Tuy nhiên, sau hai tháng thực hiện, thay đổi rõ nhất là các cơ sở kinh doanh túi nylon lại tăng giá mặt hàng này rất mạnh, còn mục đích chính là hạn chế và sử dụng tiết kiệm túi nylon thì chưa thấy có chuyển biến. Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi công nghệ, vật liệu để sản xuất túi nylon thân thiện với môi trường hay sản phẩm thay thế khác lại lúng túng vì chưa có quy định rõ ràng.
Vậy những bất cập này do đâu? Liệu biện pháp chế tài trên có đạt được kết quả như mong muốn, hay người tiêu dùng lại phải gồng mình trả thêm chi phí mua bao bì đựng hàng hóa? Làm thế nào để người dân hiểu rằng không sử dụng túi nylon để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của chính họ, của các thế hệ sau, chứ không phải cứ đóng thuế theo đúng luật rồi túi nylon vẫn nhan nhản mọi nơi? Vì vậy, có ý kiến rằng việc hạn chế sử dụng túi nylon là cần thiết, đúng đắn, nhưng cách làm thì cần bổ sung theo hướng mở, nghĩa là phải có chính sách khuyến khích sản phẩm thay thế có hiệu quả tương đương thì mới thuyết phục được các nhà sản xuất bao bì chuyển sang loại bao bì thân thiện với môi trường và từ đó, người tiêu dùng cũng phải thay đổi thói quen sử dụng túi nylon.
Túi nylon, từ đâu mà có?
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các loại rác thải không phân hủy trong lòng đất rất đáng báo động và các nhà khoa học về môi trường đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, trong đó rất đáng ngại là các sản phẩm bao bì nhựa, túi nylon khó phân hủy gia tăng không thể kiểm soát nổi. Ước tính tại TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 50 tấn túi nylon bị thải ra môi trường, còn lượng túi nylon được tái chế không đáng kể.
Túi nylon là vật dụng đựng hàng phổ biến ở chợ, người bán, người mua đều thích dùng vì sự tiện lợi của nó
Khoảng hai thập niên qua, túi nylon được xem là sản phẩm công nghiệp của cuộc sống hiện đại. Tiện dụng, gọn gàng, túi nylon nhanh chóng lên ngôi, thay thế cho những vật để bao gói “gốc quê” như lá chuối, lá sen, lá dong, túi đệm… rồi tràn ngập các chợ, siêu thị và hệ thống bán lẻ. Nhiều người biết rõ tác hại của túi nylon nhưng vẫn vô tư sử dụng vì hậu quả của nó không phải “nhãn tiền”. Chỉ sau một lần sử dụng, túi nylon bị thải ra, tràn ngập ngoài bãi rác, vương vãi khắp các hệ thống kênh rạch, ao hồ, bị vùi dưới đất sâu gây tắc nghẽn cống rãnh, ứ đọng nước thải, gây xói mòn, thoái hóa đất, hạn chế sự phát triển của cây trồng, chưa kể khả năng gây độc và là nguyên nhân của bệnh ung thư… Nhiều tổ chức quốc tế khi vận động bảo vệ môi trường cũng kêu gọi hạn chế sử dụng túi nylon, nhưng ở ViệtNam, tình trạng sử dụng túi nylon vẫn lan rộng.
Thay đổi thói quen sử dụng túi nylon
Túi nylon được xác định là loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng hiện nay, tại các siêu thị, chợ, mọi người bán hàng vẫn phát miễn phí các loại túi nylon cho khách do giá của nó quá rẻ. Vì vậy, để thay đổi hành vi của người sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất mức thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng túi nyon là 45.000 đồng/kg.
Theo kết quả khảo sát của Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu của việc sử dụng túi nylon quá nhiều như hiện nay là do thói quen và nhận thức chưa đầy đủ của người dân về tác hại của túi nylon. Dễ sản xuất, dễ mua, tiện dụng, giá lại rẻ nên hầu như ở đâu, túi nylon cũng có mặt, từ việc đựng con cá, mớ rau ngoài chợ, bịch chè, xôi hàng rong cho đến hàng hóa trong siêu thị đều có sự tham gia của nó. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình lên UBND TP.HCM kế hoạch thực hiện giảm thiểu sử dụng túi nylon theo hướng tác động đến người bán lẻ và người tiêu dùng để chuyển sang các loại túi sử dụng nhiều lần. Được như vậy thì không chỉ có tác dụng tiết kiệm được nguyên vật liệu và năng lượng, mà còn hạn chế được những hệ lụy về môi trường.
Thực phẩm khô, bánh mứt cũng là mặt hàng ưu tiên sử dụng túi nylon