Ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đầy những bố già quyền lực, những đạo diễn khét tiếng, những chủ hãng phim uy lực, những rạp chiếu phim nguy nga… đang được định nghĩa lại bởi một kẻ phá bĩnh, thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.
Năm 1997, người ta biết đến Netflix như một công ty cho thuê đĩa DVD qua đường bưu điện. Chỉ sau một thập niên, công ty bé nhỏ này chuyển mình thành một địa chỉ trực tuyến, nơi thiên hạ trên toàn cầu có thể thưởng thức kho phim khổng lồ.
Song sức công phá của Netflix thật sự bộc lộ khi họ đẩy mạnh tham vọng tự làm phim để chiếu, không phụ thuộc vào các hãng phim nữa.
Cú chơi tất tay khuynh đảo ngành công nghiệp điện ảnh
Năm 2019 là năm “đổi đời” trong nghề làm phim đối với Netflix (trước đó họ cũng bỏ tiền làm phim nhưng chưa nhiều): họ sản xuất và phát hành tổng cộng 60 phim truyện. Để hình dung sự đổi đời này, ta biết rằng cùng năm đó, các hãng phim lớn như Warner Bros. cũng chỉ làm được 21 phim, Hãng Disney có 12 phim, Hãng Universal có 19 phim.
Dĩ nhiên so sánh này là khập khiễng nếu xét về góc độ doanh thu vì có thể chỉ cần một phim bom tấn của một hãng truyền thống cũng đã ăn đứt nhiều phim của Netflix làm. Tuy nhiên, với số lượng áp đảo như thế, Netflix dần thu hút được dàn diễn viên nổi tiếng, các đạo diễn xuất sắc chịu làm phim cho mình, người xem phải đăng ký trả tiền hằng tháng cho Netflix nếu muốn thưởng thức phim họ yêu thích.
Các hãng phim khổng lồ đã phải ghen tị khi Netflix chiếm tổng cộng 24 đề cử cho mùa giải Oscar 2020, nhiều đề cử hơn bất cứ hãng phim nào khác, trong đó có các phim đáng chú ý như The Irishman, Marriage Story, The Two Popes… Cuối cùng họ chiếm được hai giải, nữ diễn viên phụ xuất sắc (phim Marriage Story) và phim tài liệu xuất sắc (American Factory).
Rất khó tính toán lời lỗ cho từng phim Netflix làm nhưng số liệu nơi này công bố cho thấy năm 2019 họ bỏ ra 15,3 tỉ đôla cho nội dung, kể cả phim tự làm. Tính đến quý 1-2020, Netflix có tới 182 triệu người dùng trả tiền trên khắp thế giới, đáng kể là số người xem từ bên ngoài nước Mỹ lên đến 112 triệu.
Đại dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen xem phim của nhiều người; không còn vào rạp nữa, họ buộc phải sử dụng các dịch vụ coi phim trực tuyến, trong đó Netflix là địa chỉ đầu tiên nhiều người nghĩ đến. Chỉ riêng quý 1-2020, Netflix có thêm 16 triệu người dùng, cao gấp đôi số liệu họ dự báo.
Câu hỏi nhiều người quan tâm, là Netflix hiện đang lời hay lỗ, lại không có câu trả lời rõ ràng. Nếu dựa vào báo cáo chính thức của Netflix thì họ đang có lãi: năm 2019 họ thu được 20,1 tỉ đôla từ 167 triệu người dùng đăng ký trả tiền, lãi ròng 1,9 tỉ đôla.
Thế nhưng dòng tiền luân chuyển lại âm, âm đến 3,3 tỉ đôla năm 2019. Tại sao vậy? Họ tiêu tiền thật để sản xuất phim, tiền trả hết ngay cả khi chưa có phim để chiếu nhưng hạch toán thì chậm, có khi chi xong 1 năm sau mới hạch toán.
Điều này cho phép Netfix báo lãi mặc dù chi nhiều hơn thu. Dù sao đại dịch Covid-19 này cũng giúp họ lật ngược tình thế, bắt đầu thu nhiều hơn chi: quý 1 có dòng tiền dương lần đầu tiên dù chỉ 162 triệu đôla. Những phim làm rồi cứ thế thu tiền mãi mãi từ người xem, trong khi bình quân chỉ cần 4 năm (trình chiếu) là thu hồi đến 90% vốn (bỏ ra để sản xuất phim).
