Tập đoàn First Solar (Hoa Kỳ) đến Việt Nam vào tháng 3-2011 để khởi công xây dựng dự án sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời với công suất trên 250MW tại khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Khi tung ra dự án này, rất nhiều nhà đầu tư và người dân đều phấn khởi bởi theo dự kiến năm 2012 họ sẽ tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và gần gũi – năng lượng mặt trời. Với các nhà máy quang điện được xây dựng tại Mỹ, Malaysia, Đức và Pháp cung cấp tổng sản lượng điện 1.400MW cùng những dự án được triển khai rầm rộ (trong đó có Việt Nam), First Solar hứa hẹn mang về một kỷ nguyên năng lượng sạch, tiết kiệm và an toàn trong thời gian tới, nhất là khi thế giới phải đau đầu để giải quyết nguồn CO2 đang tăng vọt do quá trình sản xuất điện năng để lại các hệ lụy nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng nguồn năng lượng mặt trời thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống vẫn đang vấp phải rất nhiều khó khăn, và câu chuyện First Solar đã “lỡ hẹn” với dự án pin mặt trời 1,2 tỉ USD tại Việt Nam là một minh chứng cụ thể.
Những nguyên nhân khách quan
Thời gian qua, trên bình diện thế giới, tổng sản lượng điện mặt trời liên tục tăng nhanh, từ 40GW (Gigawatts) trong năm 2010 đã vượt qua con số 64GW trong năm 2011. Nổi bật lên là các nước châu Âu trong đó có Đức đi đầu, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc chạy đua sản xuất nguồn năng lượng thay thế này tạo nên hiệu ứng thừa sản phẩm cho những người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc sản xuất pin mặt trời không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn tốn kém một khoản chi phí khổng lồ. Theo ước tính, chi tiêu cho nguồn nguyên tố silicium để chế tạo một pin mặt trời mất khoảng 24 USD/kg năm 2003, 45 USD năm 2004, 55 USD năm 2006, 60 USD năm 2007 và 67 USD/kg cho người mua vào năm 2015. Đó là chưa tính đến các chi tiêu cho kỹ thuật phụ, các dịch vụ đi kèm. Theo First Solar, hiện giá thành mỗi tấm pin mặt trời khoảng 100-150 USD/tấm. Trong khi đó, tình hình kinh tế hiện nay trên thế giới gặp không ít khó khăn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 vẫn chưa hết dư chấn thì cuộc khủng hoảng nợ công các nước châu Âu đã bùng phát mạnh mẽ khiến đời sống của nhiều người dân lâm vào tình trạng đói nghèo, các doanh nghiệp điêu đứng và trở nên thận trọng về mặt đầu tư mua bán các sản phẩm giá trị cao – trong đó có pin mặt trời. Theo Thông tấn xã Việt Nam, đến đầu năm 2012, có ít nhất 118 nước, trong đó hơn 50% là các nước đang phát triển, đã đặt mục tiêu đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh so với con số 96 nước vào năm 2010. Dù có tham vọng nâng tổng sản lượng điện từ pin mặt trời công suất tương đương 250MW/năm tại Việt Nam, nhưng có lẽ First Solar sẽ còn phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu về thị trường cung cầu tại Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung.
Ngoài ra, khi pin mặt trời có xu hướng bùng nổ trong những năm trở lại đây, thì cuộc chiến giữa các quốc gia đang sở hữu công nghệ tạo pin mặt trời cũng bắt đầu trở nên gay cấn. Và thực tế, Trung Quốc vẫn nổi lên như một đối thủ đáng gờm với rất nhiều chiêu bài kích thích dòng mua các mặt hàng này của nước mình. Tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ lên án và áp thuế lên những sản phẩm pin mặt trời Trung Quốc bởi Washington cho rằng Trung Quốc đã chơi “không đẹp” khi phá giá các sản phẩm pin mặt trời tại thị trường trong nước và quốc tế.
Không chỉ Hoa Kỳ mà các “đại gia” khác trong EU cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản… đều rất ngại khi phải đối diện với các phương thức (dù hiển hiện hay… tàng hình) nhằm bảo hộ ngành sản xuất mới còn non trẻ trong nước của Trung Quốc. Theo thống kê, Suntech – công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc – hằng năm sản xuất ra tới 10 triệu tấm pin mặt trời, bất chấp sự “truy đuổi” của bất kỳ quốc gia nào khác. Với sản lượng đó, kết hợp với “bí quyết” giảm đầu vào lượng trong quy trình sản xuất đã khiến giá thành pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất rẻ đến bất ngờ. Có lẽ các yếu tố khách quan từ nền kinh tế toàn cầu đang èo uột và cuộc đua không cân sức với chính sách giá rẻ của Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư First Solar chấp nhận “treo” 300 triệu USD đã đổ vào Việt Nam để chờ một thời cơ mới.
