Những người ném đá chứng tỏ họ coi thường, cho là việc không đáng mà thành lập hiệp hội như to chuyện lắm… Chuyện ném đá cái Hiệp hội Nhà vệ sinh mới được thành lập trên phây bữa nay lại khiến cả nhà tôi đâm ra… rộn rã.
Duy có bà xã nghiêm trang: “Những người ném đá chứng tỏ họ coi thường, cho là việc không đáng mà thành lập hiệp hội như to chuyện lắm…”. Rồi bà kể chuyện cái “nhà vệ sinh chung” ngày xửa ngày xưa (bây giờ nhà nào ở thành phố sang hèn gì cũng đều có toa-let cả rồi; thậm chí toa-let nhà giàu còn sáng choang, thơm lừng, có thể thư giãn, đọc sách, xem phim nữa, nên đám nhỏ nghe chuyện “nhà vệ sinh chung” coi như chuyện ngày xưa).
Bà kể: “Còn nhớ ngày xưa em có ông cậu vẽ giỏi lắm, một hôm do ghét lão hàng xóm lắm điều, ông cậu bèn vẽ ký họa chân dung lão lên tường nhà vệ sinh. Vẽ giống đến nỗi lão nhận ra mình, chửi um sùm.
Đó là thời cả xóm có một nhà vệ sinh dùng chung, phải xếp hàng nữa…”, “Ngày xưa khi về công tác một tỉnh miền núi, em là cán bộ trung ương tăng cường nên được đón tiếp trọng thị lắm. Đến khi ra nhà vệ sinh thì… eo ơi, kinh hoàng. Em liền nổi máu yêng hùng, bỏ cả buổi sáng ra gánh nước dọn sạch, muốn cho họ một bài học về vệ sinh chung. Nhiều năm sau này mỗi khi nhớ lại, em đều lộn hết cả ruột, chỉ muốn… ca bài ca chị Huệ (ọe), nghĩ mình sao ngu quá”.
- Xem thêm: Nhà vệ sinh không giấy
Nghe bà xã kể chuyện xưa, chồng cười phá lên và cũng nối tiếp hồi ức một thời về “nhà vệ sinh chung”: “Em còn nhớ không, thời bao cấp ngay thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn vẫn có những nhà vệ sinh sát ra cả vỉa hè hôi thối phát khiếp. Chả thế mà dạo ghé thăm bà bạn nhà ở phố cổ, khi khen bả đang nằm trên đất vàng thì bả nổi khùng “phố cổ phố khổ phố bẩn”.
Thời ấy, lại còn có các anh trai trẻ đi xe thồ lên các phố… lấy phân về bón ruộng vườn. Thấy bóng họ mọi người phải tránh xa sợ mùi hôi. Người ta còn có câu: “Thanh niên Cổ Nhuế(*) xin thề/ Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương”. Quá khứ đau đớn thế.
Xét ra, cái nhà vệ sinh bây giờ nên được tính là thành tựu Đổi mới quan trọng mới phải. Thế giới người ta cũng tổ chức hội nghị quốc tế về cái toa-let từ lâu rồi. Bây giờ xứ mình mới thành lập hiệp hội toa-let là chậm ấy chứ.
Đã có hội chơi cá cảnh, hội đánh golf… sao không có hội nhà vệ sinh chứ! Dẫn chứng này nữa mới kinh: Phát biểu của vị lãnh tụ – người khai sinh nước Ấn Độ hiện đại Mahatma Gandhi, được báo Tây đăng đàng hoàng đây nhé “Vệ sinh quan trọng hơn độc lập chính trị. Phòng vệ sinh phải sạch sẽ như phòng vẽ. Vệ sinh cho bộ trưởng và người hầu phải như nhau…”.
Đã thấy cái toa-let quan trọng chưa? Là bởi chuyện vệ sinh từng là vấn đề gây khủng hoảng Ấn Độ. Có người còn bảo vệ sinh kém ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất người Ấn, cứ xem các thành tích thể thao quốc tế của người Ấn thì thấy rõ nhé…
- Xem thêm: Ghiền… túi nylon? Nghe chuyện này đi
Sạch sẽ là mẹ sức khỏe. Cái nhà vệ sinh bây giờ có nơi coi gần như là “bộ mặt” của việc làm ăn, quản lý. Người ta bảo đến nhà nào, chỉ nhìn cái nhà vệ sinh biết trình độ của gia chủ.
Vậy vì sao lại ném đá chuyện ra mắt cái hiệp hội ấy. Phải nói thế này này: “Hoan hô thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh!”.
(*) Làng Cổ Nhuế ở ngoại thành Hà Nội, ngày xưa có nhiều người dân làng sống bằng nghề đi lấy phân người về bón ruộng