Ngày càng có nhiều lữ khách khi đi du lịch, thích tìm cho mình những trải nghiệm riêng mà các hình thức tổ chức đại chúng không sẵn có. Và chính họ tự thiết kế các hành trình du lịch cho riêng mình, hoặc cho nhóm, tận dụng chính những kỹ năng sống của người bản địa để tham gia cùng họ trong công việc mưu sinh thường ngày. Từ đó nảy sinh những hình thức làm du lịch theo kiểu tự phát, không phát triển rầm rộ, không đại trà, nhưng mỗi hành trình đều mang những sắc thái riêng, hấp dẫn người trong cuộc.
Lênh đênh đầm phá
Đến Phá Tam Giang, muốn tham quan hệ thống nò sáo – cách đánh bắt truyền thống của người thủy diện (người sống trên nước), không dễ để tìm được một tuyến du lịch có tổ chức hợp lý. Thế nên, những lữ khách yêu thích khám phá thường tự tìm những ngư dân thuê đò, theo họ ra vùng đầm phá mênh mang để tiếp cận với cuộc sống trên sóng nước.
Anh Tốn, ngư dân ở làng Ngư Mỹ Thạnh ngay Phá Tam Giang, một mối quen của giới du lịch trải nghiệm, mỗi khi cần hỗ trợ là anh sẵn sàng lên đường, nguyên do bởi: “Thường ngày tui cũng đi quăng chài kiếm tôm cá thôi, nhưng có mấy chú ni kêu đi chung là tui đi liền, vừa vui vì có thêm bạn mới, thu nhập cũng khá so với một ngày đi lưới dù tui chỉ xin tiền dầu, còn lại công sức thì anh em muốn gửi lại bao nhiêu tùy hỉ”.
Anh Ba – ngư dân ở bãi Khem, Phú Quốc trong chuyến săn nhum cùng những vị khách phương xa
Nắm bắt luôn yếu tố thích trải nghiệm của du khách, thế nên hành trang mang theo trên chiếc ghe, chỉ là cái nồi không, can nước sạch để nấu, rửa, kèm ít than củi khô… còn lại sản vật trên Phá Tam Giang, đụng đâu mua đấy. Khách đi ghe thích nhất khoản này, bởi thường ngày, sản vật Phá Tam Giang nhiều vô kể, từ cá bống thệ, cua, ghẹ… Mua mớ cá ngay tại ghe của dân chài vừa bắt được, đem hấp ngay tại chỗ, chấm mắm y dằm ớt, ai nấy ăn xuýt xoa, ngon không gì bằng. Rồi những mùa sứa trúng, xin vài con xả thịt ngay trên ghe, cả chủ lẫn khách thỏa chí nhâm nhi phong vịẩm thực tươi sống, thành thị nào bằng.
Câu khơi Côn Đảo
Cũng chuyển lợi thế từ nghề chính là ngư dân câu khơi, anh Khánh ban đầu chuyên dẫn câu lạc bộ câu cá chuyên nghiệp 9999 đi câu Côn Đảo, và nay đã trở nên quen thuộc với tất cả các tay câu mỗi khi muốn ra Côn Đảo buông cần. Chiếc ghe đánh cá giờ được tận dụng, không đi dài ngày ven biển nữa mà chỉ đi theo từng hành trình khách yêu cầu, thường là vài ba ngày, dài hơn cỡ tuần lễ.
Nhờ lợi thế từng làm ngư dân, anh Khánh hiểu rõ các nơi trú ẩn của cá mú, cá bớp, cá cam, cá bè lão, bè trang, cá ngừ… ở các độ sâu ra sao, đến tập tính ăn mồi của từng loại để chuẩn bị sẵn mồi màng cho dân câu khi đáp máy bay ra là mọi thứ đã sẵn sàng, khách chỉ việc lên tàu, muốn yêu cầu câu được loại cá gì, chủ tàu đưa ra đúng nơi, đúng bãi để buông cần. Bởi thế, từ dân câu nghiệp dư đến chuyên nghiệp hễ nhắc đến đi câu Côn Đảo, anh Khánh luôn là tên gọi đầu tiên được đề cập đến. Từ việc ban đầu đưa khách đi câu cho vui, phục vụ niềm đam mê là chính, đến nay mỗi khi vào mùa câu khơi, tàu không một ngày trống vì các nhóm câu thay nhau đặt kín lịch. Vừa đưa nhóm này vào bờ, nhóm khác đã chờ sẵn để chuẩn bị ra khơi.
