Với hơn 40 năm cầm cọ, họa sĩ Hoàng Đặng của Đà Nẵng còn gắn bó với nghề báo, đặc biệt là với mảng biếm họa trên các báo từ Bắc chí Nam.
Là một trong vài họa sĩ có triển lãm cá nhân sớm nhất ở miền Nam sau 1975, Hoàng Đặng có tranh trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và đã từng triển lãm cá nhân ở Ireland và Mỹ. Ngoài sáng tác hội họa, anh còn làm bìa sách, tạp chí và thường xuyên vẽ phụ bản, minh họa, tranh vui, tranh biếm cho các báo. Công việc tay trái này được Hoàng Đặng làm nhanh lắm, “làm mà như chơi”, nhưng đã nhiều năm rồi ở Đà Nẵng gần như không có ai có thể thay thế anh. Ở thời buổi làm báo với công nghệ hiện đại, đêm hôm tổng biên tập duyệt bài, cần gấp tranh minh họa cho bài thay, email qua lại, chỉ 15-20 phút sau Hoàng Đặng có sản phẩm ngay. Có lúc anh đang uống cà phê hay lai rai với bạn bè, việc gấp của báo cần anh, thế là nhanh chóng thực hiện theo yêu cầu. Phụ bản hay minh họa của Hoàng Đặng dù được làm nhanh nhưng không bao giờ cẩu thả, và luôn có cái duyên ngầm nên không gây chán cho người đọc.
Còn mảng biếm họa của Hoàng Đặng chất hài chất tếu rất rõ, hệt như chiếu rượu nào có anh xuất hiện bao giờ cũng vui nhộn, rôm rả. Cùng một câu chuyện, người khác kể chẳng ai cười mà qua cái miệng hơi móm của anh bao giờ cũng đầy hóm hỉnh. Tính cách đó cộng với cái đầu tìm tòi, suy nghĩ, bàn tay khổ luyện đã làm nên một phong cách biếm họa Hoàng Đặng. Với bút danh Đan, Cốp…, biếm họa của Hoàng Đặng đã có mặt trên nhiều báo như Lao Động, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Đà Nẵng cuối tuần…
Dù vẽ biếm họa đã nhiều năm, Hoàng Đặng luôn tự xem mình là người “mới vào nghề”. Theo anh, vẽ biếm họa gắn với thời sự cuộc sống đòi hỏi người họa sĩ sự nhạy cảm, xông xáo của người làm báo bởi phải luôn “có mặt” ở những sự kiện nóng của xã hội để phản ánh bằng tranh biếm. Thời gian đầu, anh thật sự lúng túng vì đã quen với sự tĩnh lặng của một người sáng tác hội họa. Rồi anh tập dần cách tự cân bằng cuộc sống của mình giữa trạng thái động và tĩnh của hai loại hình hội họa và biếm họa. Năm 2008, với biếm họa Tái định cư anh đã đoạt giải ba “Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ nhất” do báo Thể thao – Văn hóa phối hợp với Hội Nhà báo và Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. Bức tranh biếm đó đã phản ánh một nghịch lý, khi mà cả gia đình người nông dân cùng trâu bò gà lợn… đứng sững trước một khu chung cư, với quyết định bố trí tái định cư ở tầng 9!
Bên cạnh những bức biếm họa lật mặt trái những tiêu cực xã hội, những oái oăm do tệ quan liêu, sự trì trệ gây ra, Hoàng Đặng còn vẽ những tranh vui với nụ cười ý nhị, chẳng hạn vẽ ông du khách nước ngoài đạp xích lô với hoa trong tay, balô trên vai có dòng chữ “Welcome to Da Nang – Chào mừng đến Đà Nẵng”, trong khi ông xích lô thì đang chú mục vào cuốn vở… tự học tiếng Anh. “Thật vui khi được vẽ biếm họa và được biếm họa chọn làm bạn đường, tri kỷ. Cùng với vẽ tranh sơn dầu, tôi sẵn lòng “ôm đồm” thêm công việc vẽ biếm họa – câu chuyện dài đó chưa biết hồi nào sẽ kết thúc” – Hoàng Đặng tự trào.
Đằng sau những tranh biếm phải vẽ hằng ngày, Hoàng Đặng vẫn dành riêng cho mình một không gian để vẽ tranh sơn dầu. Và với anh đó là một thế giới không cùng: “Hội họa đưa tôi đến thật gần với cuộc đời, đồng thời hội họa cũng đẩy tôi đến những bến bờ xa lạ nào đó, có lúc không tìm được lối về. Với tôi, hội họa là phương tiện diễn đạt nội tâm còn sự vật trong tranh chỉ là cái cớ với ngôn ngữ ước lệ muôn đời…”.
- Hồ Sĩ Bình