Tiếp thị qua các thiết bị di động (mobile marketing) đang trở thành xu hướng tiếp thị phổ biến cùng với sự hỗ trợ của các mạng internet không dây, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Tiếc rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể khai thác hiệu quả kênh tiếp thị này.
Nguyên nhân chính là các giao diện của các trang web trên các thiết bị di động đòi hỏi một số trình duyệt và kỹ thuật thiết kế riêng để đem đến những trải nghiệm thân thiện cho người sử dụng – điều mà nhiều doanh nghiệp ít để ý đến.
Theo các chuyên gia, để đạt hiệu quả cao nhất từ các nỗ lực tiếp thị trên thiết bị di động, doanh nghiệp cần tuân theo một số nguyên tắc sau.
1. Đơn giản
Đây là ưu tiên hàng đầu. Các nhà tiếp thị luôn muốn tạo ra những hình ảnh đẹp, bắt mắt. Chẳng hạn, trong tiếp thị bằng thư điện tử (email), để tạo ra hình ảnh đẹp phải dùng ngôn ngữ HTML (HyperText Markup Language – ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản), vốn là ngôn ngữ chính để tạo ra các trang web trên Worldwide Web.
Tuy nhiên, ngôn ngữ này lại thường không tương thích với các loại điện thoại di động và người sử dụng có khả năng không đọc được các nội dung được thiết kế dựa trên ngôn ngữ như vậy.
Do dung lượng bộ nhớ trên điện thoại di động có giới hạn, người sử dụng thường không muốn tải về những hình ảnh được hiển thị mặc định trong văn bản hay trong nội dung của một email tiếp thị.
Ngoài ra, hình ảnh trong một email sẽ làm cho người sử dụng phân tâm và không đọc hết nội dung chính của thông điệp mà doanh nghiệp muốn gửi đến. Hiện nay, các phần mềm thư điện tử dành cho điện thoại di động cũng mới chỉ trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Do đó, tốt nhất là doanh nghiệp nên gửi những email được thiết kế bằng ngôn ngữ đơn giản, chủ yếu bao gồm văn bản, hạn chế các hình ảnh cầu kỳ, có dung lượng lớn.
2. Ngắn gọn
Màn hình hiển thị của các thiết bị di động thường nhỏ nên doanh nghiệp cần tiết kiệm từng hàng chữ. Nên chuyển tải thông điệp của doanh nghiệp đến người sử dụng một cách nhanh nhất và hạn chế sử dụng những tiêu đề cầu kỳ có kèm hình ảnh.
Các câu và đoạn văn chính cần được viết ngắn gọn, sinh động và ở thể chủ động. Mỗi một câu phải gợi mở được trí tò mò của khách hàng để họ đọc câu tiếp theo.
3. Tính địa phương
Người sử dụng các thiết bị di động có khuynh hướng tìm kiếm những nội dung mang tính địa phương. Theo Google, có khoảng 40% số lượt tìm kiếm trên các thiết bị di động qua trang web này mang đặc điểm nói trên. Còn theo Microsoft, tỷ lệ tương tự qua trang web Bing là 53%.
Người sử dụng thiết bị di động thường tìm kiếm thông tin liên quan đến những sự kiện xảy ra tại nơi họ đang sinh sống và những chiếc điện thoại di động cũng tạo ra một môi trường đặc thù để người sử dụng kết nối thế giới ảo với thế giới thực. Những cụm từ như “món ngon Sài Gòn” hay “khách sạn tốt nhất ở Vũng Tàu”… sẽ có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trên các web tìm kiếm thông tin.
Vì vậy, doanh nghiệp nên tập trung khai thác những tin tức hấp dẫn mang tính địa phương để đưa lên internet, nhất là qua các kênh di động.
4. Tính tập trung và kịp thời
Có một thực tế nghe có vẻ nghịch lý là số lượt tìm kiếm thông tin trên các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android và OS (dành cho iPhone, iPad) nhiều gần gấp đôi số lượt tìm kiếm thông tin trên các máy tính để bàn.
Số liệu của Microsoft chỉ ra rằng 70% số lượt tìm kiếm thông tin trên máy tính để bàn được thực hiện trong một tuần, trong khi 70% số lượt tìm kiếm thông tin qua các thiết bị di động chỉ được thực hiện trong một giờ!
Tương tự, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến qua máy tính để bàn thường mất trung bình một tuần mới ra quyết định mua hàng, còn những khách hàng làm điều tương tự qua các thiết bị di động chỉ mất trung bình có một giờ.
Điều đó có nghĩa là để tiếp thị thành công qua thiết bị di động, doanh nghiệp phải cung cấp cho khách hàng nhiều thông tin và sự hỗ trợ thân thiện về quy trình đặt hàng, cách thức thanh toán… nhằm giúp họ ra quyết định nhanh chóng.
5. Dễ dàng chia sẻ thông tin
Doanh nghiệp nào chẳng muốn nội dung tiếp thị của mình được chia sẻ cho nhiều người và khách hàng quen thuộc là đại sứ quảng bá cho nhãn hiệu của mình. Nhưng bản thân doanh nghiệp hãy tự kiểm tra xem mình đã giúp khách hàng dễ dàng chia sẻ thông tin qua các thiết bị di động hay chưa.
Nền tảng cho sự thành công của tiếp thị truyền thông xã hội là sự kết nối. Khi khách hàng chia sẻ nội dung trang web của doanh nghiệp, dù qua thiết bị di động hay qua máy tính để bàn, doanh nghiệp phải luôn tạo được cho họ trải nghiệm thoải mái nhất.
6. Hỗ trợ khắc phục lỗi đánh máy
Sử dụng các thiết bị di động thường mắc lỗi đánh máy nhiều hơn so với dùng máy tính để bàn do bàn phím của các thiết bị di động nhỏ hoặc được hiển thị trên màn hình cảm ứng có độ trơn trợt khá cao.
Đó là chưa kể đến trường hợp người sử dụng vừa đi bộ (hoặc ngồi trên xe), vừa bấm phím khiến các con chữ chạy lộn xộn.
Để giúp khách hàng khắc phục điều này, doanh nghiệp nên soạn sẵn những từ hay cụm từ có khả năng bị đánh máy sai nhiều nhất để cung cấp cho các trang web tìm kiếm thông tin, mặc định chuyển những từ hay cụm từ sai này về nội dung đúng mà khách hàng đang thật sự muốn tìm.
7. Dễ đăng ký mua hàng hay truy vấn thêm thông tin
Mục đích cuối cùng của bất cứ chương trình tiếp thị nào, kể cả tiếp thị trên thiết bị di động, cũng là thúc đẩy khách hàng đi đến một hành động, chẳng hạn đặt mua hàng, truy cứu thêm thông tin, đăng ký trở thành thành viên…
Doanh nghiệp cần thiết kế nội dung của trang web hay email sao cho khách hàng thực hiện các bước này một cách dễ dàng và thuận tiện nhất.
Thật đáng tiếc nếu doanh nghiệp đã phải bỏ ra nhiều nỗ lực cho các nội dung tiếp thị để thúc đẩy khách hàng đi đến hành động nhưng rồi lại để mất họ ở bước cuối cùng chỉ vì cách thức đăng ký hay truy cứu không thuận tiện.