bận rộn âm thầm. Ngoài những khung hình, con chữ, những chuyến đi xa…, ít người biết chị đã từng tự thân hoặc cùng bè bạn cưu mang rất nhiều số phận, trong đó có cô em gái người Khmer ở cùng nhà chị lâu nay. Ít người biết ở vùng Chợ Mới An Giang có một cô gái gọi chị là Mẹ Hai bởi cách đây nhiều năm cô bé Hiếu 13 tuổi phải đi bằng gối và ruột đổ ngoài da do dị tật, được đăng tin trên báo Lao Động ấy đã được chị – về sau có thêm sự hợp sức của bè bạn – đưa lên thành phố chữa trị suốt 3 năm. Để hôm nay, đúng khi trở thành thiếu nữ, cô bé đã đứng lên được, bước được bằng chân và ruột rà yên ổn. Kể nghe vui vậy nhưng Việt Linh bảo chị đã ít nhất phải hai lần thót tim khi có mặt trong hai lần mổ quan trọng của bé, bởi gia đình bé, sau nhiều lần mổ thất bại trước đó, sợ con chết không muốn cho mổ. Và nhiều chuyện bá tánh “bao đồng” khác, đến mức bây giờ bạn bè chị bên Pháp phát quen (hay phát ngán, theo cách nói vui của chị) nghe chị “hô” giúp đỡ ai đó…
____
Hình như chị vẫn ào ào công việc: một khai trương tủ sách điện ảnh cho cuối năm, một câu lạc bộ điện ảnh cho dăm năm tới… Thế thì làm sao tử tế với bản thân?
Rất nhiều người khuyên mình thôi bức xúc, thôi kệ mọi sự. Mình cũng tự hiểu như thế nhưng đồng thời cũng biết mình không thể như vậy: bức xúc cá nhân thì thôi được chứ bức xúc vì cái chung thì phải nghĩ, phải lên tiếng. Không nghĩ, không lên tiếng thì lại không… tử tế với lương tâm. Mình phản ứng và chia tay Hãng phim Giải Phóng là vậy. Là những bức xúc liên quan đến vinh quang, truyền thống của một hãng phim, đến những hoang phí tiền của nhân dân quá… đơn giản. Nhiều người bất nhẫn nhưng không nói được do vị trí, hoàn cảnh. Mình đủ tư cách nói, có điều kiện nói mà không nói thì không… tử tế với lòng tự trọng và trách nhiệm công dân. Nhưng thôi, nói chuyện sắp tới: Tổng công ty văn hóa Sài Gòn đang giao mình một số dự án điện ảnh rất thú vị… Phải nói càng đi nhiều, càng tham dự nhiều Liên hoan phim quốc tế mình lại càng sốt ruột cho nền điện ảnh đất nước; thấy nó non kém, cằn cỗi so với thiên hạ. Một sự đổi mới, lột xác chỉ trông cậy vào lớp trẻ. Bằng một số dự án điện ảnh đang khởi động và “rắp tâm” xây dựng của Tổng công ty văn hóa Sài Gòn, mình hy vọng có thể tạo ra một kênh tìm lục nhân tài khác ngoài trường Điện ảnh. Qua một số tác phẩm đầu tay, thậm chí bài tập của các bạn trẻ, bài viết trên các web điện ảnh do giới trẻ thiết lập, mình nghĩ và tin điện ảnh Việt Nam sẽ nhảy vọt ở tương lai gần nếu biết “chiêu hiền đãi sĩ”, biết tạo ra thổ nhưỡng cho tài năng trẻ nảy mầm. Mình rất hào hứng cho điều đó.
____
Cứ động tới chuyện phim ảnh là chị lại “sôi sùng sục”…
Sốt ruột thì đúng hơn. Theo mình điện ảnh Việt Nam muốn thay đổi phải xây dựng lại nền tảng, phải xây dựng lại cái không khí văn hóa điện ảnh cho nghệ sĩ lẫn công chúng mà nhiều nước, ngay cả châu Á đã có được. Xây dựng ngay từ lớp tuổi thiếu nhi. Ví như ngay ở các trường tiểu học, học sinh Pháp đã có chương trình ngoại khóa điện ảnh để hiểu qua điện ảnh, yêu thích điện ảnh. Hầu như mỗi thành phố đều có một – thậm chí vài – câu lạc bộ điện ảnh. Bất kỳ nhà sách nào ở pháp cũng có một gian hoặc một ô sách điện ảnh. Nhiều bạn bè mình ở Việt Nam sang rất thú vị, ngạc nhiên khi biết riêng Paris đã có hơn chục nhà sách (chuyên doanh) điện ảnh. Trong khi sách điện ảnh nước mình là một lỗ hổng lớn. Hăng hái, sốt ruột là vậy.
____
Hàng loạt các hãng phim tư nhân ra đời nhưng sự tham gia vào thị trường điện ảnh còn rất bấp bênh, đa số phim bị chê là chất lượng chưa cao, dù doanh thu khả quan, chị mừng hay lo?
Tôi mừng, bởi điện ảnh bất kỳ nước nào cũng song song tồn tại hai mảng phim thương mại và phim – gọi là – nghệ thuật. Xưa nay mình quá coi thường phim thương mại, đến khi quan tâm đến nó thì… thái quá, thiên lệch. Nền điện ảnh phát triển là một nền điện ảnh cân bằng. Chúng ta cũng vậy, phải làm phim thương mại. Và thay vì lăm le “đánh” phim thương mại thì hãy nâng đỡ phim nghệ thuật, cho nó khoảng đất sống. Nhà nước phải có những chính sách “trọng tài” thiết thực, hiệu quả chứ không chỉ quẳng tiền ra làm phim rồi phó mặc sản phẩm như hiện nay.
