Bây giờ người nội trợ hay nhăn nhó, là không biết ăn gì hôm nay. Nhưng còn việc khó hơn nữa chưa ai nói.
Hôm nay ăn gì? Không nói chuyện thực phẩm độc nữa – chuyện đó nhàm rồi. Kêu mãi rồi để đó chứ không ai giải quyết được. Mọi lời khuyên hiện nay (chọn thực phẩm có nguồn gốc nhãn mác nọ kia, học cách phân biệt thế nào – giống như đánh đố…) đều làm ta thất vọng rồi. Chuyện không ở trong tầm tay ta!
Nhưng chuyện này rõ ràng là trong tầm tay mà bất cứ ai làm nội trợ vẫn gặp, lại không có cách nào giải quyết. Đó là, nấu nướng vất vả xong, dọn cơm cho cả nhà ăn, nhưng quý vị ấy không bao giờ chịu ăn hết. Món nào cũng dư ra một ít. Vứt đi thì phí, mà cất vào tủ lạnh lại không biết ai sẽ là người “giải quyết” chúng giùm đây. Mà không thì lại cất vào – bưng ra mất thời gian.
- Xem thêm: Ngôi nhà “đa phong cách”
Sẽ có ngay lời khuyên: Khi nấu ăn, bạn phải biết tính toán sao cho cả nhà… ăn hết cho bạn. Trời, có tài thánh cũng không biết được bụng dạ của quý vị trong nhà. Bây giờ rất nhiều người nấu ăn gặp cảnh này: Thằng anh chỉ ăn thịt mỡ, thằng em thích thịt nạc; đứa không bao giờ ăn đậu hũ, đứa không thích cá tôm…
Nhà kia kêu lên, lũ con tôi sao suốt ngày thịt và trứng. Trẻ con sao ấy, không mấy đứa chịu ăn rau quả. Chỉ thèm món Tây. Mà báo chí, các nhà chuyên môn ra rả phải có cá, cá tốt hơn thịt, ăn cái nọ ung thư, cái kia xơ gan… Cứ loay hoay như vậy. Người nội trợ hôm nay gặp cảnh mỗi người trong nhà một thực đơn và có khi mỗi người ăn một giờ khác nhau.
Buổi chiều thường là năm giờ nấu cơm chứ gì? Lũ trẻ con ăn lúc sáu giờ để còn đi học thêm. Bố mẹ bảy giờ mới về, ông đi tập thể thao – bóng banh gì đó thì ăn lúc tám giờ. Mà thức ăn, theo nguyên tắc nấu, món này cần ăn nóng, món kia phải sắp dọn ra mới bỏ gia vị… Cứ gọi là lộn tùng phèo.
Người nấu ăn hay bị nghe người nhà giảng bài (thường là từ mấy cô con dâu, con gái “dân văn phòng” bụng đầy thông tin cập nhật) rằng thức ăn để tủ lạnh mất vitamin thế nào, ăn vào hại gan ra sao, bữa nọ báo đăng ai ăn cái gì bị chết thế nào… Khổ, ai lại chẳng biết. Nhưng không lẽ đồ ăn còn thừa đổ hết xuống cống?
Thì đây, trên “Phây” (Facebook) người ta kêu gọi “Bạn share thông điệp này đi bạn không mất phí dịch vụ nào cả, nhưng UNICEF được 5 euro. Trước khi vứt bỏ thức ăn còn sót trong chén của bạn, xin bạn hãy nghĩ tới những người đang chết đói. Đừng quên cứ mỗi giây có một trẻ đang chết đói. Việc share này chỉ đáng giá hai phút của bạn nhưng với trẻ em châu Phi thì chiếm cả cuộc đời của chúng…”.
Thấy chưa? Làm sao đây? Theo một nghiên cứu thì loài người thường vứt đi 50% lượng thực phẩm sản xuất ra. Có ai nghĩ ra công thức gì biết được quý vị sẽ ăn bao nhiêu trong bữa cơm không?
Quý vị ngày càng sành ăn. Cửa hàng cửa hiệu thi nhau bày ra đủ món. Quý vị hết ăn cưới, đám giỗ, sinh nhật thôi nôi, lại đến cà phê bạn bè đãi khao đủ thứ chuyện. Quý vị nói, người nội trợ phải biết tính toán.
Ừ thì họ tính thực đơn tuần rồi đó. Thứ Hai món này, thứ Ba món kia, cũng xoay hết. Mà cũng thịt cá trứng tôm rau xanh trái cây – bà nào đi chợ lại chẳng biết. Nhưng mà hết tuần rồi, tuần tới lặp lại là khổ liền.
- Xem thêm: Thái độ… ăn…
Đôi khi lại thắc mắc, sao ngày xưa quý vị ăn gì cũng ngon. Quý vị đi làm về ăn rau luộc với cà muối quanh năm chẳng thấy ai ung thư nhiều như bây giờ. Khoa học cho lắm vào, đi đưa đám bạn bè toàn thấy nói chết vì ung thư cả.
Vậy có phép màu nào làm cho quý vị ngồi vào mâm một lúc, ăn chung một thực đơn và ngon lành ăn hết giùm được không? Xin đa tạ quý vị đó.