Tiên trách kỷ,…
Thực tế cho thấy, không chỉ do các nhà đầu tư điện quang nước ngoài còn rụt rè, mà chính Việt Nam hiện tại cũng chưa có những bước đi thực sự thuyết phục nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp mới và đầy tiềm năng này. Nhìn một cách tổng thể, Nhà nước chưa có một giải pháp đồng bộ cho đầu vào. Công nghiệp năng lượng tái chế đòi một lượng vốn cao, mà trước tình hình hiện nay, việc hoàn vốn ngay là hoàn toàn không thể. Vấn đề là cần xem xét trong một cuộc chơi dài hạn, khi nhu cầu về năng lượng ngày càng đa dạng, phong phú và đầy đủ trong lúc năng lượng hóa thạch đang giảm đáng kể và có nguy cơ cung không đủ cầu, thì việc tìm đến năng lượng tái chế phải được xem là một hiện thực khách quan.
Các chuyên gia của Trung tâm Sáng tạo Xanh (viết tắt là) GreedID cho rằng năng lượng tái tạo là hướng đi tốt cho ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai, vừa phục vụ sản xuất, đời sống, vừa bảo vệ môi trường. Thế nên, tư duy lâu dài cần được đặt ra, nhằm tập trung khuyến khích đẩy mạnh ngành đầu tư điện quang trước khi hì hục lượm lặt những công nghệ lạc hậu từ các nước lớn bỏ lại. Khi đó, các nhà đầu tư như First Solar sẽ có động lực hơn, để cân bằng thế trong cuộc chiến với Trung Quốc, ít nhất cũng sẽ thể hiện ở việc họ sẽ dám đầu tư một cách trọn vẹn.
Bên cạnh đó, một thực trạng khác cho thấy hiện nay giá điện tại Việt Nam vẫn còn là một bài toán đố, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn còn đang lúng túng không biết nên đặt năng lượng mặt trời vào mức giá nào cho hợp lý. Ngoài ra, bộ luật quy định về năng lượng tái chế vẫn chưa được hoàn chỉnh, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài. Tại Hội thảo tham vấn ý kiến Luật điện lực sửa đổi năm 2012 được GreenID, Viện Rosa Luxemburg (Đức), Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và ActionAid Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 24-5, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều kiến nghị xung quanh việc chế tài xử lý các công trình điện chậm tiến độ, không tán thành việc thu phí điều tiết hoạt động điện lực, khuyến khích đầu tư các ngành phụ trợ cho điện lực… Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng Tờ trình số 57/TTr-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ trình Quốc hội cùng với Dự thảo Luật điện lực sửa đổi kèm theo vấn đề luật năng lượng tái chế còn mờ nhạt và cần phải xây dựng thành một chương hoàn chỉnh trong bộ luật.
Đừng để chết yểu!
Các dự báo về tình trạng nóng lên của Trái đất cùng ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của hiệu ứng nhà kính mà Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất khiến không ai không khỏi lo lắng về tương lai của một quốc gia, nhất là khi vấn đề năng lượng lại có xu hướng chống lại mọi nỗ lực cứu vãn tình thế. Vì thế, năng lượng tái chế là câu trả lời được đánh giá là tất yếu và hoàn hảo. Việc Nhà nước đẩy mạnh các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái chế sẽ là một hướng đi khôn ngoan, mang lại lợi ích lâu dài mà Việt Nam nên hướng tới. Đó có thể là việc thông qua những chính sách ưu tiên xây dựng ngành công nghiệp sản xuất năng lượng tái chế, miễn phí thuê đất xây nhà máy sản xuất và các loại thuế khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đối với đầu ra, Nhà nước nên có chính sách mua lại điện với giá cao hơn giá thành sản xuất ra điện quang, nhằm kích thích cung thị trường. Điều này sẽ kích thích nhiều nhà đầu tư mới quan tâm và gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, nguồn thu từ việc bán chỉ tiêu khí thải cho nước ngoài do sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng là sự hỗ trợ thiết thực cho các nguồn năng lượng này.
Hiện nay cũng đã có một số nhà máy sản xuất điện gió, pin mặt trời tại Việt Nam nhưng do chưa được chính quyền nâng đỡ đúng mức nên việc phát triển chưa thật sự mạnh mẽ như mong muốn. Nguyên nhân bởi chính sách và kế hoạch của Nhà nước chưa thực sự ưu tiên cho các doanh nghiệp và các quy định trợ giá về điện gió, mặt trời của những cơ quan liên hệ trong Chính phủ không rõ rệt; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; người dân thu nhập thấp và các nhà đầu tư quốc tế chưa mặn mà vào Việt Nam. Nếu tình trạng này kéo dài, việc nghĩ đến một Việt Nam với nguồn năng lượng tái chế dồi dào hiệu quả chỉ là những suy tưởng bất khả thi, và ước mơ về một ngành công nghiệp năng lượng tái chế tại Việt Nam có khả năng chết yểu từ trong trứng nước.
Theo Trương Minh – Đỗ Thiện (DNSGCT 464)