Người Thừa Kế Tâm Đức không chỉ là hành trình chinh phục ước mơ, chữa lành tâm hồn mà còn là khúc ca nhẹ nhàng về niềm tin, nhân duyên và giá trị của sự kế thừa – không chỉ bằng tài sản, mà bằng “tâm” và “đức”. Phim bộ phim mang tâm thái chữa lành, và thông qua đó đề cao việc giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể và sự cần thiết trong việc kế tục, tiếp nối những truyền thống của thế hệ đi trước.
Khai thác sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống, tình thân gia đình và ẩm thực Việt
Câu chuyện xoay quanh ông Tâm, một người đàn ông ngoài 70 tuổi, thành công trong lĩnh vực kinh doanh trang sức nhưng vẫn mang trong lòng nỗi day dứt khôn nguôi vì từ bỏ đam mê làm mì Quảng – nghề gia truyền mà ông từng gầy dựng với người em trai quá cố. Sự dằn vặt ấy khiến ông rơi vào khủng hoảng tâm lý, sức khỏe ngày một sa sút. Để giúp ông vượt qua khủng hoảng tinh thần và tìm lại lý tưởng sống, cháu gái ông là Thảo Nhi, một nữ giám đốc truyền thông cá tính và mạnh mẽ, đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo: thuê Hoàng Trung – một chàng trai thất nghiệp, từng nuôi mộng làm diễn viên, vào vai người học trò đến xin ông Tâm truyền nghề mì Quảng.
Ban đầu, mọi việc chỉ là một “vở kịch” đầy tính đối phó. Nhưng chính sự chân thành, kiên trì và niềm đam mê nảy sinh trong quá trình học nghề đã khiến Hoàng Trung thay đổi – không chỉ chạm tới trái tim ông Tâm mà còn khiến bản thân anh trưởng thành, sống có lý tưởng và mục đích rõ ràng. Mối quan hệ giữa Trung và Thảo Nhi cũng dần phát triển từ chủ – thuê thành tình yêu chân thật. Tuy nhiên, sự thật dần bị hé lộ, đẩy cả ba vào vòng xoáy của hiểu lầm, phản bội và tha thứ.
Song song với câu chuyện chính, phim còn khai thác những tuyến tình cảm đan xen như chuyện tình trái ngược giữa cô nàng thực tập sinh hoạt ngôn Hoàng Oanh và ông chú lạnh lùng, giàu cảm xúc Gia Phúc, cùng những diễn biến phức tạp xoay quanh mối quan hệ giữa Thảo Nhi – Hoàng Trung – Gia Huy – Bảo Trân. Bên cạnh đó là các mâu thuẫn gia đình, xung đột giữa thế hệ cũ và người trẻ, quan niệm về “hôn nhân môn đăng hộ đối”, tình bạn, lòng vị tha và khát vọng tự khẳng định mình.
Người Thừa Kế Tâm Đức không chỉ là hành trình chinh phục ước mơ, chữa lành tâm hồn mà còn là khúc ca nhẹ nhàng về niềm tin, nhân duyên và giá trị của sự kế thừa – không chỉ bằng tài sản, mà bằng “tâm” và “đức”. Phim bộ phim mang tâm thái chữa lành, thông qua đó đề cao việc giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể và sự cần thiết trong việc kế tục, tiếp nối những truyền thống của thế hệ đi trước.
Đạo diễn Thái Trình chia sẻ về quá trình làm phim
Khi bắt tay vào thực hiện bộ phim Người Thừa Kế Tâm Đức, điều thôi thúc đạo diễn Thái Trình không đơn thuần là làm một tác phẩm giải trí, mà với anh, ẩm thực không chỉ là nhu cầu ăn uống, mà còn là chiếc cầu nối truyền tải giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc. Không một du khách nào đến Việt Nam mà có thể cưỡng lại sức hút của những món ăn truyền thống – đó là một phần bản sắc khiến chúng ta trở nên đặc biệt. Vì vậy, anh luôn đau đáu suy nghĩ: tại sao không dùng điện ảnh để góp phần gìn giữ và lan tỏa tinh hoa này?
Đoàn phim chọn nghề làm mì Quảng – một lựa chọn tuy mộc mạc nhưng chứa đựng cả chiều sâu văn hóa. Mì Quảng không chỉ là món ăn, mà còn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là kết tinh của tri thức dân gian, là biểu tượng của tình người, sự giản dị và lòng hiếu khách của người Quảng Nam. Chính điều đó đã thôi thúc ekip bộ phim chọn mì Quảng làm trung tâm câu chuyện – không chỉ để tôn vinh một món ăn, mà để kể về cả một nếp sống.
Trong quá trình phát triển kịch bản, có một điều khiến Thái Trình cảm thấy đây là dự án “phải làm”: Đó là khát khao được góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị của món ăn mang đậm tinh thần dân tộc này. Khi một món ăn đã trở thành biểu tượng và được quốc tế biết đến, yêu thích – thì không có lý do gì chúng ta không giữ gìn, phát triển và tôn vinh nó bằng những câu chuyện đẹp. Người Thừa Kế Tâm Đức gửi gắm một thông điệp về sự yêu thương, sự kế thừa và hành trình chữa lành. Có những ước mơ tưởng như bị lãng quên, nhưng chỉ cần có niềm tin, tình thân, lòng chân thành và sự trăn trở, chúng hoàn toàn có thể hồi sinh. Mỗi người đều xứng đáng có một cơ hội để yêu, để làm lại và sống trọn vẹn với đam mê, khát vọng.
Tựa phim Người thừa kế Tâm Đức cũng mang một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn – như một triết lý sống. Nó nhắc nhở chúng ta về giá trị của lòng tử tế, của sự bao dung, và khát vọng gìn giữ những điều tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Bộ phim cũng thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình Việt Nam hiện đại. Ngày nay, người trẻ có xu hướng chọn cuộc sống riêng tư, phù hợp với nhịp sống nhanh và công việc bận rộn. Nhưng không ít gia đình vẫn giữ được mô hình ba thế hệ cùng chung sống – một mô hình chứa đựng rất nhiều giá trị truyền thống quý báu. Trong đó, thế hệ ông bà chính là người truyền lửa, truyền lại những tinh hoa văn hóa, đồng thời cũng là người biết điều chỉnh mình để hòa nhịp với xã hội hiện đại. Ngược lại, lớp trẻ dù sống trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn cần có trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc và giá trị gia đình.
Với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ kết hợp cùng dàn diễn viên thực lực: Trần Phong, Mi Lan, Ngọc Thuận, Hoàng Như Mỹ, Dương Mạc Anh Quân, Hà Mễ Tiên, Nguyễn Anh Tú, Quan Khải, Thúy Hạnh, Ngân Quỳnh, Võ Hiệp, Phúc An, Xuân Hiệp… Người Thừa Kế Tâm Đức không đơn thuần là một bộ phim hài lãng mạn mà còn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, tình thân gia đình và ẩm thực Việt.
Bộ phim Người Thừa Kế Tâm Đức được phát sóng vào 19:45 hằng ngày từ 26/5/2025 trên SCTV14 – Kênh Phim Việt của Truyền hình Cáp SCTV và App SCTV Online.