Đĩa DVD trả chậm và phá hủy để sáng tạo
Netflix do hai người bạn Marc Randolph và Reed Hastings sáng lập vào năm 1997. Theo lời Hastings kể thì ông này bực mình vì bị hãng cho thuê băng đĩa Blockbuster phạt 40 đôla do trả lại bộ phim Apollo 13 chậm nên bàn với Randolph khởi nghiệp làm dịch vụ cho thuê băng đĩa.
Sau này Randolph viết sách nói không hề có chuyện đó, chỉ là do hai người đi chung xe từ nhà đến chỗ làm khá xa nên ngày nào cũng bàn chuyện khởi nghiệp, với cảm hứng từ khái niệm thương mại điện tử của Amazon vừa tung ra lúc đó.
Sau nhiều ý tưởng, hai người “kết” với ý tưởng dịch vụ bán và cho thuê phim có ứng dụng công nghệ. Đó là thời dot.com bùng nổ, các ý tưởng khai thác mạng Internet mới bắt đầu phổ biến. Khác với Blockbuster mở hàng loạt cửa hàng, người muốn thuê băng đến lựa đem về, khi trả cũng phải đem ra tận nơi, Marc và Reed muốn bán và cho thuê băng đĩa qua mạng, phim giao bằng đường bưu điện. Nhưng lúc đó băng VHS rất cồng kềnh, bưu điện ăn hết tiền phí gửi, phải đến lúc đĩa DVD ra đời, ý tưởng của họ mới thành hiện thực.
Thoạt tiên, điều làm họ bất ngờ là doanh thu mua đĩa qua dịch vụ của họ cao hơn nhiều so với dịch vụ thuê đĩa. Lúc đó họ có một quyết định táo bạo sáng suốt: bỏ dịch vụ bán đĩa dù nó đang đem lại lợi nhuận cho một công ty non trẻ, tập trung vào dịch vụ cho thuê đĩa dù đang lỗ nặng.
Lập luận của họ là bất kỳ hệ thống siêu thị nào như Walmart hay Amazon đều có thể bán đĩa qua bưu điện nên tương lai họ không cạnh tranh nổi, song lúc ấy lại không có ai làm dịch vụ cho thuê, nên khả năng họ sẽ thành công rất cao.
Thực tế xác nhận điều đó: người xem phim rất khoái chí với chuyện Netflix không bao giờ phạt chuyện trả đĩa trễ, muốn giữ đĩa bao lâu cũng được, miễn sao gửi trả thì mới thuê được đĩa khác.
Năm 2000, họ bỏ luôn khái niệm thuê đĩa; khách chỉ cần trả một khoản tiền hằng tháng, chẳng hạn 10 đôla, rồi muốn đổi bao nhiêu đĩa cũng được, miễn sao trả đĩa cũ, nhận đĩa mới… Mọi sự không dễ dàng chút nào lúc đầu, có lúc thua lỗ, quá khó khăn, họ đã định bán cho Blockbuster chỉ với giá 50 triệu đôla. Nhưng lúc ấy Blockbuster cười vào mũi họ, từ chối.
Gã khổng lồ Blockbuster đã sai khi cười sớm quá. Do chậm xoay chuyển, cuối cùng Blockbuster phải tuyên bố phá sản vào năm 2010. Trong khi đó Netflix liên tục thay đổi, dịch vụ cho thuê đĩa đang phát đạt, họ vẫn tính đến mô hình người xem vào tận kho phim của họ, chọn phim để vừa tải vừa xem, gọi là “streaming”.
Ý tưởng mới mẻ này cũng phải đợi đến khi mạng Internet băng thông rộng được sử dụng rộng rãi mới khả thi. Cũng như lúc bỏ mô hình bán đĩa, giữ mô hình cho thuê, Netflix cũng đánh cược vào tương lai khi họ giới thiệu dịch vụ streaming trong khi kho phim có sẵn để streaming lúc đó chỉ có chừng 1.000 đầu phim, còn kho phim DVD cho thuê đã lên đến 100.000.
