Xét về ngũ vị trong ẩm thực thì vị chua đóng vai trò khá quan trọng ở vùng đất nhiệt đới như nước ta. Ngày nắng nóng, tô canh chua vừa giúp cân bằng thân nhiệt, vừa bổ sung nước cho cơ thể, lại hợp khẩu vị.
Món ăn này vì thế mà phổ biến ở cả ba miền, dù cách tạo vị chua mỗi nơi mang một sắc thái riêng. Miền Bắc đặc trưng với vị chua thanh với mẻ, miền Trung lại có vị chát nhẹ của khế và vị cay của ớt, còn miền Nam thì có một chút ngọt đậm đà của đường.
1. Canh chua miền Bắc
Canh chua miền Bắc thanh thanh, hương thơm dịu nhẹ, rất chừng mực mà cũng thực tinh tế từ bao đời nay của ẩm thực Kinh Kỳ. Vị chua trong canh thường được tạo bởi những loại trái cây đặc trưng như me, khế, sấu, và các gia vị lên men tự nhiên như giấm, mẻ… Người đầu bếp thường tự tay làm những mẻ giấm bỗng thật thơm ngon vừa vị, không quá nồng cũng không quá nhạt để chế biến món canh chua của mình. Công đoạn nấu canh chua, vì thế, cũng phức tạp và tỉ mẩn hệt như các món ăn khác của xứ Bắc
Trái chua có đủ cà chua, thơm, khế, me, nhưng được ưa chuộng hơn cả là một vài loại quả đặc trưng trong vùng như tai chua, sấu, đọc, chanh cốm. Quả dọc nấu khá cầu kỳ, phải nướng thật chín, lột vỏ rồi nấu lại cho mềm để dằm lấy nước chua. Vị chua này được bổ sung vào món riêu cua cho bắt mũi hơn. Vị chua của chanh cốm lại được dùng để điểm tô cho món canh nấu từ trứng cá, trứng tôm cua cuối mùa giá rét cho thêm hấp dẫn.
Phổ biến nhất là các loại cá sông ngon lành tươi mát, hoặc tôm, tép loại nhỏ. Đặc biệt ở miền Bắc còn có món riêu như một phiên bản sáng tạo của canh chua. Người Bắc cho ít ớt và không cho đường vào món canh bởi thích vị chua ngọt nhẹ nhàng tự nhiên.
Canh sấu được xem là món canh chua theo mùa hạng nhất của Hà Nội. Mùa hạ là mùa sấu, trời nắng gay gắt nên chỉ cần thấy tô canh chua sấu và vài quả cà muối xổi là cái nóng bức như được vơi đi một nửa.
2. Canh chua miền Trung
Vị chua trong ẩm thực miền Trung phổ biến nhất là khế, thơm (dứa), cà chua, quả tai chua, dưa cải. Bên cạnh chất chua luôn có lẫn thêm chút ngòn ngọt, thơm thơm hòa hợp một cách đặc trưng cùng vị chát rất đặc biệt của miền Trung.
nguyên liệu nấu canh chua của vùng đất hẹp ven biển là hải sản, nên chát là thứ vị cần thiết vừa để át mùi tanh, vừa để dung hòa vị chua gắt, mà khi kết hợp lại, hai vị này có thêm chút ngọt hậu rất đặc biệt cho món ăn.
Ngoài ra, những loại rau quả muối lên men như măng ngâm chua, dưa cải, cà muối, rau muống muối cũng tạo thành những vị nấu chua cho tô canh miền Trung. Gây thèm nhất có lẽ là nhút, vốn được xem là món ăn nhà nghèo những mùa thóc cao gạo kém hay ngập lụt trắng đồng. Nhút kết hợp với thực phẩm nào cũng có thể tạo thành món canh chua ngon, từ mớ tép, hến xúc dưới cồn hay sang hơn là thịt ba chỉ hay thịt bò bằm nhuyễn, nêm bằng rau răm. Và như bao món ăn miền Trung khác, canh chua xứ này không bao giờ thiếu vị cay của ớt. Tô canh tuy đơn giản, nhưng cũng đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, béo, bùi.
3. Canh chua miền Nam
Trong việc đối phó với mùa nắng, người dân Nam bộ có lẽ thuộc hàng dày dạn hơn với món ăn chống nắng đầy chất chua. Vị chua của ẩm thực Nam bộ thường được tạo ra từ những sản vật phong phú của vùng đất này như cà chua, thơm, me, khế, chùm ruộc, chanh, trái giác, trái bần, me đất hoa vàng. Chỉ cần có con cá và rau xanh là có thể cho ra đời trăm thứ canh, chục thứ lẩu.
Vị chua Nam bộ được tạo từ những loại trái dân dã như trái giác, trái bần, chùm ruột vốn mọc hoang bờ bãi khắp nơi. Mùa cá đồng rộ, hái trái bần, trái giác chín về cho vào nước sôi dằm ra, cùng với bông so đũa, điên điển là có được nồi canh chua ngọt lành. Vùng đất này cũng phong phú các loại lá chua như lá giang, lá me, lá giấm… hợp với những người thích vị chua thanh nhẹ.
Canh chua thịt gà lá giang là món ăn được người thành thị ưa chuộng, nhờ vị chua đằm thắm không gắt. Lá giấm thường được nấu thường được nấu với tôm đất hay cá chốt, cá linh khi rộ mùa, thịt thơm và béo ngậy, có khi còn ôm bụng trứng căng phồng thật ngon.
Ngoài ra, còn phải kể đến cách nấu chua từ động vật, mà tiêu biểu là canh nấu bằng trứng kiến hay kiến vàng non. Ở những nhà có vườn cây thì đây là món ăn luôn có sẵn, chỉ cần bắt nguyên ổ kiến, gạt bớt kiến lớn rồi cứ thế cho vào nồi là có được nước dùng chua với hương vị rất đặc biệt. Canh trứng kiến chỉ cần thêm vài thứ rau quanh nhà là đủ, không cần cầu kỳ. Từ nồi canh chua, người dân Nam bộ phát triển thành món lẩu chua, cốt để ăn được nhiều rau hơn. Theo nhiều tài liệu về văn hóa ẩm thực, canh chua Nam bộ thường được xem là món ăn điển hình cho thuyết ngũ hành trong ẩm thực.