Netflix đang đặt cược lớn vào châu Á – Thái Bình Dương với việc đầu tư hàng triệu USD vào nội dung gốc và được cấp phép ở các thị trường lớn như Ấn Độ.
Netflix do Marc Randolph và Reed Hastings sáng lập vào tháng 8-1997 tại California (Mỹ). Ban đầu, Netflix là một dịch vụ cho thuê phim. Người dùng đặt phim trên trang web của Netflix và nhận đĩa DVD theo đường bưu điện.
Tuy nhiên, hiện nay, nhờ tài năng quản lý cũng như tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo, Netflix đã phát triển trở thành một trong những nền tảng giải trí trên mạng Internet hàng đầu thế giới, với hơn 150 triệu người đăng ký trả phí tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nền tảng này cung cấp nhiều loạt phim truyền hình, phim tài liệu và phim truyện với nhiều thể loại và ngôn ngữ khác nhau.
Hiện nay, Netflix đang đặt cược lớn vào châu Á – Thái Bình Dương với việc đầu tư hàng triệu USD vào nội dung gốc và được cấp phép ở các thị trường lớn như Ấn Độ.
Khi báo cáo doanh thu quý III/2020 vào tháng trước, Netflix cho biết gần một nửa mức tăng trưởng thành viên trả phí đến từ châu Á – Thái Bình Dương cao nhất trong số các khu vực.
Mở rộng hoạt động quốc tế là trọng tâm chính của Netflix trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các thị trường trên khắp châu Á – Thái Bình Dương kể từ năm 2016.
Hồi tháng 10-2020, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Netflix, Tony Zameczkowski, cho rằng Netflix tập trung vào địa phương hóa khi ra mắt tại khu vực này với việc thêm phụ đề và lồng tiếng bằng các ngôn ngữ như tiếng Hindi, tiếng Malaysia, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Thái Lan và tiếng Indonesia, cũng như cung cấp giao diện ứng dụng bằng ngôn ngữ địa phương.
Ông Zameczkowski cho biết Netflix “rất lạc quan” về cơ hội kinh doanh mà châu Á mang lại. Theo ông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia chắc chắn là những thị trường có tiềm năng đáng kể và doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư.
Còn tại Đông Nam Á, Netflix cho biết đã tăng gấp đôi danh mục nội dung gần như mỗi năm kể từ năm 2016 và có kế hoạch bổ sung gần 500 đầu mục từ khu vực này chỉ riêng trong năm 2020. Theo Netflix, Đông Nam Á là một thị trường “béo bở”, với dân số đông và số lượng lớn người tham gia hoạt động trực tuyến.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, Giám đốc phụ trách việc đổi mới sản phẩm của Netflix Ajay Arora khẳng định với việc nhìn nhận Đông Nam Á là một thị trường rất phát triển xu hướng lấy thiết bị di động làm trung tâm, Netflix đã quyết định đẩy mạnh các dự án di động rẻ hơn, cũng như điều chỉnh các sản phẩm của mình sao cho phù hợp với điện thoại thông minh dòng thấp hơn.
Theo nghiên cứu do Google, Temasek Holdings và Bain & Company tiến hành, Đông Nam Á được cho là đóng góp tới 600 triệu USD trong tổng doanh thu từ thuê bao âm nhạc và video trong năm 2019, và đến năm 2025, con số này có thể đạt tới 3 tỷ USD/năm.
Việc các nước Đông Nam Á tiến hành phong tỏa và tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hãng kinh doanh công nghệ “ăn nên làm ra” khi nhu cầu xem các nội dung phát trực tuyến tại nhà trên khắp khu vực tăng mạnh.
Trong báo cáo thu nhập mới nhất, thu nhập ròng của Netflix trong quý III/2020 là 790 triệu USD với doanh thu 6,4 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, Netflix đã có thêm 28,1 triệu thành viên trả phí, vượt con số 27,8 triệu vào năm 2019.
Tổng cộng, Netflix đang có hơn 195 triệu người đăng ký thuê bao truyền hình trả phí trên toàn cầu. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của số lượng thành viên trả phí trong quý và doanh thu trong khu vực tăng lên 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Netflix đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ khác như Prime Video của Amazon, Disney + Hotstar, HBO Max…Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giành thị phần của Netflix tại Đông Nam Á không chỉ có đối thủ duy nhất là Disney+, hiện đang đứng thứ hai trong lĩnh vực này.
Netflix cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh của các đối thủ trong khu vực, trong đó có dịch vụ video Viu của Hong Kong (Trung Quốc), chuyên phát sóng các bộ phim của Hàn Quốc, hay WeTV của Tập đoàn công nghệ Tencent (Trung Quốc), vừa mua lại nền tảng phát trực tuyến Iflix của Malaysia hồi tháng 6-2020.
Một vấn đề đau đầu khác mà Netflix đang phải đối mặt là số thuế phải nộp. Chính phủ Tây Ban Nha đang chuẩn bị luật áp thuế 5% đối với những “gã khổng lồ” cung cấp dịch vụ phát video và âm thanh thông qua mạng Internet tới máy tính và các thiết bị di động (streaming) như Netflix và dùng số tiền thu được để thúc đẩy hoạt động sản xuất điện ảnh tại nước này. Trong khi đó, Văn phòng tại Hàn Quốc của Netflix, đang bị điều tra vì nghi vấn gian lận thuế.
Hãng tin Yonhap dẫn các nguồn thạo tin cho biết Cơ quan Thuế quốc gia Hàn Quốc (NTS) đã cử các nhân viên tới trụ sở của Netflix Services Korea ở Seoul để điều tra công ty này.
Theo các nguồn tin, NTS nghi ngờ Netflix Services Korea trả cho trụ sở chính ở Mỹ một khoản tiền có giá trị lớn dưới vỏ bọc là phí tư vấn quản lý. Việc trả khoản tiền lớn cho trụ sở tại Mỹ sẽ giúp Netflix Services Korea có một khoản chi lớn trong báo cáo tài chính và cũng tránh được một số khoản thuế doanh nghiệp.