Cuối cùng Netflix tách hẳn dịch vụ cho thuê đĩa qua đường bưu điện dưới một cái tên khác để tập trung vào dịch vụ streaming như ngày nay. Hiện nay giá trị thị trường của Netflix vào khoảng 197 tỉ đôla. Marc Randolph rời Netflix năm 2002, Reed Hastings ở lại, tiếp tục vai trò “phá hủy” để “sáng tạo”.
Tương lai Netflix là tương lai của điện ảnh
Muốn có phim lưu trên máy chủ để người xem vào chọn lựa, Netflix phải thương lượng khá vất vả với các hãng phim.
Ví dụ năm 2010, họ thương lượng với ba hãng phim lớn gồm Paramount, Lionsgate và Metro-Goldwyn-Mayer để người dùng có thể vào xem kho phim của ba hãng này trong một hợp đồng trị giá 1 tỉ đôla trong vòng 5 năm.
Đó là với kho phim cũ. Đối với phim mới, sự thể khó hơn nhiều. Họ phải đợi các hãng công chiếu ngoài rạp một thời gian, rồi lại phải chờ cho các hãng làm đĩa DVD hay Bluray bán ra thị trường ít nhất 28 ngày mới được đưa phim lên Netflix cho khách xem.
Với các bộ phim nhiều tập ăn khách như Friends, Netflix phải trả đến 100 triệu đôla mỗi năm, cuối cùng năm 2020 cũng phải trả lại cho AT&T’s WarnerMedia để nơi này tự kinh doanh. Cũng nhờ Friends mà Netflix bành trướng nhanh chóng ra thế giới, nơi khán giả rất ái mộ series phim truyền hình nhiều tập này.
Thế là để chủ động, không phụ thuộc vào các hãng phim truyền thống, Netflix tự mình làm phim. Thoạt tiên, họ tổ chức thuê người làm phim rồi đóng nhãn Netflix Original như với bộ phim truyền hình nhiều tập House of Cards vào năm 2013.
Thành công của House of Cards dẫn tới các series phim đình đám khác như Orange Is the New Black, Daredevil, Jessica Jones, rồi Sense8 của chị em đạo diễn Wachowski nổi tiếng từng làm phim Matrix… Netflix đã trở thành kẻ đến sau nhưng ngồi vào chiếu trên trong làng làm phim với những phim cả hàng chục triệu người xem như Bird Box, Triple Frontier, The Highwaymen…
Để có tiền làm phim, Netflix phải vay nợ rất nhiều, hiện nay nợ dài hạn của họ lên đến 14,6 tỉ đôla, chưa kể 19,1 tỉ đôla nghĩa vụ trả cho nội dung đã cam kết. Nhưng cũng giống mô hình nhiều doanh nghiệp công nghệ khác, lời lỗ không còn là thước đo quan trọng nữa; nhà đầu tư sẵn sàng rót tiền cho họ miễn sao họ vẫn duy trì tốc độ phát triển, ở đây là số lượng người đăng ký trả tiền hằng tháng, và từ đó là đầu phim mới để giữ khách cũ, hút thêm khách mới.
Trong khi đó các hãng phim truyền thống bị ràng buộc bởi chuyện lời lỗ từng phim. Gặp hai ba phim bom xịt là hãng sẽ lâm nguy ngay. Chính vì thế nhiều người dự đoán Netflix sẽ trở thành hãng phim quan trọng, trong tay có đủ nguồn lực và nhân lực để làm phim dài hơi. Nơi này sẽ định hình các tiêu chí cho ngành điện ảnh trong những năm tới, kể cả ở thị trường các nước.
