Quyết định của Hoa Kỳ gỡ bỏ toàn bộ cấm vận kinh tế đối với Myanmar, gây ngạc nhiên trong nhiều giới. Tuyên bố này được Tổng thống Mỹ Obama đưa ra trong cuộc gặp bà Aung San Suu Kyi, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Cố vấn Nhà nước Myanmar, tại Washington giữa tuần qua.
Tổng thống Barack Obama không thể đưa ra quyết định này nếu như không có yêu cầu của bà Aung San Suu Kyi, người được cho là nhiều năm cổ xúy Mỹ giữ cấm vận để gây áp lực lên chính thể quân phiệt Myanmar. Tuy nay bà đã lên nắm quyền, quân đội Myanmar dường như chưa có động thái rút dần khỏi chính trường hay cho phép thay đổi bản Hiến pháp thiếu dân chủ của nước này.
Thật ra, cấm vận của Mỹ không phải nhằm vào người dân mà là một số cá nhân và công ty liên quan tới chính quyền quân sự cũ. Có đến 111 cá nhân và công ty nằm trong diện này, trong số đó có nhiều nhân vật bị coi là bất hảo.
Các công ty trong danh sách cấm vận đã từng giúp giới quân phiệt mua súng đạn, hoặc giành nhiều hợp đồng béo bở để xây dựng tân thủ đô Naypyitaw hiện đại mà tới nay vẫn còn rất trống vắng.
Những tướng lĩnh đó hẳn là sẽ vui mừng về quyết định của ông Obama, vì các công ty của họ nay có thể thoải mái cạnh tranh giành lấy các thương vụ đầu tư của Mỹ. Các công ty Mỹ cũng được lợi vì có nhiều đối tác hơn và ít hạn chế hơn.
Tuy nhiên, một số lệnh trừng phạt chưa được bãi bỏ nhằm ngăn chặn buôn bán của phe quân sự với CHDCND Triều Tiên, buôn bán ma túy.
Cấm vận của Hoa Kỳ với Myanmar được đưa ra từ năm 1997, dựa trên Điều luật Tình trạng khẩn cấp Quốc gia, liệt Myanmar vào danh sách các nước gây đe dọa nghiêm trọng cho an ninh Hoa Kỳ.
Vào thời điểm ấy, Mỹ cáo buộc Myanmar vi phạm nhân quyền và lệnh cấm vận được áp dụng cũng còn vì lý do này. Nay trong cuộc gặp nhà lãnh tụ Myanmar diễn ra tuần qua, ông Obama tuy không nêu rõ thời điểm cụ thể nhưng khẳng định: “Đây là điều đứng đắn cần làm để đảm bảo rằng người dân Myanmar thấy được những thành quả từ con đường kinh tế mới và một chính phủ mới”.
Đ.N (DNSGCT)