Nền điện ảnh nếu không có những doanh nhân yêu, hiểu điện ảnh, dám đầu tư lớn cho điện ảnh thì không thể phát triển. Mình rất phục Thiên Ngân, Phước Sang…, chia vui với họ khi họ thu được lợi nhuận cao. Có thế họ mới tiếp tục sản xuất những tác phẩm chất lượng hơn. Điện ảnh tư nhân đáng trông chờ hơn vì làm phim tư nhân thì yên tâm tiền đổ vô phim, còn làm phim Nhà nước thì rất có khả năng tiền chui… “vô túi”.
Làm phim tư nhân thì yên tâm tiền đổ vô phim, còn làm phim Nhà nước thì rất có khả năng tiền chui… “vô túi”.
____
Ngoài vai trò đạo diễn, chị còn là người có tư duy của nhà sản xuất, từ việc lập dự án, kêu gọi đầu tư đến chuyện tìm đầu ra cho bộ phim… Tư chất này hình thành từ đâu?
Thực sự mình không có máu doanh nhân, những gì mình làm đều hồn nhiên, xuất phát từ logic bình thường nhất: một sản phẩm bắt buộc phải được đầu tư, tiêu thụ, và mình chỉ cố gắng thực hiện logic đó. Bây giờ mình nghĩ phải bắt đầu học tư duy theo kiểu doanh nhân. Mình rất đồng cảm với doanh nhân bởi làm nghệ thuật cần một chút phiêu lưu, còn làm doanh nhân máu phiêu lưu phải gấp nhiều lần. Về mặt tâm lý cũng có vẻ rất giống nhau, như sự sáng tạo, sống chết, đeo đuổi với sản phẩm của mình, kể cả sự thất vọng, hy vọng, niềm hạnh phúc… Cuộc chơi của những nhà sản xuất điện ảnh cũng đáng cảm kích lắm. Không phải vô cớ LHP Cannes có giải dành cho Nhà sản xuất đầu tay – những người khi dấn thân vào điện ảnh đã đủ sáng suốt, tự tin, dũng cảm chấp nhận rủi ro để đầu tư cho một phim có giá trị nghệ thuật. Và đầu tư thành công.
____
Chị có thấy “thương” những người phụ nữ đã và đang làm đạo diễn? Nếu cho các bạn nữ trẻ muốn manh nha bước vào nghề đạo diễn một lời khuyên, chị sẽ khuyên sao?
Đạo diễn điện ảnh là một nghề (có thể) đem đến vinh quang nhưng (chắc chắn) đào thải kinh khủng, thậm chí phũ phàng. Với phụ nữ tính nghiệt ngã đó càng gấp bội bởi họ phải đánh đổi cả hạnh phúc gia đình, đến mức hiếm người phụ nữ nào có thể đeo đuổi đến tận cùng. Mình rất cảm phục thế hệ đàn chị như cô Bạch Diệp, hay thế hệ đàn em như Nhuệ Giang… bởi hơn ai hết mình hiểu những khó khăn của người phụ nữ khi hành nghiệp. Đó là những phụ nữ quý hiếm trong điện ảnh. Một lời khuyên cho các bạn nữ trẻ ư? Biết đam mê, xả thân vì phim và chọn lấy một lão chồng biết xả thân vì… vợ!
Việt Linh có khả năng hài hước, nhưng trong câu nói hài hước của chị, những từ ngữ man mác và thực tế hiển lộ, người ta có thể hình dung, chia sẻ những khó khăn cuộc sống, những trớ trêu chua chát mà các tác phẩm gần đây của người nữ đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú đã nếm trải. Việt Linh vừa được cơ quan cũ đề nghị làm hồ sơ Nghệ sĩ Nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy mọi trớ trêu đều có thể xảy ra nên có vẻ như chị không quá chờ đợi. Mà có sao đâu – giống như cái tiếng vang âm thầm mà sâu rộng, bền lâu của một tác phẩm – nếu danh hiệu không đến thì chị vẫn là nghệ sĩ – của – nhân dân. Từ lâu. Mới đây trên sách giáo khoa lớp 9 bộ mới (NXB Hachette, Pháp) của trường Colette, trong mục điện ảnh Việt Nam có trích dẫn giới thiệu 3 phim (Mùa ổi, Chung cư, Mê Thảo). Trong đó Chung cư, Mê Thảo là của chị. Việt Linh vui, an ủi từ những ghi nhận “chầu rìa” như vậy.
____
Có bao giờ chị rơi vào cảm giác bế tắc, nản chí?
Không. Buồn thì có nhưng không bao giờ bế tắc. Sao lại bế tắc, nản chí khi cuộc đời còn bao nhiêu ý nghĩa khác hơn những danh vị? Mình là người luôn luôn “ngọ nguậy”: đóng cửa này ta mở cửa khác. Bác sĩ bảo mình muốn khỏe phải vui, trong lúc mình lại chỉ vui khi làm việc! Cảm ơn trời đất đã không bắt mình “xi cà que” đầu óc, cơ thể để có thể tiếp tục ngọ nguậy… Không làm việc được quả là bất hạnh.
____
Chị nghĩ gì về hạnh phúc?
Làm được điều mình thích. Nói và sống được như mình nghĩ.
____
Nguyên tắc sống lớn nhất, bất di bất dịch nhất của chị là gì?
Lòng tự trọng.
____
Và điều quý giá nhất?
Tình cảm. Đặc biệt sau khi suýt qua cái chết.