Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC (tổ chức độc lập hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương và Hội đồng Trọng tài Hàng hải) tại hội thảo “Luật đấu thầu, Luật xây dựng sửa đổi – Tranh chấp trong các hoạt động xây dựng”, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 14-8 thì xây dựng là một trong các lĩnh vực có số vụ tranh chấp nhiều nhất và giá trị tranh chấp lớn nhất trong các lĩnh vực thương mại trong thời quan qua.
Kết quả khảo sát từ hơn 2.000 dự án xây dựng tại 42 tỉnh, thành và 30 dự án lớn cho thấy, các khoản chi phí đều vượt giá hợp đồng sau khi trúng thầu hoặc được chỉ định thầu. PGS-TS Trần Trịnh Tường, Trọng tài viên VIAC cho biết: “Có trên 20 yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, từ khâu quyết định đầu tư đến khâu khảo sát, thiết kế, thi công, bàn giao, đưa dự án vào khai thác sử dụng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mọi tranh chấp phát sinh giữa các bên, khiến dự án đình trệ, lãng phí tiền của vô cùng lớn”. Ngoài ra, tính thiếu chuyên nghiệp trong công tác đấu thầu cũng dẫn đến lợi ích của đôi bên bị xâm hại. Tuy nhiên, do việc chế tài và quy trình thực hiện chưa chặt chẽ nên việc xử lý vi phạm luôn gặp khó khăn.
VIAC thống kê có đến trên 60% trường hợp tranh chấp đấu thầu bị tòa án tuyên vô hiệu, đa số các vụ việc này đều liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài. Như trường hợp một dự án liên doanh tại quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) tranh chấp đến nay đã gần mười năm chưa kết thúc. Nguyên nhân là vì quy định mức giá đền bù giải phóng mặt bằng không rõ ràng, không xác định thời điểm và cũng không có biện pháp phòng ngừa, nên khi mức giá này tăng lên gấp hai lần do chậm tiến độ thi công công trình đã xảy ra tranh chấp. Theo thông lệ từ trước đến nay, nếu có tranh chấp xảy ra thì hai bên sẽ tự thỏa thuận, khi không tự thu xếp được thì biện pháp cuối cùng là đưa nhau ra tòa. Chỉ có điều, biện pháp này cho đến nay không đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi các căn cứ pháp lý để phân xử do nhiều nguyên nhân thường không hội đủ, gây bất lợi cho cả đôi bên trong làm ăn; thậm chí, có thể bị tòa án tuyên vô hiệu do không có điều khoản cụ thể để giải quyết hay đền bù thiệt hại cho các bên liên quan.
Vì thế, tại hội thảo các chuyên gia cho rằng việc tranh chấp trong đấu thầu xây dựng nên nhờ đến trọng tài thương mại hơn là tòa án. Vì việc xét xử ở tòa án thường phải công khai, phức tạp, thời gian thường kéo dài, người thụ lý vụ việc sẽ do tòa án chỉ định…; ngược lại, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ưu điểm là linh hoạt về thời gian, không công khai, chủ yếu là thương lượng để đôi bên ít thiệt hại nhất.
Hiện nay, phần lớn các vụ tranh chấp trong đấu thầu xây dựng đều nhờ đến tòa án, trong khi đó các tranh chấp này hoàn toàn có thể giải quyết được bằng trọng tài thương mại. Tại hội thảo, ông Phan Trọng Đạt, Phó ban Xúc tiến Đào tạo, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có một số hướng dẫn khi sử dụng trọng tài giải quyết tranh chấp như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp liên quan đến tố tụng cần liên lạc, trao đổi kịp thời với trung tâm trọng tài và tìm hiểu quy tắc áp dụng cho vụ tranh chấp để chuẩn bị các bước tiếp theo. Thứ hai, việc chọn trọng tài viên và thành lập hội đồng trọng tài cũng quan trọng không kém. Để thực hiện quyền lợi của mình, các bên cần nghiên cứu kỹ bản chất vụ tranh chấp và các vấn đề có liên quan như địa điểm trọng tài, ngôn ngữ trọng tài, luật áp dụng để chọn trọng tài viên lĩnh vực chuyên môn, địa điểm cư trú, quốc tịch, khả năng ngoại ngữ… phù hợp. Ở giai đoạn này, vai trò của luật sư tư vấn khá lớn.
Thứ ba, các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng trọng tài. Tại VIAC, 70% các bên tranh chấp ủy quyền cho người đại diện. Giấy ủy quyền cần nêu rõ phạm vi, nội dung và thời hạn ủy quyền. Theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, mặc dù còn nhiều tranh cãi, các bên vẫn cần lưu ý rằng người được ủy quyền nên là những người cụ thể thay vì là một tổ chức (như công ty luật, văn phòng luật sư). Thứ tư, việc thương lượng và hòa giải để giải quyết tranh chấp vẫn là giải pháp tối ưu, ngay cả khi hội đồng trọng tài đang giải quyết tranh chấp. Có khoảng 10% số vụ tranh chấp kết thúc bằng thương lượng, hòa giải thành công mà chưa có phán quyết trọng tài.
Thanh Nhã