Dân câu cơm gạo (câu cá về bán lại cho các nhà hàng), chọn đi thuyền cùng anh Khánh, bởi nhờ rành rẽ địa bàn, biết xem con nước để chọn ngày khởi hành, nên hễ đã ra khơi kiểu gì cũng câu được cá. Với dân đi câu trải nghiệm, sẽ là một chuyến học hỏi kinh nghiệm đầy bổ ích từ vị “thuyền trưởng” giàu kinh nghiệm, từ cách thức chọn mồi, chọn thời điểm, vị trí buông cần, đến cả những kỹ năng rê – dắt khi cá đã cắn câu. Để rồi sau mỗi hành trình, ai nấy đều hả hê với số lượng cá đánh bắt được, đem đóng thùng xốp chuyển về thành phố làm quà, thậm chí sang lại cho các nhà hàng hải sản, cũng dư vốn bỏ ra cho một hành trình thuê tàu đi câu khơi Côn Đảo.
Làm ngư dân đảo ngọc
Còn ở Phú Quốc, chưa bao giờ gia đình anh Ba – chị Mười ở bãi Khem, có thể ngờ rằng rồi một ngày mình làm du lịch, đưa khách ra đảo hoang ngủ đêm, săn nhum, lưới cá, đục hàu… để rồi khi về lại bờ, cả chủ và khách đều thích thú theo hành trình vừa trải nghiệm theo kiểu làm mà chơi, chơi mà làm.
Một tháng chỉ cần có đôi ba đoàn khách, đi theo nhóm 3-4 người, trước khi ra Phú Quốc nhấc cái alô, gọi sẵn để hôm ấy anh Ba không ra biển, dong ghe chờ sẵn, khách đến là cả nhóm kéo nhau ra khơi. Cũng với công việc như thường lệ, anh Ba ra đến vùng lưới cá, buông lưới, lữ khách đi kèm sẽ được chỉ dẫn cách thả lưới, mắc mồi câu, hoặc giản đơn hơn là ngồi quan sát cách đánh bắt gần bờ quen thuộc mà anh Ba đã thuần thục từ hơn 20 năm qua ở xứ đảo này.
Có đoàn khách từ thành phố ra, thấy chiếc ghe nhỏ của anh Ba liền đề nghị có thể cho họ đi theo cùng một ngày chài lưới. “Ừ thì vui, có thêm bạn mới, tui đồng ý và hôm sau đưa họ đi” anh Ba kể lại. Và cũng từ đó, bạn giới thiệu thêm bạn, danh sách đi ghe của anh Ba ngày một dài thêm.
Từ đó, cư dân xóm Quảng ở bãi Đất Đỏ, bãi Khem, bắt đầu quen dần với việc đưa khách đi các hòn đảo, các bãi tắm hoang sơ, các vùng lưới cá gần bờ để du khách trải nghiệm cuộc sống thường ngày của những ngư dân bản địa. Hình thức làm du lịch tự phát, nếu nhìn ở góc độ quản lý, sẽ không có gì chuyên nghiệp nếu so với các tuyến du lịch được các hãng lữ hành tổ chức, với chương trình được hoạch định theo lịch định sẵn. Tuy nhiên với sự an toàn cho du khách, những chiếc ghe câu của Côn Đảo, Phú Quốc dù nhỏ hay lớn đã trang bị nhiều phương tiện cứu hộ và áo phao. Nhiều công ty du lịch như Vietravel, Saigontourist, TST… đã bắt đầu chú ý và quảng bá hình thức du lịch này.
Tự sắp xếp những hành trình du lịch trải nghiệm, lữ khách học hỏi được thêm những kỹ năng, vốn sống, chẳng hạn về một ngày lưới cá, săn nhum, câu mực… theo đúng kiểu bản địa chứ không vướng phải cảm giác bị bó buộc như các tuyến du lịch quen thuộc. Và như thế, cả đôi bên, từ ngư dân đến du khách đều thấy mình có lợi. Bởi thế, nếu biết tận dụng và khai thác hợp lý, an toàn, đúng quy cách, sẽ xây dựng thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn chính từ những nét sinh hoạt và thế mạnh đời thường của người bản địa.
Nguyễn Đình