Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã đi được nửa chặng đường, nhưng hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Ngày 17-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 tiến đến việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, mặc dù chưa đưa ra thời gian cụ thể.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điểm qua những hạn chế trong quá trình triển khai đề án, theo đó khi xây dựng mục tiêu của đề án, chưa tính đến điều kiện khả thi, nên sau một thời gian triển khai, nhiều mục tiêu không đạt được.
Mục tiêu đặt ra quá cao tất nhiên hiệu quả không cao, biểu hiện rõ trong kỳ thi vừa rồi. Theo Bộ trưởng, giáo viên có vai trò quan trọng nhất trong dạy và học ngoại ngữ; việc áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu sáu bậc có tài liệu, nhưng vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Giáo viên đã phải cố gắng nhiều nhưng không hiệu quả; không ngoại trừ một số trường hợp chạy chứng chỉ để đảm bảo hồ sơ đứng lớp…
Thực tế cho thấy chất lượng dạy và học ngoại ngữ chưa được tốt còn do phần lớn học sinh chưa có ý thức và động lực học ngoại ngữ, còn đối với giáo viên ngoại ngữ thì có độ vênh khá lớn giữa năng lực thực tế và năng lực ghi trên bằng cấp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.
Thứ nhất, tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường sư phạm, thầy cô nào khó đạt chuẩn thì chuyển công tác khác.
Thứ hai, tập trung vào cơ sở học liệu, phù hợp với điều kiện, yêu cầu của Việt Nam và đào tạo từ xa, tạo điều kiện cho giáo viên có thể học mọi lúc mọi nơi, hình thành các trung tâm, không có liên doanh liên kết trong đào tạo ngoại ngữ.
Thứ ba, củng cố, nâng cao dạy ngoại ngữ, tránh tình trạng học xong không công nhận.
Tại hội nghị, Ban điều hành Đề án 2020 đã đưa ra những mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó ban thường trực Đề án, cho biết, trong giai đoạn này tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình bảy năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, đạt chỉ tiêu 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh 6 và 60% học sinh lớp 10 được học chương trình mới (10 năm).
Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp (mục tiêu cũ là năm học 2018-2019).
Đối với đào tạo nghề nghiệp, sẽ tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ theo các mốc: Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị chọn một bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó, chỉnh sửa cho phù hợp rồi thống nhất đưa vào chương trình dạy từ tiểu học đến lớp 12. Đối với các trường ĐH, CĐ, những môn khoa học cơ bản, ông khuyến khích dùng luôn chương trình của nước ngoài. Ông khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra thời gian cụ thể đối với mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam. Ông bày tỏ niềm tin rằng nếu chúng ta dạy tiếng Anh ở phổ thông tốt, thì 10 năm sau chúng ta sẽ không tốn nhiều công sức dạy tiếng Anh ở bậc đại học như hiện nay và khi ấy sinh viên sẽ học được những môn khoa học bằng tiếng Anh.

Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo được sự đồng tình của những người làm công tác trồng người ở nhiều địa phương khi cho rằng nên coi ngoại ngữ là môn điều kiện vào đại học, mà muốn làm được điều này thì phải có sự chuẩn bị đối với học sinh.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre, nêu thực trạng trước đây vấn đề lớn nhất là thiếu giáo viên, nhưng nay khi mà giáo viên đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thì nảy sinh thực tế là thiếu học sinh. Chương trình tiếng Anh bậc trung học cơ sở khó tuyển học sinh đủ chuẩn để học tiếp chương trình ngoại ngữ 10 năm.
Ông đề nghị: “Bộ nên mềm dẻo trong quy định chuẩn đối với học sinh các vùng miền khác nhau, vì học sinh ở những vùng sâu, vùng xa khó đạt chuẩn bậc 1 như học sinh ở thành phố lớn, nơi có điều kiện dạy học ngoại ngữ và môi trường giao tiếp thuận lợi hơn hẳn”.
Đồng quan điểm trên đây với người đồng cấp, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế, kiến nghị: “Nên chỉ đạo dạy học ngoại ngữ theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn, mở rộng các quy định, yêu cầu và tổ chức dạy học ngoại ngữ để các tỉnh có điều kiện hoặc chưa có điều kiện lựa chọn phù hợp”. Theo ông, khó khăn lớn trong việc dạy học ngoại ngữ thời gian qua đó là đa phần học sinh chưa có động lực học ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh ngại cho con học chương trình tiếng Anh mới bởi vì học vất vả hơn, đánh giá khắt khe hơn so với chương trình cũ. Chương trình mới phải đánh giá bằng bốn kỹ năng (nói, nghe, đọc, viết), trong khi chương trình đại trà chỉ đánh giá kỹ năng đọc – viết.
Ông Hùng đề xuất cần tạo động lực học tập ngoại ngữ cho học sinh bằng cách quy định ngoại ngữ là môn thi đầu vào trong tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Minh họa cho ý tưởng này, đại diện Đại học Tây Nguyên cho hay trong số 47% sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp năm qua thì có tới 79% không đạt được chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ. Với học sinh, do Bộ vẫn cho thi thay thế môn tiếng Anh nên tỷ lệ chọn môn này rất thấp trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Còn ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, cho rằng việc dạy học ngoại ngữ ở các trường vẫn chưa theo hướng học để sử dụng vào thực tiễn, chủ yếu dạy học sinh viết, đọc để đi thi, còn kỹ năng nói – nghe rất ít.
Hiện nay chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức tới thực tế, thực hành, nên nhiều học sinh, sinh viên đáp ứng chuẩn, thi đạt điểm cao nhưng khi gặp người nước ngoài vẫn lúng túng trong giao tiếp, điều này cần chấn chỉnh. Cần thấy rõ một điều là chúng ta hướng tới học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để thi lấy điểm cao, từ đó định hướng việc dạy học của giáo viên.
Kinh nghiệm cho thấy để tăng cường khả năng giao tiếp, chúng ta nên thành lập các câu lạc bộ trong nhà trường, mời giáo viên, tình nguyện viên là người bản ngữ tham gia sinh hoạt, khi đó sẽ từ áp lực trở thành động lực đối với người học.
Gia Minh (DNSGCT)