Hiện nay Netflix phải cạnh tranh với nhiều nơi có dịch vụ tương tự như Disney+, Apple, Amazon Studios hay HBO Max. Vì thế, theo một số dự đoán, Netflix đang ấp ủ các mô hình mới để đi trước đối thủ cạnh tranh như họ từng làm trong quá khứ. Đó có thể là máy coi phim trong một không gian ảo giúp người xem dù ở nhà nhưng vẫn có trải nghiệm như đang xem phim ở rạp. Đó có thể là hiện thực ảo – một thế giới người xem tương tác với phim, thay đổi số phận của nhân vật, thay đổi nội dung cốt truyện hay ít nhất can thiệp vào cách kết phim.
Ngoài việc mua phim để đưa vào kho phim cho phong phú, Netflix rất có thể sẽ bỏ tiền ra sản xuất phim tại nhiều nước; như ở Việt Nam cho khán giả Việt Nam xem nhằm chiếm lĩnh thị trường xem phim trực tuyến khắp nơi.
Nhưng ở góc độ người xem, thuận tiện và dễ dàng chưa phải là tất cả. Họ lo ngại một điều quan trọng: Netflix hiện sở hữu một lượng dữ liệu khổng lồ về thói quen, sở thích của người xem. Nhiều người “nhắm mắt đưa chân”, chỉ dựa vào gợi ý của Netflix để chọn xem phim kế tiếp.
Hãy hình dung về một tương lai mà Netflix cũng như mạng xã hội ngày nay, sử dụng dữ liệu người dùng để xây dựng nội dung phim mà họ biết chắc sẽ ăn khách, chiều chuộng một khẩu vị đám đông. Đi theo lối đó riết, Netflix chỉ còn loại phim dễ dãi, rẻ tiền, đánh đấm ồn ào hay sướt mướt tình cảm. Ngay tại thị trường Việt Nam lúc này, top 10 phim hầu hết là phim Hàn, thì sẽ thấy.
Cứ nhìn vào số phim mà Netflix “bày mâm bày bát” cho từng khách, có thể biết ngay sở thích điện ảnh của khách là gì. Sự nguy hại ở đây là: do bị bao vây bởi cùng một loại phim từng thích xem, người xem sẽ đánh mất khả năng khám phá, chẳng bao giờ ra nổi ngoài cái luồng phim quen thuộc đó để thưởng thức những thế giới khác.
Vì sao kho phim của Netflix ở Việt Nam ít thế?
Netflix hiện có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới nhưng nội dung xem được ở từng nước lại rất khác nhau. Ngay với hai nước cạnh nhau là Mỹ và Canada, kho phim cũng rất khác: Netflix Mỹ xem được 4.091 phim, Netflix ở Canada chỉ xem được 2.942 phim.
Theo trang Finder.com, tài khoản Netflix ở Việt Nam chỉ xem đi xem lại được 528 phim truyện và 186 phim truyền hình, một con số rất nhỏ nhoi. Nhìn chung kho phim Netflix xem từ các nước Đông Nam Á chỉ hơn 500 phim, xem từ Singapore chỉ được 489 phim, kho phim Netflix ở Lào thậm chí chỉ có 206 phim.
Lý do chính được đưa ra là vì thỏa thuận bản quyền với nơi sở hữu phim, các hãng phim muốn bảo vệ bản quyền để còn bán hay cho thuê phim trên các kênh khác. Thông thường mỗi phim có một lượng khán giả nhất định; phim được xem rất nhiều ở Mỹ chưa chắc có ai xem ở Brazil hay một phim hài thành công của Anh lại không hề gây cười ở châu Á.
Những đặc điểm này thường được đưa ra trên bàn đàm phán giá thuê trọn gói của Netflix với các hãng phim; từ đó Netflix mới có danh sách các phim khác nhau cho các thị trường khác nhau. Việc biên soạn danh sách này cũng do mục đích doanh thu của Netflix, vì những thị trường nhỏ như Lào thì họ không lưu tâm.
Nhưng nhìn từ góc độ người dùng như ở Việt Nam, trả phí cũng gần như nhau mà chỉ xem được một kho phim Netflix ít ỏi, ai cũng bực mình. Chưa kể độ đa dạng của kho phim này là khá thấp.
Chỉ với loại phim tự sản xuất (Netflix Originals), để thu hút khách mới, Netflix mới mở hết cho mọi thị trường, xem đó là điểm mạnh để quảng cáo.