Indonesia là nước lớn nhất, đông dân nhất đồng thời còn là một “cường quốc mỹ thuật” trong khu vực Đông Nam Á với nhiều tác giả hiện đại và đương đại đã được cả thế giới biết đến. Do vậy, cuộc triển lãm có tên “Từ hình tượng đến tác phẩm”.
Giới thiệu tranh của 21 họa sĩ Indonesia tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 18 đến 29-6) là cơ hội hiếm có để người yêu nghệ thuật được thưởng lãm những nét đẹp hội họa đến từ nước bạn.
Triển lãm do gallery Art Xchange (Indonesia) kết hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức, với sự giúp sức của gallery K Moeller (Singapore) và với giám tuyển là ông Jim Supangkat – một gương mặt nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình ở Indonesia, được xem là một sự kiện cấp quốc gia ở cả hai phía. Trong số những tác giả có tranh tham gia sự kiện này, có các họa sĩ trẻ đang từng bước khẳng định tài năng và một số tên tuổi lớn đã nổi tiếng toàn cầu.
Gallery Art Xchange và giám tuyển Jim Supangkat
Được thành lập năm 2009 tại TP. Surabaya (Đông Java), gallery Art Xchange nay là một địa chỉ mỹ thuật có uy tín, nơi thường xuyên tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ hiện đại và đương đại tại Indonesia. Chỉ sau hai năm ra đời, Art Xchange đã có một chi nhánh tại Singapore. Chính gallery thứ hai này của Art Xchange đã trở thành nơi gặp gỡ và trao đổi nghệ thuật tạo hình giữa các nghệ sĩ trong khu vực và quốc tế. Trong số các nghệ sĩ có tác phẩm tại gallery Art Xchange, có nhiều tên tuổi của Indonesia cũng như các đồng nghiệp của họở Việt Nam, Singapore, Ấn Độ, Colombia, Mỹ, Pháp, Nga, Ukraina, Canada và danh sách này đang tiếp tục được nối dài.
Ông Jim Supangkat sinh năm 1949, tốt nghiệp khoa Mỹ thuật và Thiết kế đồ họa của Học viện công nghệ Bandung năm 1975 và khởi nghiệp là một nhà điêu khắc. Ngay sau đó ông tham gia thành lập Phong trào Nghệ thuật mới, một tổ chức có ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển mỹ thuật tại Indonesia. Đến thập niên 1980, ông bắt đầu làm công việc phê bình mỹ thuật rồi trở thành một giám tuyển độc lập cho các triển lãm từ những năm 1990. Ở cương vị này, ông Supangkat là người tích cực quảng bá cho nghệ thuật đương đại Indonesia cũng như tham dự các cuộc trao đổi về lý thuyết nghệ thuật trong lĩnh vực này tại nhiều diễn đàn trong khu vực Đông Nam Á. Là tác giả của nhiều đầu sách, ông đã góp phần không nhỏ để đưa mỹ thuật Indonesia lên bản đồ mỹ thuật thế giới. Với những đóng góp đó, ông đã được trao tặng giải thưởng Hoàng tử Claus của Hà Lan vào năm 1997. Nhiều cuộc triển lãm quan trọng của các họa sĩ Indonesia ở nước ngoài đã được ông tuyển chọn và giới thiệu tác giả, tác phẩm như với triển lãm “Từ hình tượng đến tác phẩm” tại TP. Hồ Chí Minh.
Các họa sĩ đến từ Indonesia
Đa dạng về phong cách và thủ pháp tạo hình, về chất liệu sử dụng, các họa sĩ Indonesia có mặt trong triển lãm “Từ hình tượng đến tác phẩm” thuộc nhiều lứa tuổi, có người đã ngoài lục tuần, có người tuổi trung niên và khá nhiều thuộc thế hệ 7X đang là lực lượng chủ công, đưa mỹ thuật nước nhà đến những chân trời xa, bước vào các nhà đấu giá danh tiếng trong khu vực, châu Á và toàn thế giới. Đáng chú ý nhất có lẽ là Heri Dono, năm nay 53 tuổi – một trong những nghệ sĩ tạo hình đầu tiên của Indonesia đã có tên tuổi toàn cầu và cũng là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á. Tác phẩm của ông được mô tả là theo phong cách quốc tế mới, theo đó những hình ảnh trong tranh hay trong các loại hình nghệ thuật đương đại của ông là cách phản ứng lại với sự độc tôn của phương Tây lâu nay trong nghệ thuật.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật truyền thống và sân khấu dân gian Indonesia, Heri Dono luôn pha trộn trong tác phẩm của ông sự thần thoại, tính hài hước, giễu nhại, thậm chí đưa vào những nhận xét về các vấn đề chính trị – xã hội ở trong và cả ngoài đất nước Indonesia. Có tác phẩm trong nhiều bảo tàng uy tín ở châu lục và thế giới, đã tham dự hàng loạt triển lãm và nghệ thuật ở nhiều nước, Heri Dono đã nhận được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có giải Hoàng tử Claus của Hà Lan (năm 1998).
Bên cạnh đó là những tên tuổi khác như Chusin Setiadikara (sinh năm 1949), từng đoạt giải cao nhất giải thưởng Mỹ thuật châu Á, có tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Fukuoka (Nhật), hay R. Sumantri (sinh năm 1968), từng là một nhà thiết kế hàng đầu vải batik cổ truyền của Indonesia và nay chuyên vẽ tranh cá Koi mà tác phẩm đã có trong sưu tập ở nhiều nước, được biết đến với danh hiệu “vua cá Koi”; hoặc Indyra (sinh năm 1957), một trong những khuôn mặt nữ nổi tiếng nhất của mỹ thuật Indonesia, nhà thiết kế nội thất tài năng, tác giả của những tranh sơn dầu gợi cảm, làm say đắm những người sưu tầm tác phẩm của bà; là Sugiri Willim (sinh năm 1965) với tác phẩm được vẽ một cách khác thường: bằng miếng bọt biển thay vì cọ hay dao và luôn đầy tính hài hước.
Đó còn là những gương mặt trẻ như Adrinalia (sinh năm 1976) nhưng tác phẩm của cô đã có trong các sưu tập ở khắp nơi trên thế giới; là CadioTarompo (sinh năm 1971), nổi tiếng với các tác phẩm trực diện với những căng thẳng xã hội và chính trị được thể hiện bằng kỹ thuật tả thực nhuần nhuyễn và với phong cách độc đáo, hay Dona Prawita Arissuta (sinh năm 1976), một nữ nghệ sĩ gốm mỹ thuật tiêu biểu của thế hệ trẻ đồng thời vẽ tranh và làm sắp đặt…
Trong lời giới thiệu triển lãm, ông Benny Oentoro – chủ nhân gallery Art Xchange viết: “Triển lãm này được hình dung nhằm nêu bật và tạo nhận thức về sự quan trọng của truyền thống trong các quốc gia có nền văn hóa phong phú như Indonesia và Việt Nam. Nghệ thuật sẽ được dùng như một ngôn ngữ thông thường để xây dựng một câu chuyện kể đan kết giữa hai đất nước chúng ta…”.
Song hành với cuộc triển lãm này là một triển lãm của các họa sĩ và nhà điêu khắc trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, được tổ chức tại trụ sở Hội Mỹ thuật (từ 12-6) và một cuộc tọa đàm về nghệ thuật đương đại ở hai quốc gia, được tổ chức tại khu du lịch Văn Thánh ngày 20-6.
- Diên Vỹ